Ám sát Tần Thủy Hoàng bất thành: Thích khách khét tiếng Trung Hoa trả giá đắt
Được xem là một trong những thích khách khét tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Kinh Kha đã liều lĩnh ám sát Tần Thủy Hoàng để rồi phải nhận kết cục bi đát.
Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, người có công thống nhất giang sơn từ 6 nước chư hầu. Tuy nhiên, tham vọng và hành trình thống nhất thiên hạ của hoàng đế quyền lực này cũng không hề dễ dàng.
Không những lên kế sách, bày binh bố trận, thực hiện chuỗi chiến dịch quân sự nhắm vào 6 nước chư hầu trong thời kỳ Chiến Quốc là Hàn, Triệu, Yên, Ngụy, Sở, Tề, Tần Thủy Hoàng còn là mục tiêu ám sát hàng đầu trong bối cảnh vào khoảng cuối thể kỷ 3 TCN.
Sử ký của Tư Mã Thiên: Kinh Kha - Thích khách âm mưu ám sát Tần Thủy Hoàng
Trong số những thích khách nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, các sử gia thường hay nhắc đến Kinh Kha , một môn khách của Thái tử nước Yên, đồng thời được biết đến vì đã ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bất thành.
Bối cảnh vào năm 230 TCN, Tần vương Doanh Chính (tên thật của Tần Thủy Hoàng) của nước Tần đã tung ra những chiến dịch cuối cùng trong thời kỳ Chiến Quốc nhằm mục đích chinh phục 6 nước chư hầu còn lại.
Trước đó, ngay từ khi Tần vương Chính lên ngôi, nước Tần đã rất là lớn mạnh, chiếm sự áp đảo so với các nước còn lại. Khi thực hiện chiến dịch đầy tham vọng này, chỉ trong vòng 2 năm, Hàn và Triệu là hai nước đầu tiên bị nước Tần đánh bại.
Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Ảnh: Ancientorigins
Kế tiếp, quân Tần hùng mạnh quay sang đánh và chinh phục Ngụy và Sở. Sau cùng, chỉ còn hai nước Tề ở phía đông và Yên ở phía Bắc. Việc đánh bại hai nước chư hầu cuối cùng này sẽ hoàn tất "giấc mơ" thống nhất thiên hạ của Tần Thủy Hoàng.
Giáo sư Duan Qingbo, nhà nghiên cứu lịch sử tại ĐH Tây Bắc, Tây An, Trung Quốc cho biết: "Quân đội của nước Tần lúc bấy giờ mạnh hơn nhiều so với những nước chư hầu thời Chiến Quốc".
Ông Qingbo cho hay, để tránh khỏi "kiếp nạn" từ quân Tần, cả nước Tề và nước Yên đều phải cố gắng tìm kiếm giải pháp.
Nhưng trong khi nhiều nước chư hầu đều bị chinh phục, đầu hàng nước Tần, có một quốc gia láng giềng đã liều lĩnh ấp ủ một kế hoạch mạo hiểm. Đó là nước Yên và họ muốn hành thích Tần Thủy Hoàng, vị quân vương quyền lực và nổi tiếng là hung bạo trong các chiến dịch quân sự.
Nước Yên lúc đó nhỏ và không phải là một đối thủ của nước Tần. Chính vì vậy, Thái tử Đan của nước Yên đã lên kế hoạch ám sát Tần vương Doanh Chính. Nhưng người được tiến cử thực hiện nhiệm vụ hiểm nguy này là Kinh Kha, một người nước Vệ, sau trở thành môn khách của nước Yên.
Tranh vẽ mô tả cảnh Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng.
Câu chuyện ám sát Tần Thủy Hoàng của Kinh Kha cũng được chép lại trong cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên, một sử gia rất nổi tiếng thời nhà Hán.
Theo đó, vào năm 227 TCN, để có cơ hội tiếp cận vị hoàng đế nổi tiếng Tần Thủy Hoàng, Kinh Kha mang theo bên mình cái đầu của Phàn Ư Kỳ (một vị tướng Tần, người từng thất sủng và vua Tần rất muốn lấy đầu của ông) và một tấm bản đồ nước Yên. Đi cùng với Kinh Kha vào điện diện kiến Tần Thủy Hoàng còn có Tần Vũ Dương.
