Vì sao giá khí đốt lên cao kỷ lục ở khắp nơi

22/09/2021 20:30 PM | Xã hội

Thời tiết cực đoan kéo dài khiến tiêu thụ tăng và tồn kho khí đốt giảm mạnh là nguyên nhân khiến nhiên liệu này ngày càng trở nên đắt so với nhiều năm trước.

Giá khí tự nhiên tăng mạnh, dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cho mùa đông năm nay cũng như dự báo giá sẽ lên cao nhất kể từ khi máy cắt thủy lực tràn ngập thị trường vào hơn 10 năm trước.

Chốt phiên 17/9, giá khí tự nhiên tương lai giao dịch ở 5,105 USD/mBtu, tăng 50% so với 6 tháng trước và tăng 17% kể từ đầu tháng này. Đây được dự báo là mùa thấp điểm trong tiêu thụ, song giá lại chưa bao giờ lên cao như vậy kể từ khi bão tuyết quét qua vùng đông bắc Mỹ đầu năm 2014.

Theo giới phân tích, mùa đông năm nay có thể không lạnh tới mức để khiến giá phải lên cao chưa từng thấy trong kỷ nguyên đá phiến hiện tại, thứ đã biến Mỹ từ một nước nhập khẩu thành một nước xuất khẩu khí đốt.

Vì sao giá khí đốt lên cao kỷ lục ở khắp nơi - Ảnh 1.

Thời tiết cực đoan kéo dài khiến tiêu thụ tăng và tồn kho khí đốt giảm mạnh là nguyên nhân khiến nhiên liệu này ngày càng trở nên đắt đỏ so với nhiều năm trước. Ảnh: National Geographic.

Giá khí tự nhiên chạm đáy là một yếu tố đáng tin cậy của kinh tế Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá nhiên liệu này lao dốc và không bao giờ phục hồi trong bối cảnh nguồn cung luôn dồi dào nhờ công nghệ cắt thủy lực và khoan nghiêng. Người ta sẽ đốt khí tự nhiên để tạo ra điện và sưởi ấm nhà, sản xuất nhựa, thép và phân bón. Vì vậy, việc giá khí tự nhiên tăng đáng kể và ổn định sẽ gây ảnh hưởng nhiều đối tượng, từ các hộ gia đình tới ngành công nghiệp nặng.

Cổ phiếu của các công ty sản xuất khí tự nhiên đều tăng giá khi giá khí lên 5 USD. Năng lượng cũng trở thành nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 và là một trong hai nhóm tăng duy nhất trong tháng này.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ thường loại giá năng lượng khi họ đánh giá lạm phát vì giá mặt hàng này biến động rất lớn. Tuy nhiên, giá khí tự nhiên tăng lại được giới đầu tư theo dõi sát sao. Cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 23/9 đang là tâm điểm của giới đầu tư. Họ tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy cơ quan này sẽ bắt đầu giảm quy mô mua trái phiếu sau cuộc họp tháng 11 cũng như tăng lãi suất ngắn hạn trước cuối năm 2022.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 23/9 sẽ đưa ra ước tính mới về dự trữ khí tự nhiên. Lần gần đây nhất, dự trữ nhiên liệu này ước thấp hơn 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng năm, bây giờ là thời điểm các nhà máy lấp đầy dầu cho bể chứa để sử dụng cho mùa đông khi nhu cầu ở mức lớn nhất.

“Thời gian để bổ sung hàng dự trữ cho mùa đông đang nhanh chóng cạn kiệt”, Lindsay Schneider, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn RBN Energy, nói.

Giá dầu thô hiện không đảm bảo cho việc khai thác mới và điều này đã làm giảm lượng khí đốt được sản xuất như một sản phẩm phụ. Trong khi đó, các công ty ở Appalachia, Mỹ, vốn là yếu tố có thể khuấy động thị trường, lại đang ưu tiên lợi nhuận hơn tăng trưởng sản xuất nên họ cũng dè dặt trong việc đầu tư khai thác mới.

Số lượng giàn khoan khí tự nhiện về cơ bản không đổi kể từ mùa xuân năm nay dù giá tăng rất mạnh. Khi giá lên hơn 5 USD trong năm 2014, số lượng giàn khoan hoat động nhiều hơn gấp 3 lần so với con số 100 hiện nay, theo Baker Hughes.

Trong khi đó, nguồn cung khí tự nhiên lại đang cạn kiệt do một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan. Đợt băng giá hồi tháng 2 ở Texas đẩy nhu cầu lên cao nhưng các giếng dầu đều bị đóng băng. Tháng 6 và 7 là thời điểm nắng nóng kỷ lục trong khi hạn hán ở miền tây nước Mỹ kéo giảm sản lượng thủy điện, nên nhu cầu tiêu thụ khí đốt cao hơn bình thường. Cuối tháng trước, cơn bão Ida đổ bộ khiến gần như tất cả cơ sở sản xuất khí đốt ở Vịnh Mexico phải đóng cửa. Hơn 1/3 công suất sản xuất khí đốt tại đây vẫn bị ngừng tính tới ngày 17/9, Cục An toàn và Thực thi môi trường Mỹ cho hay.

Châu Âu cũng chịu các yếu tố tương tự nên giá khí tự nhiên giữ ở mức cao kỷ lục trong suốt mùa hè này. Tại châu Á, người mua cũng đang phải chi ở mức cao kỷ lục để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng theo tuyến qua Thái Bình Dương, thay vì qua châu Âu.

Tình trạng thâm hụt nguồn cung khí tự nhiên đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu, nơi tồn kho còn rất ít do thời tiết nắng nóng, sản lượng điện gió thấp và nhập khẩu từ Nga giảm. Chuyên gia phân tích Samantha Dart của Goldman Sachs cho biết dự trữ ở tây bắc châu Âu gần đây thấp hơn mức trung bình 24%.

Giá khí tự nhiên tại châu Âu lên cao tới mức bà Dart ước tính giá tại Mỹ cần tăng lên 17 USD và giá tại nước ngoài không tăng thêm thì các công ty mới có lãi khi vận chuyển khí đốt băng qua Đại Tây Dương. Bà khuyến nghị người tiêu dùng nên mua quyền chọn có mức giá cao hơn giá hợp đồng tương lai hiện tại để đề phòng giá tăng nếu mùa đông năm nay lạnh hơn bình thường.

Tuần trước, Intercontinental Exchange đã tăng yêu cầu ký quỹ đối với giao dịch hợp đồng khí đốt tương lai ở Mỹ và châu Âu, nhằm đề phòng rủi ro giá lên cao hơn và biến động thị trường tăng.

Christopher Louney, chuyên gia phân tích của RBC Capital Markets, cho biết thách thức trong việc dự báo giá có thể tăng lên bao nhiêu nằm ở mối quan hệ chưa từng có giữa thị trường Mỹ, từng bị cô lập, và thị trường quốc tế. Các cơ sở xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từng được xây dựng dọc bờ biển Vịnh Mexico và bờ đông Mỹ để giải quyết tình trạng dư thừa khí tự nhiên, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước nắm bắt được tình hình giá cả ở nước ngoài. Hiện nay, việc giá cao hơn ở nước ngoài đang đẩy giá ở Mỹ lên theo.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM