Vì sao người Nhật luôn “miễn nhiễm” với thông tin độc từ mạng xã hội?

26/04/2016 10:11 AM | Sống

Một đất nước chịu nhiều mất mát trong lịch sử khiến người dân luôn phải cân nhắc lợi hại trong từng hành động của mình, để làm lợi cho xã hội hoặc ít nhất là không trở thành gánh nặng của xã hội, đó chính là câu chuyện diễn ra ở Nhật Bản.

“Keyboard Warrior” là thuật ngữ dùng để chỉ những người chuyên dùng bàn phím để gây chiến, nói linh tinh những điều vô thưởng vô phạt, nếu dịch ra tiếng Việt, có thể dùng nghĩa “anh hùng bàn phím” để mô tả tương đương. Thuật ngữ này dường như không tồn tại ở Nhật Bản.

Ninomiya, một người Nhật có sử dụng Facebook biết tiếng Anh và tiếng Việt, đang sống tại Việt Nam nói, tại Nhật, khó tìm ra từ ngữ (Kotoba) nào tương đương với từ “Keyboard Warrior”, khi một người Nhật hỏi Ninomiya về nghĩa của từ “Keyboard Warrior”, ông chỉ giải thích rằng, đây là một dạng của “netto surangu”, tức là tiếng lóng trên mạng, dùng để chỉ những người đẩy ra những cảm xúc bình thường của bản thân, thông qua bàn phím, trên mạng xã hội.


Tấm ảnh chụp băng rôn ghi dòng chữ: Nhiệt liệt chào mừng đại động đất Nhật Bản đầy khiêu khích từ nhà hàng Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Tấm ảnh chụp băng rôn ghi dòng chữ: "Nhiệt liệt chào mừng đại động đất Nhật Bản" đầy khiêu khích từ nhà hàng Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Ông giải thích, việc người Nhật không ồn ào trên mạng xã hội có khá nhiều nguyên nhân, thứ nhất là họ hiểu việc đưa thông tin lên mạng là một hành vi cộng đồng, trong đó nó có thể đưa ra những tác động tích cực hoặc tiêu cực. Thứ hai, họ tin vào thông tin từ những người có chuyên môn, những người có khả năng đưa ra thông tin chính xác.

Ngày 10/4/2015, gần 150 con cá voi mắc cạn tại Hokota, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, cả thế giới lo sợ và đồn đoán về hiện tượng lạ này và coi đó là dấu hiệu cho một trận đại động đất sắp giáng xuống Nhật Bản, khi trước đó, đã có nhiều trận động đất xảy ra sau khi hiện tượng tương tự được ghi nhận tại New Zealand và chính Nhật Bản trước đó.

Báo chí nước ngoài đua nhau lật lại sự kiện này, tuy nhiên không có báo Nhật nào liên kết câu chuyện và so sánh về sự trùng lặp với những trận động đất, trong đó có hai trận là trận Christchurch và đại động đất ở vùng Tohoku Nhật Bản năm 2011, ghi nhận sự bất thường của cá voi và cá heo trước khi thảm họa diễn ra.


Người Nhật lấy nước làm mát cho cá voi dạt vào thành phố biển Hokota. Ảnh: AP

Người Nhật lấy nước làm mát cho cá voi dạt vào thành phố biển Hokota. Ảnh: AP

Trên mạng xã hội Yahoo và Twitter, những người dân Nhật cũng ý thức “dập” những dòng tin hoang mang bằng lập luận mạnh mẽ hoặc kiềm chế việc đưa tin chưa được kiểm chứng.

Các tài khoản YouTube của báo Nhật chặn hết các bình luận nhằm tránh những tin đồn có thể lây lan. Sau cùng, nguyên nhân dự đoán cá heo chết được các chuyên gia đầu ngành của Nhật đưa ra là do cá bất ngờ rơi vào vùng nước lạnh, bị sốc và viêm phổi, Nhật thở phào nhẹ nhõm.

Câu chuyện trên cho thấy, ngay từ cơ quan truyền thông chính thống của Nhật Bản cũng luôn có tính chọn lọc, cân nhắc thông tin để truyền tải đến người dân nên người dân luôn tin vào báo chí, tin vào các chuyên gia, tin vào truyền thông chính thống hơn các tin xuất hiện trên mạng xã hội. Trớ trêu thay, cũng sự kiện này, Facebook và cả báo chí Việt Nam đã bàn luận rất... rôm rả!

Đất nước Nhật Bản bốn mặt giáp biển, có tính thuần chủng về dân tộc rất cao, trong khi lại luôn đối mặt với thiên tai như động đất, bão lũ... Và quốc gia này trở nên rất đoàn kết và rất nhạy cảm với thông tin bởi một thông tin sai lệch cũng có thể khiến nhiều người phải trả giá.

Ninomiya nói: “Tôi không nghĩ hoặc chưa được nghe nói về một bài học chuyên biệt liên quan đến việc ứng xử trên mạng xã hội của các trường học. Tuy nhiên, hành vi ứng xử đúng mực trước những tình huống đa dạng có thể được hình thành nhờ việc người Nhật luôn được đào tạo về các kỹ năng sống trong hệ thống giáo dục của mình”.

Quay lại sự kiện mới đây, khi tấm ảnh nhà hàng Trung Quốc treo biển: “Nhiệt liệt chào mừng đại động đất Nhật Bản” gây bão trên Weibo hay Twitter do người Trung Quốc sử dụng, người Nhật Bản đã thấy nhưng không hề lưu tâm, Ninomiya cho rằng cần phải phân biệt một nhà hàng Trung Quốc không đại diện cho nhiều nhà hàng Trung Quốc, một người Trung Quốc không đại diện cho cả dân tộc Trung Quốc.

“Nếu Chính phủ Trung Quốc có động thái khiêu khích, người dân Nhật sẽ lên tiếng, nhưng một nhà hàng Trung Quốc thì không có tính đại diện nào cả”, Ninomiya nói.

Tại Việt Nam, có khá nhiều người Nhật sinh sống và sử dụng Facebook, nhưng rất khó nhìn thấy thông tin cá nhân như công ty, nghề nghiệp, tuổi, số điện thoại... của họ trên Facebook. Cô Ai Iwakura, trợ lý giám đốc của một công ty hỗ trợ việc làm Nhật nói: “Tôi sử dụng Facebook cho các công việc của mình, những gì cần thiết để đưa lên đó tôi đều đã chia sẻ”.

Thỉnh thoảng, Ai Iwakura đăng ảnh cậu con trai và bạn học của cậu lên Facebook song những tấm ảnh đó đều bị làm nhoè mặt, Ai Iwakura nói rằng, khi lớn lên cậu bé sẽ tự cân nhắc đến việc tải những tấm ảnh của mình lên mạng xã hội hay không, còn bây giờ cô chưa được phép làm điều đó.

Theo Thành Lương

Cùng chuyên mục
XEM