Vì sao Microsoft cần phải khai tử Lumia ngay lúc này?
Nokia đã "chơi" Microsoft một vố đau khi thực hiện thành công mảng di động về tay gã khổng lồ phần mềm. Những vấn đề của Windows Phone từ sau khi Microsoft có Lumia ngày một trầm trọng hơn.
Trong suốt lịch sử hàng chục năm tồn tại, Microsoft có lẽ chưa từng phải hứng chịu "trái đắng" nào "khó nuốt" như thương vụ mua lại Nokia: 2 năm sau khi mua lại Nokia, Microsoft tuyên bố cắt giảm trị giá 7,6 tỷ USD khỏi mảng thiết bị của mình, và thậm chí là con số này chưa bao gồm "khoảng 750 đến 850 triệu USD chi phí cải tổ".
Trong suốt quãng thời gian đó, mảng sản xuất điện thoại di động mua lại từ Nokia chưa bao giờ giúp Windows Phone đạt mức thị phần 2 chữ số và cũng chưa bao giờ ngừng thua lỗ cả.
Cùng lúc, tin đồn về chiếc "Surface Phone" bắt đầu xuất hiện dồn dập. Gần như tất cả các nguồn tin hé lộ về chiếc smartphone này đều khẳng định rằng thế hệ Lumia hiện tại (bao gồm Lumia 950, 950 XL và chiếc Lumia 650 mới ra mắt) sẽ là thế hệ Lumia cuối cùng trước khi Microsoft khai tử thương hiệu mua lại từ Nokia.
Nếu như thông tin này là đúng sự thật thì đây cũng sẽ là tin đáng mừng nhất với các fan của Microsoft. Sau đây là lý do tại sao Microsoft cần phải giết chết mảng Lumia ngay lúc này.
Mua lại Nokia là sai lầm lớn nhất của CEO Steve Ballmer.
Microsoft không phải là một công ty phần cứng
Trong suốt lịch sử, Microsoft gần như chưa bao giờ thành công trên thị trường phần cứng. Thành công của dòng máy Xbox có thể được coi là một ngoại lệ đặc biệt, bởi Microsoft vốn đã có thành tích khá đáng nể trên thị trường game từ những thế hệ Windows đầu tiên, chưa kể công ty của Bill Gates/Steve Ballmer còn có sẵn một kho dự trữ tiền mặt khổng lồ - yếu tố tiên quyết để tồn tại và thành công trên thị trường game.
Nhưng chỉ duy nhất một thành công đó là không đủ để cứu vãn cho thành tích dở tệ của Microsoft trên mảng phần cứng: chiếc smartphone Kin, máy nghe nhạc Zune, các dự án tablet như Courier và "máy tính mặt bàn" Surface (2007) hoặc chết từ trong trứng nước, hoặc đem lại những khoản lỗ khổng lồ.
Gần đây nhất, năm 2012, Microsoft ra mắt chiếc Surface RT chạy một phiên bản Windows nền ARM bị hạn chế về tính năng (không chạy được ứng dụng x86 truyền thống). Khi gã khổng lồ phần mềm vẫn ngoan cố ra mắt Surface 2 nối tiếp Surface RT, khoản thiệt hại từ lượng hàng tồn của dòng tablet này đã lên tới 1 tỷ USD – tương đương với doanh thu của dòng Surface Pro trong năm 2015 khá thành công vừa qua.
Lịch sử Microsoft tràn ngập những thảm họa phần cứng.
Có nhiều lý do khiến cho Microsoft thất bại trên thị trường phần cứng, trong đó 2 lý do rõ ràng nhất là: 1, Microsoft thường tham gia vào các thị trường quá muộn – điển hình nhất là chiếc Zune ra mắt khi iPod đã có mặt được… 5 năm và thị trường máy nghe nhạc cá nhân đã không còn màu mỡ như trước và 2, Phần mềm của sản phẩm chưa bắt kịp với ý tưởng về phần cứng.
