Vì sao năm 18 tuổi, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ gác lại ước mơ làm cô giáo giống mẹ để kinh doanh?

20/11/2020 10:40 AM | Kinh doanh

Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bảo bà Thảo phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi. Nữ tỷ phú này gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của mình để quyết định bước vào con đường kinh doanh.

Bước ngoặt năm 18 tuổi

Đầu năm 2020, lần đầu tiên nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ sáng lập Vietjet Air chia sẻ với truyền thông về hành trình kinh doanh từ cô sinh viên năm 17 tuổi cho tới hiện tại.

Điều thú vị được bà Thảo chia sẻ chính là bước ngoặt khi nhận được học bổng du học năm 17 tuổi. Theo bà, việc tiếp xúc với những luồng tư tưởng mới khi đi du học đã thay đổi hoàn toàn ước mơ thủa bé của mình. 

Bà Thảo chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ: "Khi còn nhỏ, tôi ước mình sẽ là một cô giáo như mẹ tôi. Ước rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"… là đủ.

Tuy nhiên, sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế - perestroika - một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra tại cái nôi của chủ nghĩa xã hội, và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.

Trường Đại học Plekhanov tôi học là nơi các chính trị gia, các nhà kinh tế, tài phiệt hàng ngày tiếp xúc với nhau, thầy giáo tôi là chủ tịch quốc hội thời đó. Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bảo rằng tôi phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi, nên gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của mình để quyết định làm kinh doanh. Khi đó tôi mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ hai.

Mình quyết làm gì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng. Thời đó, 8h sáng đi học, chiều về, tôi bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học.

Nếu không dấn thân vào kinh doanh tôi không mất quãng thời gian từ chiều đến đêm và cả sáng sớm, chỉ tập trung vào học thôi. Có vẻ như trời cũng không phụ lòng người, năm 21 tuổi, tôi đã có 1 triệu USD trong tay là số tiền rất lớn thời đó khi 1 chỉ vàng có 200.000 đồng."

Ở tuổi 18, việc đưa ra quyết định rẽ hướng hoàn toàn như bà Thảo có thể xem là mang tầm nhìn lớn bởi giấc mơ làm cô giáo là ước mơ tốt đẹp trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên như Jim Collins, tác giả cuốn Từ tốt đến vĩ đại từng khẳng định "Tốt là kẻ thù của sự vĩ đại", để làm được những điều vĩ đại lớn lao chúng ta cần từ bỏ những thứ tốt. Nếu chỉ tập trung vào những việc tốt thì những điều tuyệt diệu không thể xảy ra, đơn giản vì kế hoạch của chúng ta không có thời gian để tận dụng các cơ hội bổ sung khác.

Vì sao năm 18 tuổi, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ gác lại ước mơ làm cô giáo giống mẹ để kinh doanh? - Ảnh 1.

Luật quyết định

Mọi bước nhảy tiến về trước vĩ đại trong đời đều theo sau một quyết định rõ ràng và sự cam kết hành động. Tất cả những người thành đạt đều rất quyết đoán trong suy nghĩ và hành động của họ. Họ nghĩ trước tất cả mọi điều một cách cẩn thận và rõ ràng. Họ quyết định một cách chính xác những gì họ muốn, và sau đó đưa ra những quyết định rõ ràng. Sau đó họ đưa ra những hành động cụ thể để biến những quyết định đó thành hiện thực. Câu chuyện của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo minh họa rõ nhất cho điều này: Luật quyết định.

Trong đời bạn, bạn đã có những kinh nghiệm về những chỗ bạn không chắc chắn phải làm gì. Bạn đã đi tới đi lui và lại càng cảm thấy không thoải mái và xao nhãng hơn. Cuối cùng bạn cần giải quyết sự lưỡng lự của mình bằng cách đưa ra một quyết định rõ ràng, theo cách này hay cách khác. Nhìn lại, bạn sẽ có thể thấy rằng sự quyết định đó là bước ngoặt đối với bạn trong tình huống đó, hoặc có lẽ thậm chí là trong đời bạn. Mọi thứ khác đều bắt nguồn từ quyết định của bạn.

Khả năng đưa ra quyết định đúng đắn là một trong số những kĩ năng quan trọng nhất của người thành đạt. Trong các nghiên cứu nhằm so sánh công việc của những nhà quản lý được thăng chức rất nhanh với những nhà quản lý đã bị những người khác vượt qua trong việc thăng chức, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng một hành vi nổi bật của những nhà quản lý tiến thân nhanh chóng đó là họ rất quyết đoán về bất kì việc gì họ làm.

Một phát hiện thú vị xuất phát từ những nghiên cứu này đó là khi cả hai nhóm các nhà quản lý được yêu cầu làm các bài test với các vấn đề giả định, cả hai nhóm các nhà quản lý đều có các quyết định trên giấy chính xác ngang nhau. Tuy nhiên, đối với công việc thực tế thì những nhà quản lý thành đạt luôn sẵn sàng đưa ra quyết định và hành động trong khi đó những nhà quản lý không thành đạt luôn e sợ rằng họ có thể đưa ra quyết định sai lầm.

Xây dựng một ý thức quyết đoán có thể là một yếu tố quan trọng giúp bạn làm chủ được tình huống và đặt bạn vào đường ray hỏa tốc trên con đường nghề nghiệp của bạn.

Những người thành đạt không nhất thiết phải là những người có các quyết định đúng, mà họ là những người làm cho quyết định của họ đúng. Họ chấp nhận những phản hồi và tự sửa chữa. Họ đưa vào những thông tin mới và họ thay đổi nếu cần. Nhưng họ luôn quyết đoán, luôn tiến về trước, thái độ và phương hướng cuộc đời họ không bao giờ yếu ớt hay dao động.

Sau đây là 3 điều bạn có thể áp dụng luật quyết định ngay lập tức cho bản thân mình:

1. Xác định các khu vực trong công việc và trong cuộc sống của bạn mà ở đó bạn cần làm cho một vài quyết định rõ ràng và dứt khoát. Quyết định "câu cá hay bỏ mồi!" Nắm hay nhả. Nhớ rằng bất kì quyết định nào cũng tốt hơn là không có quyết định.

Như William Shakespeare đã nói trong Hamlet, "Hãy cầm vũ khí chống lại một biển những phiền phức, và làm như vậy sẽ kết thúc chúng."

2. Hãy quyết đoán. Tiến lên vì nó! Nắm bắt lấy cơ hội! Hành động táo bạo, và những sức mạnh vô hình sẽ đến giúp bạn. Làm ngay bây giờ.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM