Vì sao Lưu Bang, Chu Nguyên Chương giết khai quốc công thần còn Tần Thủy Hoàng lại không?
Nguyên nhân khiến Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ Lưu Bang và Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có cách hành xử với công thần khác nhau lại bắt nguồn từ một lý do ít ai ngờ tới.
Trong số các Hoàng đế khai quốc của lịch sử Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang và Chu Nguyên Chương đều được đánh giá là những vị vua có thành tựu xuất sắc.
Được biết tới là vị Hoàng đế đầu tiên của đất nước Trung Quốc thống nhất, Tần Thủy Hoàng đã thành công trong việc đem thiên hạ quy về một mối, chấm dứt cảnh chư hầu cát cứ chiến tranh liên miên.
Khi nhà Tần đã đến hồi mạt vận, các cuộc khởi nghĩa nổi lên ở khắp nơi. Lưu Bang nhân cơ hội này cũng phất cờ dấy binh. Sau khi đánh bại Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, ông đã lên ngôi Hoàng đế, đặt cơ sở cho vương triều Đại Hán kéo dài 400 năm trong lịch sử Trung Hoa.
Những thế kỷ sau đó, lãnh thổ Trung Hoa liên tục thay đổi vương triều trị vì. Tới khi nhà Nguyên thất thế, Chu Nguyên Chương thành công tiêu diệt các thế lực quần hùng và lên ngôi Hoàng đế, sáng lập nên vương triều Đại Minh thống trị từ khoảng giữa thế kỷ thứ 14 đến giữa thế kỷ thứ 17, xấp xỉ gần 300 năm.
Mặc dù ba vị vua nói trên đều là Hoàng đế khai quốc của những vương triều lớn mạnh, tuy nhiên giữa họ lại tồn tại một điểm khác biệt gây tranh cãi.
Sau khi lên ngôi, Lưu Bang và Chu Nguyên Chương đều tiến hành thanh trừng hàng loạt công thần, trong khi vị Hoàng đế nổi tiếng tàn bạo như Tần Thủy Hoàng lại chưa từng đại khai sát giới đối với các đại thần có công lập quốc.
Vậy đâu là lý do dẫn đến cách hành xử đầy khác biệt này?
Từ cách đối xử với công thần khác nhau của ba vị Hoàng đế khai quốc
Đều là Hoàng đế khai quốc, nhưng Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ Lưu Bang và Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (lần lượt từ trái sang phải) lại đối xử với công thần theo cách khác nhau.
Năm xưa sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, những bậc đại thần như cha con Vương Tiễn, tướng quân Mông Điềm… đều được xem là các nhân vật công lao cái thế. Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, bản thân Tần Thủy Hoàng đối với các đại công thần này vẫn được xem là luôn bao dung và tín nhiệm.
Sau khi thống nhất lục quốc, thành lập nhà Tần, Thủy Hoàng tôn Vương Tiễn làm thầy, con trai ông là Vương Bí được nắm binh quyền, còn Mông Điềm tướng quân được lệnh mang 30 vạn quân của Mông gia cùng công tử Phù Tô trấn giữ nơi biên ải, bảo vệ biên cương.
Nhìn vào những động thái nói trên, không khó để nhận thấy Tần Thủy Hoàng dường như không mảy may nghi ngờ các công thần này, cũng không có ý định kiềm tỏa, sát hại họ.
Trong khi đó, năm xưa sau khi Lưu Bang thành lập Hán triều, các khai quốc công thần như Hàn Tín, Lư Quán, Bàng Việt… trước sau đều bị khép vào tội danh mưu phản và đều phải chịu kết cục bi thảm.
Tương tự như vậy, Chu Nguyên Chương dường như càng cao tay hơn trong công cuộc thanh trừng công thần. Gần như tất cả những đại thần có công giúp ông lập quốc đều bị tru diệt đến không còn một mống.
Thậm chí ngay cả kỳ tài tinh thông kim cổ, giỏi thuật bói toán như Lưu Bá Ôn cũng không thể thoát khỏi sự hiềm nghi của Minh Thái Tổ để rồi bị gian thần thừa cơ hãm hại.
Nguyên nhân thực sự chi phối vận mệnh của các đại thần có công lập quốc
Nguyên nhân về gốc gác, xuất thân chính là một trong số những yếu tố quan trọng khiến Tần Thủy Hoàng không cần thiết phải đại khai sát giới với công thần. (Ảnh minh họa).
Nếu bàn về xuất thân của ba vị Hoàng đế khai quốc nói trên, Tần Thủy Hoàng có thể được xem là nhân vật sở hữu gốc gác hiển hách nhất.
