Vì sao chúng ta không bỏ được QWERTY?
Bàn phím QWERTY đã tồn tại được hơn 150 năm, vẫn sống tốt dọc theo con đường phát triển của công nghệ.
Dựa theo bài viết , theo cảm nhận thiết bị Tap của chị Rachel Metz, biên tập viên công nghệ của MIT Technology Review.
Tap là thiết bị thay thế bàn phím, đeo được trên một tay, kết nối không dây với smartphone của bạn. Nó sẽ giải thoát bạn khỏi cái bàn phím cũ kĩ, bạn có thể đặt tay lên bất kì mặt phẳng nào để gõ chữ. Video quảng cáo cho Tap cũng hay ho lắm: bạn gõ chữ trên đùi, trên tay, thậm chí trên cả trán một nhân vật nào đó.
Ý tưởng hay, hẳn vậy. Nhưng khi tôi thử nó, cái thực tại sử dụng Tap không mang lại chút vui thú nào. Khác với bàn phím QWERTY, Tap yêu cầu tôi phải vận dụng trí óc nhiều, bởi tôi phải gõ tay bằng nhiều sự kết hợp khác nhau để tạo nên được chữ cái: ngón cái là chữ A, ngón trỏ là chữ B, gõ tất cả các ngón trừ ngón trỏ thì có chữ C.
Tôi nhớ được toàn bộ bảng chữ cái đi kèm dấu hiệu tay khi chơi trò chơi chọn chữ, nhưng phải thú nhận rằng có chơi không mà cũng mệt mỏi lắm. Việc đặt tay trên đùi để gõ quả là bất khả thi, cũng như cố gắng gõ trên bất kì mặt phẳng nào không vừa cứng vừa phẳng. Những bài đăng Twitter của tôi nhiều chữ dài, mất tới vài phút để gõ. Một chữ đơn giản cũng thành phức tạp và ít nhiều khó chịu.
Tap không hợp tôi, làm dấy lên một câu hỏi liên quan tới bước trưởng thành của công nghệ. Ta có quá nhiều cách nhập liệu: bằng giọng nói, bằng màn hình cảm ứng, bút stylus và nhiều kiểu cách khác nữa. Thế mà bao thế hệ vẫn dựa dẫm vào thứ bàn phím đã tồn tại gần 150 năm. Tại sao ta chưa chịu từ bò QWERTY?
Một phần câu trả lời nằm tại người dùng: ta cứ ỳ người ra, không chịu thay đổi. Ta đã quá quen với cái bàn phím quen thuộc, đã quen từ các bậc tiền bối truyền tới giờ. Quan trọng nhất, là độ thoải mái của nó vẫn không thay đổi. Qua những năm tháng tái thiết kế, mọi thứ rườm rà thuộc về QWERTY xưa cũ đều đã biến mất.
"Ta đang kẹt trong một vòng luẩn quẩn", Frank Jones, trợ lý giáo sư môn khoa học máy tính tại Đại học Tuổi trẻ Brigham, là người tạo ra DotKey – một bàn phím cảm ứng theo dõi chuyển động ngón tay. "Ta dạy lũ trẻ cách dùng bàn phím QWERTY vì thứ công nghệ này có sẵn? Tại sao nó lại sẵn có? Vì ta vẫn dạy lũ trẻ cách dùng nó".
Cũng không hẳn lúc nào cũng vậy. Những máy đánh chữ cổ có rất nhiều cách kết hợp phím, cách đặt phím đầy sáng tạo. Nhưng thứ trường tồn với thời đại là Máy Gõ chữ Sholes & Glidden, được phát triển bởi nhà báo, nhà phát minh Christopher Lattham Sholes, được thương mại hóa bởi nhà sản xuất vũ khí E. Remington & Sons từ hồi 1874.
Cỗ máy Sholes & Glidden trở thành máy gõ chữ thịnh hành đầu tiên, có một giao diện phím gần giống với bàn phím QWERTY thời nay. Có điều nó chỉ gõ được chữ hoa. Nếu áp dụng quy chuẩn ngôn ngữ mạng của ngày nay, toàn bộ văn bản thời đó sẽ trông như có ai đang giận dữ gào toáng lên.
Năm 2011, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyoto đưa ra bằng chứng rằng cách sắp xếp bàn phím QWERTY hình thành từ thói quen của những người gõ chữ đầu tiên: những người soạn thảo điện báo, với công nghệ thường ngày là dịch các thông điệp mã Morse ra kí tự thường. Họ có một nghiên cứu đi ngược lại với "truyền thuyết" người ta hay kháo nhau: đặt phím theo kiểu QWERTY sẽ ngăn việc kẹt phím diễn ra, khi người ta gõ nhanh những phím bấm/kí tự thường xuất hiện trong văn bản.
