Vì sao giá lợn hơi lao dốc?

27/10/2021 10:43 AM | Kinh doanh

Theo các chuyên gia, thông tin có 8 triệu con lợn đang tồn đọng tại các trang trại, hộ chăn nuôi đã kéo theo tình trạng người dân bán tống, bán tháo.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hết tháng 9, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay, giá lợn cao nhất đạt 75 nghìn đồng/kg. Thời điểm hiện tại, giá dao động ở mức 35-45 nghìn đồng/kg tùy từng vùng.

Trong khi đó, giá thành sản xuất theo chăn nuôi chuỗi từ nuôi lợn nái đến lợn thịt khoảng 45-50 nghìn đồng/kg, chưa kể người chăn nuôi phải mua con giống từ 50-55 nghìn đồng/kg nên hầu hết người chăn nuôi, trang trại đều thua lỗ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thông tin 8 triệu con lợn tồn đọng là không chính xác. Việc này xuất phát sau khi Bộ NN&PTNT thông tin có khoảng 30% lợn tồn đọng trong 2 tháng giãn cách. Con số đưa ra sai vì một số đơn vị của bộ lại tính toán dựa trên tổng số đàn lợn trong khi, số lượng tồn đọng này chỉ có mỗi lợn thịt.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi giảm sâu là do hàng chục tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp, trường học ngừng hoạt động…nên nhu cầu giảm mạnh.

“Đặc biệt, vừa qua nhu cầu giảm trong khi lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30% với khoảng 1,5 triệu con khối lượng 100-160kg/con khiến giá lợn giảm mạnh xuống còn 30-35 nghìn đồng/kg”, ông Trọng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, 9 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn (thịt lợn 112,7 nghìn tấn) chỉ chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Vì vậy, việc nhập khẩu thịt lợn không phải nguyên nhân giá lợn hơi xuống thấp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam cho rằng, ngoài việc nhu cầu giảm do ảnh hưởng của COVID-19, một nguyên nhân khiến giá lợn đâm đầu lao dốc là do tù mù và loạn thông tin. Vừa qua, có thông tin 8 triệu con lợn quá lứa bị ế khiến người dân lo lắng, và sau đó bán tống, bán tháo lợn với giá rẻ.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, khâu lưu thông và phân phối đang “ăn” hết lợi nhuận của ngành chăn nuôi lợn. Hiện ngành nuôi đang chịu lỗ 16-36 nghìn đồng/kg lợn hơi.

Ông Sơn cho rằng, trong việc này có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, các đơn vị thiếu chủ động và sự nhất quán.

“Con số 8 triệu con lợn tồn đọng mới nghe đã thấy bất hợp lý vì bằng 2 tháng tiêu thụ của cả nước.

Khi có thông tin như vậy, Bộ NN&PTNT lại không kịp thời giải thích rõ. Mỗi đơn vị trong bộ thông tin khác nhau khiến thị trường không biết đâu mà lần. Sản lượng thịt lợn nhập cũng vậy, rất hiếm khi công bố số liệu nhập bao nhiêu, dẫn tới các đơn vị căn cứ vào của bên này, bên kia rồi nói thịt ngoại nhập khẩu ồ ạt khiến người dân hoang mang”, ông Sơn nói.

Phân phối, lưu thông “ăn hết” lợi nhuận

 Vì sao giá lợn hơi lao dốc?  - Ảnh 3.

Người chăn nuôi lao đao vì giá lợn giảm sâu

Giá lợn hơi hiện ở mức thấp song giá bán trên thị trường tại nhiều siêu thị, cửa hàng đang duy trì mức cao trung bình khoảng 110-200 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, khâu lưu thông và phân phối đang “ăn” hết lợi nhuận của ngành chăn nuôi lợn.

Để sản xuất được 1kg lợn hơi, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và chuyên nghiệp phải đầu tư khoảng 45-48 nghìn đồng, còn nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ phải đầu tư khoảng 60-65 nghìn đồng. Với chi phí này, ngành nuôi heo đang chịu lỗ 16-36 nghìn đồng/kg lợn hơi.

Trong khi đó các chi phí vận chuyển, nhân công... thời gian qua tăng vọt, có thời điểm lên đến 60% giá thành sản xuất, dẫn tới việc giá bán thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao. Nếu tình trạng kéo dài, các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể không còn lợi nhuận, không còn vốn để chăn nuôi, đầu tư tái đàn.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi Việt Nam hiện vẫn còn 52% là chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo chuỗi còn hạn chế, nên việc thống kê, kiểm soát rất khó.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, không ai dự báo và thống kê chính xác được các số liệu, dẫn tới tình trạng có thời điểm thông tin cung cầu chênh lệnh lớn, ảnh hưởng đến giá cả thị trường.

Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan tổ chức kiểm soát lưu thông, hạ giá thành, chi phí trung gian, đồng thời trình Chính phủ chính sách hỗ trợ nông dân giống vật nuôi để khôi phục sản xuất tại các địa phương.

“Bộ dự kiến, giá lợn hơi sẽ tăng trong khoảng 2 tuần tới sau khi các địa phương từng bước thực hiện việc mở cửa sản xuất trở lại, lúc đó nhu cầu thị trường sẽ đẩy giá lợn tăng lên”, Thứ trưởng Tiến cho hay.

Thanh Hóa: Tiêu hủy lợn bị dịch tại 5 huyện

Tính đến 26/10, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng gần 300 hộ dân của 27 xã thuộc 5 huyện tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, số lượng lợn dịch đã được tiêu hủy là gần 1.200 con. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương đang tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp tiêu độc khử trùng; duy trì các trạm chốt kiểm soát động vật; siết chặt công tác kiểm soát giết mổ…

Hoàng Lam

Dương hưng

Từ khóa:  lợn hơi
Cùng chuyên mục
XEM