Chiếc smartphone Kin là minh chứng đáng buồn nhất cho điều này, khi chính cả thử nghiệm nội bộ của Microsoft cũng cho thấy người dùng thông thường gần như không thể thực hiện các thao tác cơ bản nhất trên Kin. Tuy trớ trêu nhưng điểm yếu của Microsoft về giao diện phần mềm trên các sản phẩm phần cứng mới cũng là khá dễ hiểu, bởi ngay cả sản phẩm chủ lực của hãng là hệ điều hành Windows cũng được xây dựng trên ý tưởng giao diện đồ họa GUI "học hỏi" từ Apple.
Chính vì những thất bại tỷ đô khi cố gắng khai phá thị trường phần cứng mà cho đến nay người ta vẫn gọi Microsoft là "gã khổng lồ phần mềm". Trên khía cạnh phần cứng, Microsoft hoàn toàn thua kém Apple, Samsung, LG hay thậm chí là cả Nokia trước đây.
Lumia: Lời giải sai mà Microsoft bị "ép" phải lựa chọn
Khó khăn đầu tiên của Lumia là sự kết hợp của 2 điểm yếu trên: Windows Phone ra đời quá muộn (sau iPhone tới 5 năm) nhưng ở thời điểm ra mắt cũng chưa được hoàn thiện về khía cạnh phần mềm.
Windows Phone 7 thiếu đi những tính năng căn bản như trung tâm thông báo (notification) và thậm chí không hiểu vì lý do ngớ ngẩn nào lại không thể hỗ trợ được CPU 2 nhân, còn Windows Phone 8/8.1 dù đã khá hoàn thiện về các ứng dụng/dịch vụ cài đặt sẵn nhưng đến giờ vẫn chưa thể thu hút được nhiều nhà phát triển độc lập. Chính bài toán ứng dụng đã luôn là trở ngại lớn nhất khiến cho Windows Phone không thể bứt phá ra khỏi mức thị phần dưới 5% trong suốt những năm qua.
Mua lại mảng sản xuất của Nokia không những không giúp Microsoft giải quyết các vấn đề về phần mềm mà còn mang đến một loạt những khó khăn mới. Vào thời điểm bán lại cho Microsoft, Nokia đã để thua lỗ hàng tỷ USD trong nhiều quý tài chính liên tiếp.
Cho đến tận năm 2013, phần lớn doanh số của Nokia lúc đó vẫn thuộc về các dòng phổ thông giá rẻ - một dòng sản phẩm chắc chắn sẽ chìm vào dĩ vãng, trong khi doanh số smartphone thì chỉ đạt vỏn vẹn 1/10 của Samsung.
Đó là còn chưa kể thị trường smartphone còn có tính cạnh tranh cao khủng khiếp so với các thị trường hệ điều hành hay phần mềm văn phòng mà Microsoft đã luôn độc tôn: ngay cả những công ty không chậm chân bằng Nokia như Sony và LG cũng đều phải vật lộn để thoát lỗ, còn những công ty Trung Quốc thì cũng phải chấp nhận kinh doanh không lời để đạt thị phần. Đáng sợ hơn, bài học từ HTC cho thấy ngay cả những sản phẩm tuyệt vời như One M7 và One M8 cũng không thể giúp đảo chiều suy thoái.
"Ép" Microsoft mua lại mảng di động có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của Nokia trong 10 năm trở lại đây.
Chưa cần đến tuyên bố gạch bỏ trị giá 7,6 tỷ USD vào tháng 9 vừa qua thì người ta đã hiểu rằng Nokia đã quá khôn ngoan khi "lừa"/ép buộc Microsoft mua lại mảng di động. Nhìn lại, thương vụ này cho thấy bộ sậu Nokia lúc đó đã tìm cách đẩy được mảng thiết bị di động đang thua lỗ vào tay Microsoft: cùng lúc thực hiện đàm phán với Microsoft, Nokia đã rục rịch phát triển dự án Android đầu tiên mang tên X Phone.
Lúc đó, ai cũng nghĩ rằng Microsoft không thể để đối tác sản xuất Windows Phone lớn nhất chuyển sang Android, và thương vụ 7,2 tỷ USD diễn ra trong sự nuối tiếc của những fan Nokia còn sót lại.
