Vì sao mặt bằng lãi suất chưa giảm được như kỳ vọng?
Theo các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, một số ngân hàng yếu kém vẫn khó tiếp cận vốn trên thị trường 2 nên phải huy động với lãi suất cao hơn, giữa thị trường 1 và thị trường 2 chưa có sự liên thông và các TCTD chủ động đón đầu cơ cấu kỳ hạn, điều chỉnh theo sửa đổi Thông tư 36.
Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm vừa được công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thanh khoản khu vực ngân hàng nhìn chung tiếp tục duy trì ổn định tạo điều kiện cho một số ngân hàng lớn giảm lãi suất.
Nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 14,1% (cùng kỳ năm trước tăng 8%), tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng (12,5%). Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân là 84,4% (cuối năm 2015 là 85,7%).
Từ ngày 26/9, một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm lãi suất huy động từ 0,3-0,5% đối với tiền gửi kỳ hạn ngắn.
"Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất chưa giảm được như kỳ vọng do dư thừa thanh khoản trên thị trường 2 chỉ là ngắn hạn, trong khi cơ cấu cho vay chủ yếu là trung dài hạn.", báo cáo nhận định.
Thêm nữa, một số ngân hàng yếu kém vẫn khó tiếp cận vốn trên thị trường 2 nên phải huy động với lãi suất cao hơn, giữa thị trường 1 và thị trường 2 chưa có sự liên thông và các TCTD chủ động đón đầu cơ cấu kỳ hạn, điều chỉnh theo sửa đổi Thông tư 36.