Ngoài cái đầu của Phàn Ư Kỳ, Kinh Kha cầm tấm bản đồ dâng nộp cho Tần vương. Khi mở bản đồ ra thì vị tráng sĩ này đã rút một thanh chủy thủ ((kiếm ngắn hoặc dao găm) ra đâm về phía Tần vương Doanh Chính nhưng lại trượt. Kinh Kha đuổi theo vị vua này để ám sát nhưng cuối cùng mọi nỗ lực đều thất bại. Ông bị Tần Thủy Hoàng cùng quân lính kịp xông vào rút kiếm đâm trúng.
Sau cùng, cả Kinh Kha và Tần Vũ Dương đều bị giết chết. Đáng buồn hơn là nước Yên cũng chịu số phận bi thảm khi chỉ 5 năm sau đó đã bị nước Tần chinh phục hoàn toàn.
Mặc dù không thành công, nhưng vụ ám sát Tần Thủy Hoàng của Kinh Kha vẫn là một trong những sự kiện nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Xem video mô tả vụ Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng:
Kinh Kha hành thích hoàng đế Tần Thủy Hoàng: Kết cục bi thảm của "kẻ liều lĩnh"
Lăng mộ hơn 2.000 năm thách thức hậu thế của Tần Thủy Hoàng
Sau khi dẹp Yên, nước Tề là quốc gia cuối cùng bị nước Tần tiêu diệt vào năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, sáng lập ra nhà Tần và trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử của quốc gia này, có nhiều công lao trong việc thống nhất tiền tệ, hệ thống đo lường, xây dựng Vạn Lý Trường Thành,...
Hàng nghìn bức tượng binh sĩ đất nung giống như người thật được tìm thấy trong lăng mộ của vị hoàng đế nổi tiếng.
Mặc dù dành nhiều thời gian và công sức trong việc cho người tìm kiếm phương thuốc trường sinh nhưng không thu được kết quả khả quan, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng lại có những chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc sống của chính mình ở "thế giới bên kia".
Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng một lăng mộ khổng lồ cho mình ở phía Bắc của núi Ly Sơn, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, và quá trình này kéo dài tới gần 40 năm. Trong khi phần lớn lăng mộ của vị hoàng đế nổi tiếng này không thể khai quật thì các nhà khảo cổ học lại tìm thấy "kỳ quan" chế tác thời cổ đại ở bên trong.
Đó là hơn 8.000 bức tượng binh sĩ đất nung có kích thước giống như người thật, được trang bị đầy đủ vũ khí và rất bí ẩn. Nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tin rằng đội quân hùng hậu này được tạo ra để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho hoàng đế của họ ở thế giới bên kia.
Trong khi đó, nơi đặt di hài của hoàng đế Tần Thủy Hoàng và hầu hết quần thể lăng mộ khổng lồ này vẫn còn là một bài toán khó chưa có lời giải với hậu thế. Người ta vẫn dè chừng "xâm phạm" lăng mộ này vì nhiều lẽ.
Theo mô tả hấp dẫn của sử gia Tư Mã Thiên thời nhà Hán, địa cung, nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể chứa mô hình thu nhỏ và sống động như thật của hàng trăm con sông lớn nhỏ bằng cách sử dụng chất độc thủy ngân,...
Mặc dù rất khó để kiểm chứng những mô tả của Tư Mã Thiên do quy mô và độ phức tạp quá lớn của lăng mộ cùng sự cảnh báo về nguy cơ từ những cái bẫy đáng sợ như cung nỏ, chỉ huy ngầm bên trong vẫn còn có thể hoạt động sau thời gian hơn 2.000 năm, nhưng việc các nhà khoa học tìm ra dấu vết của hàm lượng thủy ngân khổng lồ ở đây là có thật.
Có lẽ các chuyên gia đang chờ đợi sự phát triển đột phá của công nghệ để có thể nắm bắt cơ hội khám phá lăng mộ Tần Thủy Hoàng và đồng thời hạn chế được những thương tổn trong cấu trúc công phu hàng nghìn năm của công trình này.
Việc khám phá và tiếp tục nghiên cứu về lăng mộ này sẽ góp phần giúp các nhà nghiên cứu có thêm nhiều thông tin về Tần Thủy Hoàng, một trong những vị hoàng đế nổi tiếng, và bí ẩn nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, sau hơn 2.000 năm, cuộc đời của vị hoàng đế này cũng như lăng mộ của ông vẫn còn là một ẩn số lớn đối với hậu thế.
Tham khảo ảnh/nguồn: Smithsonianmag, Thoughtco, Independent