Thế nhưng, đến giờ thì ai cũng nhận ra rằng Microsoft mới là người chịu thiệt trong thương vụ mua lại Nokia. Đáng tiếc hơn, thành công của một dòng sản phẩm khác cho thấy Microsoft vẫn có thể gia nhập thị trường phần cứng smartphone mà không cần mua lại mảng di động như Nokia.
Bài học từ Google và Motorola
Câu chuyện một nhà sản xuất hệ điều hành mua lại đối tác phần cứng cũng không phải là chưa từng diễn ra: Google đã mua lại nhà sản xuất điện thoại di động truyền thống Motorola vào năm 2011 với giá 12,5 tỷ USD. Ấy vậy nhưng 3 năm sau, thương hiệu điện thoại này lại bị gã khổng lồ tìm kiếm bán lại cho Lenovo với giá chưa đầy 1/4 giá mua: 2,9 tỷ USD.
Có rất nhiều bài học mà Microsoft hiện tại có thể rút ra được từ câu chuyện của Google và Motorola. Bài học đầu tiên là việc "ôm" cả một mảng phần cứng từ các thương hiệu đã hết thời là rất, rất đắt đỏ - đắt tới mức mà một công ty đã từng vươn tới vị trí số 1 thế giới về trị giá vốn hóa cũng phải từ bỏ.
Bài học thứ hai là mối quan hệ giữa Google cùng các đối tác đã xấu đi trông thấy sau thương vụ nói trên, đến mức mà Samsung còn tìm cách phát triển hệ điều hành riêng (Tizen) cùng một loạt các dịch vụ, ứng dụng khác nhằm "hất cẳng" Google ra khỏi hệ sinh thái sản phẩm của mình.
Cuối cùng và quan trọng nhất, Google đã không thể tìm ra cách điều hành công ty con của mình một cách êm đẹp: các thông tin sau này đều cho rằng Google đã buộc Motorola hoạt động hoàn toàn độc lập và thậm chí còn "ghẻ lạnh" đứa con rơi này. Hãy nhớ rằng chiếc Moto X đầu tiên còn không được trang bị phiên bản Android mới nhất vào thời điểm đó (4.3).
Gần như tất cả các vấn đề này đều đang lặp lại với Microsoft và mảng di động mua lại từ Nokia. Các khoản lỗ là khá rõ ràng, mà mối quan hệ với các đối tác lớn thì tệ đi trông thấy. Việc Microsoft sở hữu Nokia không khác mấy so với kịch bản Google sở hữu Samsung: ai rồi cũng sẽ đặt ra câu hỏi: "Nhảy vào thị trường đó làm gì khi nhà phát triển nền tảng cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, hùng mạnh nhất của bạn?".
Tiếp đó, mảng di động của Microsoft rõ ràng cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong các đợt sa thải ồ ạt, và người đứng đầu mảng này – không ai khác ngoài cựu CEO Stephen Elop của Nokia – cũng chính là một trong những vị tướng bị "trảm" đầu tiên khi CEO Satya Nadella tiến hành đợt cải tổ đầu tiên.
Để Microsoft có thể tiến lên tương lai, Lumia 950 cần phải là điểm kết thúc của Lumia.
Quá rõ ràng, khi trị giá gạch bỏ từ mảng di động còn lớn hơn cả khoản tiền mà Microsoft bỏ ra để mua lại Nokia, và khi thị phần của Windows Phone 8/Windows 10 Mobile vẫn "lẹt đẹt" tới mức thảm hại thì ai cũng có thể nhận ra rằng việc mua lại mảng di động của Nokia là hoàn toàn sai lầm. Microsoft đã có thể để Nokia chuyển sang sản xuất Android mà không cần quá lo lắng về chuyện "bạn biến thành thù", bởi thực tế là không có Nokia thì Windows Phone cũng đã bị bóp chết rồi.
Dẫu sao, chuyện cũng đã rồi và giờ Microsoft vẫn phải gánh lấy "cục nợ" Nokia. Nhưng, may mắn cho Microsoft, gã khổng lồ phần mềm hoàn toàn có thể học theo một thành công của chính mình để giải quyết "cục nợ" này.
Trong phần tiếp theo của bài viết, chúng ta sẽ cùng phân tích vì sao Microsoft có thể áp dụng chiến lược Surface vào mảng smartphone để trở lại với thành công.