Vì sao Loan "cá" lộng hành?

09/05/2020 09:40 AM | Xã hội

Băng Loan "cá" gồm nhiều người trong gia đình, hoạt động lộng hành từ khu vực chợ này đến chợ khác nhưng chậm bị triệt phá, vì sao?

Mở rộng điều tra băng nhóm chuyên bảo kê khu vực chợ công nhân ở Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt giữ thêm chồng của bà trùm Loan "cá" cùng em ruột của Loan.

Vươn vòi ra các chợ

Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) chiều 7-5 đã bắt khẩn cấp Nguyễn Quốc Tuấn (thường gọi Tuấn "cá", SN 1977, ngụ phường Hóa An, TP Biên Hòa), chồng của Lý Thị Loan (Loan "cá") và Lý Thị Phượng (SN 1982), em ruột của Loan.

Loan "cá" là nghi can cầm đầu băng nhóm giang hồ chuyên bảo kê tại chợ tạm của công nhân tại ấp 1, xã Thạnh Phú, bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ vào chiều 5- 5 để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Tuấn "cá" bước đầu được xác định là đối tượng cầm đầu băng nhóm bảo kê thu tiền của người buôn bán; cho vay nặng lãi ở khu vực chợ cá Hóa An và khu vực chợ tự phát gần Công ty Pouchen (phường Hóa An), nơi gia đình Tuấn và Loan từng làm ăn buôn bán. Điều tra ban đầu cho thấy gia đình Tuấn và Loan đã lôi kéo đàn em, hoạt động manh động và mở rộng địa bàn từ chợ Hóa An đến chợ Thạnh Phú. Phượng được xác định là trợ thủ đắc lực của Loan và Tuấn.

 Vì sao Loan cá lộng hành?  - Ảnh 1.

Hiện trường bắt băng bảo kê tại chợ tạm Thạnh Phú

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây vợ chồng Loan và Tuấn có vựa cá khá lớn trong chợ Hóa An, là đầu mối chuyên bỏ mối cho các điểm bán khác cũng như các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán nhậu... Cơ quan công an xác định Tuấn và Loan cùng đăng ký thường trú tại tổ 19, khu phố An Hòa, phường Hóa An. Mấy năm trở lại đây, thấy khu vực phía trước cổng Công ty Pouchen, đối diện chợ Hóa An có nhiều tiểu thương tự ý họp chợ buôn bán hàng rong, Tuấn và Loan cho người đến đe dọa, đứng ra thu tiền mặt bằng và tiền… dọn vệ sinh. Mỗi tiểu thương buôn bán tại đây hằng tháng phải đóng cho vợ chồng Tuấn từ 100.000 - 400.000 đồng tiền "mặt bằng" và từ 5.000- 7.000 đồng tiền "dọn vệ sinh".

Trong băng của vợ chồng Tuấn "cá", Ái và Tùng (hiện chưa rõ lai lịch) được giao nhiệm vụ trực tiếp thu tiền "vệ sinh"; Nguyễn Văn Tuấn (tự Tuấn "Úc", ngụ huyện Trảng Bom) và 3 đối tượng khác được giao thu tiền "mặt bằng".

Đến giữa năm 2019, vợ chồng Tuấn "cá" ly thân. Loan "cá"chuyển địa bàn đến khu vực chợ tự phát phía trước cổng Công ty ChangShin (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đánh bật các nhóm khác, giành địa bàn. Còn Tuấn "cá" cùng một số đàn em tiếp tục thu tiền bảo kê tại khu vực chợ Hóa An, cổng Công ty Pouchen.

Sau khi Công an tỉnh Đồng Nai bắt Loan "cá" và 9 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, nhiều tiểu thương buôn bán quanh khu vực cổng Công ty Pouchen và chợ Hóa An đã tố cáo hành vi thu tiền bảo kê của Tuấn "cá".

Người dân khiếp hãi

Trở lại khu vực chợ tạm tại ngã 3 Thạnh Phú, xã Thạnh Phú vào ngày 8-5, chúng tôi ghi nhận hoạt động buôn bán của người dân đã trở lại bình thường. Theo người dân địa phương, Loan "cá" có một bãi trông giữ xe ngay khu vực và một phụ nữ tên Nhung "khàn" (cũng được xác định là cầm đầu hoạt động giang hồ) buôn bán nhỏ lẻ tại đây. "Họ từ nơi khác đến đây làm ăn buôn bán nhưng ít giao thiệp với bà con xung quanh; tổ chức nhiều người xăm trổ đi thu tiền của những người bán hàng rong…" - một người dân kể.

Còn theo một nạn nhân, băng này đi lại dọa dẫm, bảo kê từ 7 giờ đến 16 giờ hằng ngày. Tối đến, người buôn bán về hết, người của Loan cho kẻ vạch sơn, ghi tên, ký hiệu, dùng xe tải chở những tấm gỗ đến phân lô "đặt chỗ" ở khu vực buôn bán. "Hôm sau, họ nói khu vực đó đã có chủ, muốn ngồi phải chung chi, gọi là nộp tiền rác" - người này cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Lê Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, giải thích việc băng nhóm lộng hành thu tiền bảo kê tại đây xảy ra thời gian dài nhưng âm thầm và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi; khu vực chợ tự phát có nhiều công ty, xí nghiệp lớn, tập trung nhiều công nhân, mỗi lần tan tầm là những người bán hàng rong lại kéo đến. Gần đây, xã và huyện đang tiếp tục lên các chương trình xử lý tình trạng buôn bán ở chợ tự phát. Riêng với băng nhóm bảo kê, xã đã báo cáo tình hình và phối hợp với công an tỉnh để triệt phá.

Còn ông Nguyễn Khắc Tâm, Trưởng khu phố 1, xã Thạnh Phú, nói tình hình an ninh trật tự tại đây phức tạp do có các khu công nghiệp, tập trung đông công nhân nên khó khăn trong việc quản lý.

Điều tra hành vi cho vay nặng lãi

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 5-5, Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá một băng nhóm giang hồ chuyên thu tiền bảo kê tại khu vực ven KCN Thạnh Phú, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Bước đầu xác định cầm đầu băng nhóm này là Lý Thị Loan (SN 1981, Loan "cá") và Hoàng Thị Tuyết Nhung (SN 1985, Nhung "khàn"). Băng nhóm này chuyên dùng vũ lực đe dọa, khống chế buộc những người bán hàng tại khu vực trên phải nộp tiền bảo kê.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, cảnh sát thu giữ nhiều cọc tiền, trong đó có những cọc tiền lẻ 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng có được từ cưỡng đoạt của những người bán rau, trái cây... Ngoài ra, còn có nhiều sổ ghi chép có dấu hiệu thể hiện việc cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, ghi đề.

Theo Xuân Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM