Doanh nghiệp du lịch khó khăn giữ chân người lao động
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động nhiều đến doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Quảng Ninh và việc giữ chân lao động có tay nghề chuyên môn rất khó khăn.
Từ đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch dịch vụ tạm ngưng thì chị Dương Minh Tâm (36 tuổi, nhân viên khách sạn Hạ Long Crown) buộc phải nghỉ việc không lương, không được đóng bảo hiểm xã hội. Chồng chị cũng phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Dương Minh Tâm cho biết, khi dịch bệnh tạm lắng, một số quy định giãn cách xã hội được điều chỉnh, vợ chồng chị mới mượn tạm gian nhà của ông bà ngoại để bán hàng ăn sáng.
“Trong 15 năm làm nghề tôi không nghĩ có một ngày phải nghỉ việc như thế này. Mong muốn lớn nhất bây giờ là dịch bệnh hết để trở lại cuộc sống bình thường. Thất nghiệp ở nhà cũng không biết làm gì và ở đây là đất du lịch cũng mong du lịch phát triển chứ không nghĩ bỏ nghề để làm việc khác” - chị Tâm chia sẻ.
Các khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. |
Tại Quảng Ninh, có hàng chục ngàn người lao động làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ đang gặp khó khăn như chị Tâm bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh buộc phải cho lao động nghỉ việc không lương, không đóng bảo hiểm xã hội. Một số ít doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực tài chính thì cố gắng duy trì trả khoảng 40% lương hoặc đóng bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động, hoặc bố trí nhân viên đi làm luân phiên chờ đến khi hoạt động du lịch dịch vụ trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Tiến Hữu, Trưởng phòng Nhân sự, khách sạn Bông Sen Hoàng Gia Hạ Long cho biết: “Hiện tại chúng tôi vẫn duy trì hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh và an ninh nội bộ. Vì vậy mỗi cán bộ nhân viên vẫn luân phiên làm từ 10 - 16 công/tháng và chúng tôi duy trì đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Tất nhiên dịch ảnh hưởng chung nhưng không đến mức nhân viên không có khoản thu nào khác. Nhưng trong bối cảnh này, nhiều bạn buộc phải nghỉ thì chúng tôi đành chấp nhận mất nhân lực”.
Đại dịch covid-19 gây ra tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu và ảnh hưởng đến hầu hết các ngành kinh tế. Với ngành du lịch, việc người lao động phải rời bỏ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của chính doanh nghiệp về lâu dài bởi nhân lực ngành này yêu cầu chuyên môn và những kỹ năng riêng.
Hơn 55.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh phải nghỉ việc do dịch bệnh. |
“Thực tế nguồn lao động của ngành dịch vụ, du lịch không dồi dào nên chúng tôi đang cố gắng giữ chân người lao động bằng đóng bảo hiểm xã hội và duy trì mức lương cơ bản. Bởi đào tạo một lao động mất rất nhiều thời gian dù các bạn có đào tạo nền thì vẫn phải đào tạo lại. Trong thời gian nghỉ do dịch, tập đoàn vẫn yêu cầu các đơn vị vẫn phải duy trì việc tái đào tạo nghiệp vụ cho người lao động để các khách sạn và ngành du lịch Quảng Ninh duy trì dịch vụ tốt nhất” - ông Đinh Thọ Quang, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh cho biết.
Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng thời gian vắng khách để củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Ngay khi kết thúc giãn cách xã hội, Sở Du lịch sẽ phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Quảng Ninh tổ chức các lớp học đào tạo. Còn với doanh nghiệp họ vẫn có chương trình đào tạo trực tuyến, training nhân viên... chúng tôi rất khuyến khích. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì ngay từ đầu tháng 5 chúng tôi cũng đã chuẩn bị những chương trình kích cầu khách nội địa và khai thác các cung đường gần rồi mới tính được xa hơn” - ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói.
Người lao động là vốn quý của doanh nghiệp và nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm giữ chân người lao động, nhất là những vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề chuyên môn là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động để duy trì bộ máy nhân sự khó có thể kéo dài. Bởi vậy, rất cần sự hỗ trợ bằng các chính sách thiết thực như thuế, nguồn vốn ưu đãi và khoanh, giãn nợ ngân hàng để doanh nghiệp có thể tồn tại, giữ và tạo việc làm cho người lao động./.