Ông vốn xuất thân hoàng tộc, nhờ được thừa kế mà trở thành quân vương Tần quốc. Do đó, bản thân Doanh Chính từ lúc còn là Tần Vương cho tới khi lên ngôi Hoàng đế đều có địa vị hiển hách và vững chắc hơn nhiều so với các đại công thần thời bấy giờ.
So về gốc gác, đám người Vương Tiễn, Mông Điềm mặc dù trong tay có binh quyền, nhưng thực chất vẫn là dòng dõi bề tôi. Hơn nữa một người như Tần Thủy Hoàng hiển nhiên có thừa tự tin đối với việc khống chế nhóm các đại thần này nên căn bản không cần đại khai sát giới.
Ngược lại, Lưu Bang và Chu Nguyên Chương đều là hai vị Hoàng đế khai quốc có xuất thân bình dân. Trong đó, Lưu Bang mang gốc gác nông dân, còn Chu Nguyên Chương lại đến từ tầng lấp tá điền nghèo khổ, từng giữ dê chăn bò chia địa chủ, thậm chí còn từng làm hòa thượng và đi khất thực.
Hán Cao Tổ Lưu Bang và Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương từng mang gốc gác bình dân nên họ thường sở hữu lòng tự ái rất cao. Trong khi đó, các công thần xung quanh họ thậm chí có không ít người mang xuất thân, nhân cách và tài năng "vượt mặt quân chủ".
Với sự tự ti sâu thẳm trong đáy lòng, lại thêm sự xuất hiện của những bề tôi xuất chúng, họ dễ dàng nảy sinh tâm lý sợ hãi, nghi ngờ đối với các công thần biết rõ gốc gác của mình.
Rất có thể, bản thân Lưu Bang và Chu Nguyên Chương luôn lo sợ về viễn cảnh một ngày nào đó, các đại công thần từng giúp mình lập quốc sẽ không còn tôn kính và trung thành với mình như trước nữa.
Các đại công thần bị vu oan, bị hãm hãi hay bị giết hại là những thảm kịch thường xuyên xảy ra trong những năm Hán Cao Tổ Lưu Bang và Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương trị vì. (Ảnh minh họa).
Để cụ thể hóa sự khác biết giữa Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang và Chu Nguyên Chương, trang KKNews đã đưa ra một phép so sánh như sau:
Nếu liên hệ với các công ty và tập đoàn ngày nay, địa vị của Tần Thủy Hoàng khi xưa tương đương với người thừa kế của một công ty có quy mô lớn, thân phận vô cùng hiển hách vào thời hiện đại.
Nhờ bàn đạp xuất thân sẵn có, lại trải qua quá trình cố gắng, rèn luyện không ngừng nghỉ, công ty dưới sự lãnh đạo của ông càng lúc càng mở rộng và trở thành một tập đoàn vững mạnh.
Những công thần dưới trướng Doanh Chính có thể được xem là nhân tài, nhưng dù tài giỏi tới đâu thì chung quy họ vẫn là người làm thuê được ông chủ ban cho một vài chức vụ cao cấp mà thôi.
Bất luận là bàn về nhân cách, tài năng hay khả năng khống chế cục diện, địa vị CEO của Tần Thủy Hoàng chắc chắn sẽ không bao giờ bị uy hiếp.
Tương tự như vậy, nếu liên hệ với Lưu Bang và Chu Nguyên Chương, sẽ không hề quá lời nếu so sánh họ với những CEO có xuất thân nghèo khó. Những nhân tài mang danh công thần dưới trướng họ đều là các huynh đệ từng cùng nhau vào sinh ra tử, họ không đơn thuần là người làm thuê mà có thể xem là các cổ đông nắm giữ cổ phần thành lập công ty.
Do đó, sâu xa trong nội tâm của hai vị CEO Lưu – Chu nói trên đều luôn đề phòng nhóm người có khả năng uy hiếp địa vị chủ quản của mình như các cổ đông nói trên.
Cuối cùng, trải qua một thời gian ngắn ngủi cân nhắc, họ đã quyết định thanh trừng toàn bộ những huynh đệ một thời cùng vào sinh ra tử với mình để củng cố địa vị và đem lại sự an tâm cho bản thân.
Tựu chung lại, Lưu Bang và Chu Nguyên Chương sở dĩ lựa chọn tru diệt công thần là bởi họ mang xuất thân bình dân, dẫn đến tâm lý thiếu tự tin, sợ bản thân không có khả năng khống chế cục diện nên thà giết nhầm còn hơn bỏ sót.
Trong khi đó, Tần Thủy Hoàng lại có thừa sự tự tin, bất luận về nhân phẩm, tài năng hay địa vị đều vượt xa các công thần dưới quyền. Bởi vậy, thay vì đại khai sát giới, vị Hoàng đế thông minh này đã quyết định tiếp tục tận dụng tài năng của những đại thần từng có công giúp mình lập quốc.
* Theo quan điểm của KKNews.