Vì sao đã có gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, ngành du lịch vẫn đề xuất có gói vay riêng lên tới 150.000 tỷ do Chính phủ bảo lãnh?

30/04/2020 14:23 PM | Kinh doanh

Hội đồng tư vấn du lịch mới đây đề xuất cụ thể với Chính phủ một gói tín dụng ưu đãi lên đến 150.000 tỷ đồng có bảo lãnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành du lịch.

Chính phủ bảo lãnh tín dụng để “cấp cứu” doanh nghiệp

77% doanh nghiệp giảm hơn 80% doanh thu quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái theo số liệu khảo sát của Ban phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành dễ tổn thương như du lịch lại đang không thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Do đó xuất hiện nhiều đề xuất cần có các gói tín dụng được Chính phủ làm trung gian bảo lãnh thanh toán để cấp cứu doanh nghiệp. 

Trong lúc gói hỗ trợ tiền tiên 300.000 tỷ đồng đang được triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19 vẫn đang được triển khai thì một đề xuất mới đây từ các doanh nghiệp và chuyên gia đang thu hút sự chú ý. Cần có thêm những gói tín dụng có vai trò bảo lãnh trung gian của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó tiếp cận vốn. 

Lấy ví dụ về một công ty du thuyền tại Tp. Hồ Chí Minh có nhu cầu vay vốn trong 12-24 tháng dù chứng minh được nguồn thu trước đây nhưng ngân hàng vẫn quyết định từ chối hồ sơ do không chứng minh được nguồn thu hiện tại.

“Chúng tôi thiếu cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp. Từ bản báo cáo tài chính của chúng tôi cũng biết rằng mình rất có khả năng rất lớn để thanh toán các khoản vay đó khi dịch bệnh qua đi và công ty hoạt động bình thường.“, ông Giang Hoàng Hải, giám đốc công ty TNHH du thuyền Viet Princess trả lời phỏng vấn VTV.

Hội đồng tư vấn du lịch vừa đề xuất Chỉnh phủ gói tín dụng với lãi suất ưu đãi lên tới 150.000 tỷ đồng có bảo lãnh từ Chính phủ. Theo tính toán giá trị gói tín dụng này bằng ¼ doanh thu ngành du lịch đóng góp cho nền kinh tế năm 2019. Sở dĩ cần có gói riêng vì hầu như nhóm doanh nghiệp du lịch không thể đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng. 

“Đối với các doanh nghiệp lữ hành thực sự chỉ có con người là tài sản quý giá nhất nên rất khó tiếp cận nguồn vốn thương mại. Đây là đề xuất hợp lý đặc biệt cho các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp vừa và nhỏ.“, ông Ngô Minh Đức, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho biết.

Theo quy trình bình thường, doanh nghiệp muốn vay vốn cần phải có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được dòng tiền dương đủ khả năng trả nợ. Nếu có Nhà nước đứng giữa bảo lãnh thì những điều kiện này có thể được nới lỏng theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, giúp tăng khả năng tiếp cận tín dụng. 

Vì sao đã có gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, ngành du lịch vẫn đề xuất có gói vay riêng lên tới 150.000 tỷ do Chính phủ bảo lãnh? - Ảnh 1.

“Vấn đề hiện nay là khả năng của mình có hạn thì trong cấp cứu đó sẽ ưu tiên cho những ai có khả năng sống, có sức đề kháng tốt. Điều này có thể dựa vào cái đóng thuế vừa rồi. Đóng thuế là hiệu quả kinh doanh thực sự của doanh nghiệp làm ra", ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt cho biết. 

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch cho thấy phần lớn doanh nghiệp có quy mô dưới 100 nhân viên, hơn 88% số doanh nghiệp phản hồi rằng cần hỗ trợ vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. 

Giảm nỗi lo nợ xấu cho ngân hàng

Khi gói hỗ trợ được Nhà nước bảo lãnh thì ngân hàng cũng với đi nỗi lo nợ xấu. Những chiếc vòng kim cô thẩm định khoản vay cũng không bị xiết quá chặt khi trung gian bản lãnh là cơ quan nhà nước sẽ không chỉ chăm chăm vào bài toán lợi nhuận như ngân hàng.

Trong một cuộc hội thảo trực tuyến gần đây, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu- người có hàng chục năm làm trong ngành ngân hàng tại Mỹ cũng đề xuất ý kiến tương tự Hội đồng tư vấn du lịch. Lấy dẫn chứng số liệu từ VCCI cách đây không lâu cho thấy đã có 35.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ trong 3 tháng đầu năm. Ông Hiếu cho rằng con số này hiện đã tăng gấp đôi. Thực tế nếu chúng ta đi ngoài phố sẽ thấy 80% các cửa tiệm đóng cửa.

"Tôi nghĩ cứ thế này bao nhiêu ngàn doanh nghiệp sẽ lao đao khốn khó. Thế thì gói nào cho những doanh nghiệp đó? Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần một gói riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và phải ở mức độ ít nhất 2% GDP lên khoảng 150.000 tỷ đồng", ông Hiếu đề xuất quan điểm.

Về gói này ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp cho họ vay có thể qua cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ đó bảo lãnh cho các ngân hàng thương mại nếu cho vay mà doanh nghiệp không trả được thì quỹ bồi thường cho các ngân hàng.

Vì sao đã có gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, ngành du lịch vẫn đề xuất có gói vay riêng lên tới 150.000 tỷ do Chính phủ bảo lãnh? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

"Hãy dùng quỹ bảo lãnh tín dụng đó, chính phủ chưa phải bỏ ra đồng nào cả. Quỹ bảo lãnh tín dụng đó mới bảo lãnh thôi, chỉ khi nào bồi thường thì Chính phủ mới phải bỏ tiền ngân sách ra bồi thường. Còn bây giờ hãy dùng quỹ bảo lãnh tín dụng đó, dùng uy tín của Chính phủ bảo lãnh cho các ngân hàng và các ngân hàng dùng tiền của mình để cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi đề nghị nếu có món vay nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hãy cho họ vay và có thời gian ân xá một năm cả gốc và lãi để khi nền kinh tế hồi phục rồi bây giờ sẽ có chương trình trả nợ", ông Hiếu đề xuất giải pháp cấp bách.

Ngoài ra, ông Hiều thẳng thắn cho rằng không thể dựa quá nhiều vào ngân hàng thương mại vì ngân hàng thương mại cũng là người kinh doanh, làm vì lợi nhuận.

"Các ngân hàng thương mại không phải là ra ngoài xã hội để làm công tác từ thiện. Không ai làm như thế. Họ không thể cho vay dưới giá vốn của họ là lãi suất huy động được. Lãi suất huy động hiện 7-8% họ không thể cho vay dưới mức đó được, họ không thể lỗ được, khi lỗ họ có thể bị xử lý pháp luật, chứ đừng nói trách nhiệm của họ với xã hội", ông Hiếu cho biết.

Ông cho rằng không thể trông chờ quá nhiều vào các ngân hàng thương mại, dĩ nhiên họ có chương trình nhưng phải có một ngân hàng chính sách ngoài Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng nông nghiệp, phải có ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó phải có một ngân hàng như vậy tại thời điểm này để khi Việt Nam qua được dịch bệnh chúng ta còn giữ vững được lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ - cũng là lực lượng chủ yếu để đưa kinh tế hồi phục.

Vì sao đã có gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, ngành du lịch vẫn đề xuất có gói vay riêng lên tới 150.000 tỷ do Chính phủ bảo lãnh? - Ảnh 3.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM