Vì sao nên chọn 'nỗi đau vì quá nỗ lực làm việc' thay vì 'nỗi đau vì quá hối tiếc'?
Những người nghĩ rằng nỗ lực làm việc là vì cái tôi, sự trốn chạy hay tiền bạc thì đều không hiểu được giá trị của sự nỗ lực.
Một trong các cố vấn của tôi là một doanh nhân 71 tuổi. Ông bắt đầu làm việc từ năm 12 tuổi và hiện tại ông chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ về hưu.
Ông muốn làm việc cho đến khi nằm xuống – ông yêu công việc của mình nhiều đến vậy: "Mọi người sẽ bảo anh rằng nỗ lực làm việc là không tốt cho anh. Anh nên làm việc ít lại. Đừng nghe họ. Người đó không yêu thích công việc của mình, họ chỉ cố thuyết phục anh tin vào những lời ngụy biện của họ."
Điều đó khiến tôi suy nghĩ. Đã bao giờ bạn nghe một người yêu công việc nói rằng bạn không nên nỗ lực làm việc chưa? Không đời nào. Đó luôn là lời của những kẻ lười biếng.
Cách đây khoảng 5 năm, khi lần đầu gặp người cố vấn của mình, tôi thật sự không hiểu vì sao ông lại làm việc 7 ngày một tuần ở độ tuổi như thế. Phải chăng là vì tiền bạc, danh tiếng hay ông muốn trốn tránh điều gì? Giống như nhiều người hỏi "Tại sao bạn lại nỗ lực làm việc?", lúc đó tôi thật sự không hiểu lý do vì sao.
Vài năm sau, khi xem bộ phim tài liệu về đội bóng rổ Boston Celtics, tôi nhìn thấy câu châm ngôn trong phòng tập của họ.
"Cái nào đau hơn. Nỗi đau về nỗ lực làm việc hay nỗi đau vì hối tiếc?"
Cuối cùng thì tôi đã hiểu. Bạn không làm việc chăm chỉ vì động lực bên ngoài.
Những người nghĩ rằng nỗ lực làm việc là vì cái tôi, sự trốn chạy hay tiền bạc thì đều không hiểu được giá trị của sự nỗ lực. Mỗi khi công việc gặp khó khăn hay muốn từ bỏ, tôi đều sẽ nghĩ về câu nói ấy. Bởi công việc thì chẳng phải lúc nào cũng thuận lợi.
Và bạn biết không? Lúc nào tôi cũng sẽ chọn nỗi đau khi được nỗ lực làm việc.
Đó là lý do vì sao tôi phấn đấu hết sức cho:
- Các mối quan hệ
- Học vấn
- Kinh doanh
- Sức khỏe
- Kỹ năng
- Trí tuệ
Không phải vì tôi muốn trở nên giàu có hay vì bất cứ điều gì. Tôi làm vì điều đó mang đến cho tôi niềm vui. Tôi không bao giờ muốn nhìn lại và hối tiếc vì mình đã lãng phí thời gian làm những việc vô nghĩa.
Hãy nghỉ ngơi trước khi cảm thấy mệt mỏi vì phía trước mỗi người còn một quãng đường dài. Đó là điều mà đa số mọi người không hiểu. Đời thì dài. Họ có tâm lý "có tất cả hoặc không có gì". Họ làm việc miệt mài đến kiệt sức. Họ tự lừa dối bản thân. Bạn vắt cạn sức lực của mình và rồi bắt đầu ghét nỗ lực làm việc.
Việc nghỉ ngơi không phức tạp đến thế: Thỉnh thoảng hãy thư giản, đừng sống quá nghiêm túc và hãy tận hưởng niềm vui mỗi ngày.
Chỉ cần hiểu rằng bạn không phải robot. Đừng đặt quá nhiều áp lực lên bản thân. Sự mệt mỏi về tinh thần còn nguy hiểm hơn sự căng thẳng về thể chất trong đời sống ngày nay.
Nếu bạn ghét công việc của mình thì sao? Hãy tìm việc khác. Nhưng đừng ghét sự chăm chỉ làm việc của mình vì bạn có trải nghiệm không tốt hoặc vì người khác nói với bạn như thế.
Nếu bạn thực hiện đúng cách, nỗ lực làm việc có thể trở thành một trong những điều khiến bạn thỏa mãn nhất trong cuộc sống.
Khi cố vấn của tôi bước sang tuổi 65, gia đình ông cố ngăn ông làm việc. Ông nói: "Họ chỉ hơi ích kỷ, và điều đó cũng chẳng sao. Việc của tôi là giải thích với họ lý do vì sao tôi muốn tiếp tục làm việc. Họ sẽ hiểu thôi".
Bây giờ thì tôi muốn hỏi bạn: "Cái nào đau hơn? Nỗi đau về nỗ lực làm việc hay nỗi đau vì hối tiếc?"