Vì sao đưa vải Lục Ngạn sang Nhật mất tới 5 năm?

15/07/2020 12:28 PM | Kinh doanh

Ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản kể lại, chuyên gia phía Nhật Bản đã phải bay một mình trên chuyến chở hàng để sang Việt Nam kiểm định, giám sát những khâu cuối cùng của ...

Ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, xuất khẩu vải sang Nhật Bản phải trải qua một quy trình rất phức tạp.

"Công việc này sẽ do Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi với vai trò là cầu nối giữa hai chính phủ với nhau, thúc đẩy quá trình đàm phán. Từng giai đoạn đều phải có liên hệ với phía Nhật Bản - Bộ Nông lâm nghiệp Nhật Bản" - ông Minh nói.

Ngày 8/7/2015, Cục Bảo vệ Thực vật liên hệ với Cục An toàn Thực phẩm và Tiêu dùng của Nhật Bản đưa ra mặt hàng có nhu cầu xem xét để xuất khẩu và được phía Nhật chấp nhận xem xét.

Sau đó, ngày 20/7/2015, phía Việt Nam sẽ phải thông báo cho phía Nhật kế hoạch thực hiện, điều tra, tiến hành khảo sát, lập danh sách sâu bệnh với quả vải và phía Nhật sẽ xem xét kiểm tra.

Ngày 5/2/2016, sau khi xác nhận hoàn tất kiểm tra dữ liệu thực nghiệm và dữ liệu điều tra, nếu thấy quả vải có sâu bệnh, phía Nhật Bản sẽ đưa ra kỹ thuật, công nghệ để cùng Việt Nam trao đổi xử lý.

Khâu này, theo ông Minh là tương đối phức tạp, tốn kém và mất thời gian. Ông lấy ví dụ, quả thanh long trước đây khi phía Nhật đưa ra công nghệ xử lý ruồi đục quả, công nghệ này tốn kém tới mức phải dùng vốn ODA và mất tới 3 năm để thử nghiệm từ khâu trồng trọt đến xử lý côn trùng.

Còn với quả vải, tới năm 2017, phía Nhật Bản và Việt Nam vẫn chưa biết dùng phương pháp gì. Lý do là quả vải tính chất khác thanh long cũng như xoài. Quả vải lúc thu hoạch phải là quả chín, có vỏ rất mỏng. Khi bị tác động vào, quả vải sẽ thay đổi màu sắc và hương vị.

Cuối cùng, phía Việt Nam cũng đưa ra được phương án tối ưu và đề xuất và được phía Nhật bản chấp nhận. Phương pháp này là xông hơi khử trùng bằng methyl bromide.

Đến ngày 24/4/2018, khi nhận được kết quả thông báo của toàn bộ quá trình thử nghiệm, thực địa, thực tế tại vùng trồng, phía Nhật mới bắt đầu xem xét, lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà chuyên môn Nhật Bản. Giai đoạn này cũng mất khoảng 6 tháng - 1 năm.

Bước cuối cùng, sau khi hoàn thành tất cả các quá trình thử nghiệm sâu bệnh, thực nghiệm hiện trường, xem xét hồ sơ... phía Nhật Bản sẽ đưa thông tin rộng rãi tới người tiêu dùng, cộng đồng Nhật Bản để xem họ có đón nhận quả vải hay không.

Tổng thời gian cho việc này, theo ông Minh, cũng tùy vào việc loại quả đó có nhiều côn trùng phải xử lý hay không, và thường mất từ 3-5 năm. Các đoàn cấp cao sang thăm Nhật Bản, mỗi chuyến thăm đều thúc đẩy đàm phán việc xuất khẩu.

"Việc trao đổi kỹ thuật rất mất công sức và thời gian. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng việc chúng tôi làm là làm thế nào để hình ảnh quả vải tạo ra được âm hưởng đến nhiều người tiêu dùng, nhiều người dân Nhật Bản. Họ biết được quả vải, biết cách ăn quả vải như thế nào và bảo quản quả vải ra sao.

Chúng tôi cũng phải tìm kiếm nhà nhập khẩu. Trong thời gian từ 2018 đến 2019, tôi đã 3 lần đưa các nhà nhập khẩu về Việt Nam, đến làm việc với đầu cầu Lục Ngạn, giới thiệu công nghệ bảo quản quả vải trong quá trình xuất khẩu.

Công nghệ đó chưa được sử dụng nhưng chúng tôi mong rằng trong mùa vải năm sau, chúng ta cũng cần đưa công nghệ bảo quản quả vải từ khâu thu hoạch đến công nghệ sau thu hoạch, trong quá trình vận chuyển quả vải từ Việt Nam sang Nhật Bản" - ông Minh tâm sự.

 Vì sao đưa vải Lục Ngạn sang Nhật mất tới 5 năm? - Ảnh 1.

"Chúng tôi mong muốn quả vải khi bày lên kệ siêu thị vẫn sẽ giữ được độ tươi và thơm ngon để người tiêu dùng không chỉ mua trong 1 ngày, 2 ngày mà có thể bày trong cả mùa vụ mà Việt Nam đang thu hoạch" - ông nói thêm.

Trong giai đoạn cuối, khi quả vải chuẩn bị sang được Nhật Bản, việc xuất khẩu cần có sự giám sát của chuyên gia Nhật Bản trong khâu cuối cùng: khử trùng, đóng gói, đóng dấu chứng nhận khi xuất khẩu của Nhật. Thời điểm này, do dịch Covid-19, phía Nhật Bản cũng không biết phải xoay sở thế nào vì quy định xuất nhập khẩu khi đó rất chặt chẽ.

Họ cũng không có chuyên gia nào dám xung phong sang Việt Nam vì thời điểm đó Việt Nam cũng có trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Các chuyên gia đều phải về nước, họ không thể quay lại Việt Nam trong thời điểm rủi ro như vậy.

Trước tình hình đó, phía Đại sứ quán cũng liên hệ với Bộ Nông lâm nghiệp Nhật Bản tìm cách hỗ trợ, hướng dẫn chuyên gia sang Việt Nam. Thời điểm đó cũng không có chuyến bay thương mại sang Việt Nam. Vậy làm cách nào để chuyên gia sang kịp khi mùa thu hoạch vải đã đến? Chỉ cần chậm 1 tuần thì không kịp để vải sang Nhật được nữa.

"Lúc đó, chúng tôi cũng trao đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Nhật Bản, đưa chuyên gia lên chuyến bay, mà chuyến đó chỉ có một mình chuyên gia. Và đó là chuyến bay chở hàng.

Chuyên gia sang cũng đã được Cục Bảo vệ Thực vật và các đại diện của Lục Ngạn đón tiếp và cách ly theo đúng quy định 14 ngày. Đến ngày 18/6, chuyên gia mới bắt đầu triển khai công việc giám sát kiểm định quả vải" - ông Minh nói.

HA

Cùng chuyên mục
XEM