Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại Tp.HCM bị thanh tra?

11/09/2018 08:57 AM | Bất động sản

UBND TP.HCM vừa lập Đoàn kiểm tra dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỷ) theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Sử dụng thép có nguồn gốc Trung Quốc không phải của các nước khối G7

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa làm trưởng đoàn, có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá dự án về các vấn đề: tạm ứng cho nhà thầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van, thay đổi thiết kế cống kiểm soát triều Mương Chuối, đề nghị giảm chi phí lưu kho của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thi công dự án)...

Đây là hoạt động luật định nhằm đánh giá hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp dự án tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật hoặc liên quan đến pháp lý dự án như khối lượng, điều chỉnh FS, báo cáo thành phố để giải quyết và tái khởi động trong thời gian sớm nhất.

 Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại Tp.HCM bị thanh tra?  - Ảnh 1.

Đặc biệt, mới đây trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam (liên doanh được chọn làm tư vấn giám sát dự án) cho biết, chủ đầu đã sử dụng vật liệu thi công cửa van thép không thống nhất với khâu thiết kế (dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc chứ không phải của các nước thuộc khối G7). Việc này chưa được chính quyền thành phố chấp thuận, có khả năng khiến chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn.

Lý giải về việc thay đổi tiêu chuẩn thép, đại diện Tập đoàn Trung Nam nói, đã có văn bản xin chỉ dẫn cũng như xác nhận việc này trước khi thực hiện. Đến ngày 22/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định tính phù hợp khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống.

Sở này cũng kiến nghị UBND thành phố yêu cầu Trung tâm Điều hành chống ngập và liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng "khẩn trương kiểm tra hồ sơ và xác nhận khối lượng thi công hạng mục lắp đặt cửa van các cống kiểm soát triều của chủ đầu tư theo đúng quy định".

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản "hoả tốc" gửi Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm sớm thực hiện các giải pháp để dự án trên được tiếp tục thi công sau một thời gian dài ngưng trệ.

 Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại Tp.HCM bị thanh tra?  - Ảnh 2.

Theo đó, do đây là dự án có quy mô lớn (tổng vốn đầu tư 9.926 tỷ đồng), kỹ thuật phức tạp, có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết ngập cho thành phố, vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trì cuộc họp trong thời gian sớm nhất với các bộ ngành liên quan (Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Kiểm tra công tác nghiệm thu Công trình xây dựng - Bộ NN-PTNT), TP.HCM và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan cho UBND TP.HCM và chủ đầu tư để đảm bảo dự án triển khai đúng quy định, đáp ứng tiến độ, đạt chất lượng.

Nguy cơ vỡ tiến độ

Tính đến ngày 31/7/2018, dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng đã xác nhận giải ngân 3.483 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%). Giá trị đã giải ngân (bao gồm tạm ứng) là 4.840 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 803 tỷ và vốn vay là 4.037 tỷ) và giá trị khối lượng hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Giá trị chưa được giải ngân là 850 tỷ đồng.

 Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại Tp.HCM bị thanh tra?  - Ảnh 3.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016 và dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018. Tuy nhiên, Vào cuối tháng 4/2018, nhà đầu tư có văn bản thông báo việc tạm dừng thi công toàn bộ công trình do Ủy ban Nhân dân TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn, khiến ngân hàng BIDV thông báo tạm dừng cấp vốn cho dự án.

Theo đánh giá từ phía chủ đầu tư - Công ty CP Tập đoàn Trung Nam, ngoài nguyên nhân nêu trên, hiện tại do vướng vấn đề mặt bằng thi công, do vậy khả năng hoàn thành dự án theo cam kết sẽ không khả thi, dù đơn vị này đã nhiều lần có văn bản gửi UBND TP.HCM xem xét tháo gỡ.

Cụ thể, Trung Nam cho biết thêm dù chỉ còn khoảng 30% khối lượng công việc nhưng nguy cơ bị trễ hẹn do một số quận, huyện chưa bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công. Trong đó, có một số công trình đã cơ bản hoàn thành nhưng phần thi công công trình phụ trợ, lắp đặt hệ thống kỹ thuật, vận hành cửa van và xây bờ kè bị "đứng bánh" do ách tắc về mặt bằng. Theo chủ đầu tư, thời gian còn lại chỉ 2 tháng nên rất khó hoàn thành đúng kế hoạch.

 Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại Tp.HCM bị thanh tra?  - Ảnh 4.

Các quận, huyện cam kết đến tháng 7/2017 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao. Để kịp tiến độ, chủ đầu tư đã ứng tiền trước (không nằm trong dự án) thuê, bồi thường cho người dân nằm trong phạm vi dự án để có mặt bằng thi công.

Theo Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
XEM