Vì sao người khác luôn có được thứ mà bạn không thể có?
Bạn thích một thứ gì đó, thế nhưng trừ bạn ra thì tất cả mọi người xung quanh đều có nó, thế nhưng đừng buồn vì mọi chuyện đều có lý do và đều có cách để giải quyết.
Bạn ao ước có được một chiếc điện thoại mới, thế nhưng chẳng thể nào có đủ tiền để mua nó. Và rồi một ngày, người đồng nghiệp bước tới văn phòng với chiếc điện thoại trong mơ của bạn. Làm sao họ có thể mua được nó khi mà thu nhập của bạn với họ tương đương? Cả ông hàng xóm đáng ghét nữa, sắm ngay chiếc xe lý tưởng của cuộc đời... Phải chẳng cuộc sống quá éo le và chúng ta chẳng đạt được thứ mình muốn?
Thế nhưng, không phải đâu vì bạn biết chắc rằng những người kia không kiếm được nhiều tiền bằng bạn. Tất nhiên, họ cũng chẳng tài giỏi bằng bạn rồi.
Vậy, lý do vì sao? Tại sao họ có thể sở hữu được những thứ đó?
Có thể họ mua trả góp, có thể họ vay ngân hàng để có tiền hoặc thậm chí, éo le hơn cả là có thể họ được người khác tặng những vật phẩm ấy. Nhìn lại xem, bạn không hề biết người kia bằng cách nào có được nó phải không nào? Nhiều khi bạn phải chấp nhận thực tế rằng: "Bạn sẽ có bất kì thứ gì bạn muốn, thế nhưng bạn không thể có tất cả mọi thứ".
Hãy nhìn nhận thế này, để có được chiếc điện thoại trên, người đồng nghiệp chắc hẳn sẽ phải tiết kiệm. Không giống như bạn chi tiền cho những bữa ăn sang trọng, đi xem phim hay gì đó. Đúng không? Họ từ bỏ những quyền lợi bạn đã trải qua kia để có được cái điện thoại này.
Thực chất, mọi chuyện chỉ là một chuỗi những sự lựa chọn, những sự lựa chọn ẩn mình mà bạn không hay biết. Biết đâu hỏi ông đồng nghiệp trên, anh ta sẽ khóc lóc vì cả tháng ăn mì gói chỉ để có điện thoại mới. Chúng ta quan tâm quá nhiều tới bề nổi -> cái điện thoại, nhưng bỏ qua phần chìm là những hệ quả, lựa chọn để có được thứ đó.
Bạn chỉ được thấy những gì người khác muốn bạn thấy
Các nhà kinh tế học cùng nhà tâm lý học cho rằng chúng ta quan tâm rất nhiều tới trạng thái giàu nghèo, đặc biệt là những người thường xuyên kết nối với chúng ta. Và những vật phẩm chúng ta hay người khác mua được coi là dấu mốc để đánh giá sự giàu nghèo ấy.
Nhà kinh tế học Thorstein Veblen từng lý giải vấn đề trên trong cuốn "Thuyết người giàu" được xuất bản vào năm 1899. Trong cuốn sách này ông có đề cập tới chuyện những người mới giàu thường chi bộn tiền cho những thứ hào nhoáng, từ nhà lầu, xe hơi cho tới quần áo sang trọng... Vì sao ư? Vì họ muốn người khác thấy rằng mình giàu có, đơn giản thế thôi.
Nhà kinh tế học Fernando Zapatero của trường Đại học Nam California cho hay: "Có rất nhiều lựa chọn của chúng ta được thực hiện dựa trên học thuyết khoe khoang kia, nó tạo ra sự so sánh và khoảng cách giữa người có tiền với người không có tiền".
Thêm vào đó, chúng ta luôn có xu hướng bị cuốn hút bởi những gì mình ưa thích. Giả sử bạn thích một chiếc ô tô mới, bạn sẽ bắt đầu thấy nó xuất hiện nhiều hơn trên đường phố. Mọi người mua xe nhiều hơn chăng? Không, chỉ là vì bạn quan tâm tới nó nhiều hơn nên sẽ tập trung để ý nó và từ đó tần suất xuất hiện cũng nhiều hơn.
Rồi, qua phần tiếp theo...
Bạn không thể thấy người khác phải hi sinh những gì
Có một vấn đề mà rất nhiều người gặp phải đó là tình trạng mua sắm mất kiểm soát. Đây là một hội chứng mà người ta mua bất kì thứ gì cho dù nó không thật sự cần thiết. Giả sử bạn ra ngoài đường và thấy một chiếc áo trông rất đẹp, dù ở nhà bạn đã có 10 tỷ chiếc áo khác nhưng vì "hứng lên" nên vẫn quyết định mua nó. Sau cùng, bạn có 10 tỷ lẻ 1 chiếc áo nằm bắt bụi trong góc phòng. Thấy chứ? Đó chính là mua sắm mất kiểm soát.
Những người này có khả năng kiểm soát tiền cực kém, họ không hiểu tiền của mình đi đâu hết và thường xuyên có những cảm xúc tiêu cực khi nhận ra mình đã đốt tiền vào những thứ vô bổ. (Thế nhưng sang tháng khi có lương mọi thứ lại y hệt như cũ, tất nhiên rồi!).
Mọi sự mua bán đều phải được đánh giá trên giá trị lâu dài cũng như mục tiêu bản thân. Giả sử muốn mua một chiếc áo và bạn lên kế hoạch sẽ mặc nó trong 1 năm và khoản tiền mua nó đủ để khấu hao trong 1 năm đó thì hãy mua, nó sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái. Thế nhưng nếu chỉ vì nó đẹp mà mua thì nên dừng ngay ý định đó lại.
Xác định được mục tiêu tài chính sẽ giúp rất nhiều người thay đổi thói quen cũng như cách thức suy nghĩ của họ về tiền bạc cùng mua sắm. Hãy nhìn những người có mọi thứ bạn muốn đi, họ đâu có chi tiền mua một chiếc áo chỉ vì họ thích, đúng không nào? Mục tiêu tài chính của họ giống với bạn đó, chỉ khác là họ biết cách tiêu tiền đúng mà thôi.
Thế nên, từ giờ thấy ai đó có thứ bạn thích, đừng có buồn, hãy xác định lại mục tiêu tài chính cá nhân, xem mình đang tiêu tồn vào những thứ vô bổ nào. Khi mọi chuyện rõ ràng, biết đâu thứ bạn ao ước bấy lâu lại không phải là thứ bạn thật sự cần, một loại hàng đầu tư không lãi.