Và khi có chuẩn, ai cũng sẽ theo chuẩn. Trẻ em bắt đầu học sử dụng QWERTY. Ngày nay, việc sử dụng bàn phím, và cụ thể là phím QWERTY đã trở thành kĩ năng không thể thiếu. Tại Mỹ, trẻ mẫu giáo đã bắt đầu được dạy kĩ năng gõ phím cơ bản. Kể cả những nước không sử dụng bảng chữ cái Latin, họ cũng phát triển hệ thống gõ chữ riêng để ứng dụng lên bàn phím QWERTY đã trở thành quy chuẩn.
Nhưng QWERTY thành công không phải vì nó là bàn phím duy nhất trên thị trường.
Trước cả thiết bị Tap xuất hiện, đã nhiều người mong muốn "truất ngôi" QWERTY. Năm 1936, giáo sư August Dvorak tại Đại học Washington đã đăng kí bằng sáng chế Bàn phím Tối thiểu hóa Drovak. Gần thời điểm hiện tại, người ta tạo ra bàn phím Twiddler dùng được với chỉ bằng một tay.
Không thiết bị nào qua mặt được QWERTY.
Thời đại điện thoại di động tới. Cách thức chúng ta soạn thảo văn bản thay đổi: bàn phím T9 xuất hiện, với từng nút số đại diện cho 3 tới 4 ký tự. Để tỏ tình bằng T9 khó lắm, bấm liên tục "26644033399220996" mới ra được câu "anh yeu em" không có dấu. Đến thời bàn phím BlackBerry, ta có một bàn phím với một loạt nút nhỏ, mang phong cách đặt phím QWERTY. Hiện tại, đại đa số người dùng smartphone sử dụng bàn phím ảo, gõ chữ ngay trên màn hình.
Người ta vẫn cố khai tử QWERTY bằng nhiều cách. Họ cố cải thiện nó, thậm chí là cố thay thế luôn QWERTY. Nhà sáng lập thiết bị Tap là Dovid Schick tuyên bố rằng khi các thiết bị càng ngày càng "di động", thiết bị cảm ứng và thiết bị đeo trên người ngày càng thịnh hành, và khi thực tế tăng cường và thực tế ảo lên ngôi (còn ngôi nào không rõ), ta sẽ cần cách nhập liệu mới.
Schick và cùng vợ và cũng là đồng sáng lập Tap, bà Sabrina Kemeny thiết kế Tap với từng gia tốc kế trên đầu ngón tay người dùng, dịch từng chuyển động thành các kí tự, kết hợp các chuyển động thành nhiều kí tự. Họ muốn Tap thay thế bàn phím QWERTY, người ta có thể gõ văn bản bằng một tay và tay còn lại rảnh rang làm việc khác.
Ông Schick mong muốn thiết bị có giá 179 USD (rõ là nhiều hơn một bàn phím QWERTY vật lý tầm trung) sẽ nằm gọn trên tay của bất kì khách hàng nào. Những người khiếm thị có thể dùng được smartphone, máy tính. Những người sử dụng ngôn ngữ khó viết (như tiếng Hàn, tiếng Nga) soạn thảo văn bản dễ dàng hơn. Tap đi kèm công cụ TapMaster, cho phép người dùng tự tinh chỉnh thiết bị Tap. Schick vô cùng lạc quan về tương lai của Tap.
Giáo sư liệu pháp vật lý tại Đại học New York, Keven Weaver đồng tình với nhận định của Schick. Thế nhưng ông không tin những thiết bị phức tạp như Tap có thể khiến người ta vứt bỏ QWERTY. Lý do chính mà Weaver đưa ra: Tap không thể so bì với bàn phím vật lý trong khoản mỗi ngón gõ một nút, cực kì tiện dụng được. Cách thức gõ phím của Tap "không thiết thực". Sau khi ngồi vọc Tap suốt một tuần, đó cũng chính là cảm nhận của tôi.
Tại trụ sở của Logitech, nhà sản xuất bàn phím lớn nhất thế giới, Art O’Gnimh bỏ ra nhiều thời gian để tìm ra cách cải tiến bàn phím QWERTY hợp lý nhất. Logitech bán ra tới 30 triệu bàn phím mỗi năm, đi kèm với con số khổng lồ là nỗi sợ thay đổi, không rõ cư dân mạng tương lai sẽ muốn gõ chữ theo kiểu gì.
O’Gnimh là trưởng ban kinh doanh bàn phím và chuột của Logitech. Không ngạc nhiên khi thấy anh tự tin bàn phím QWERTY sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa, nhưng anh cũng tin rằng khi các phần mềm hỗ trợ gõ chữ ngày một hoàn thiện và thịnh hành, bàn phím sẽ trở nên ít quan trọng hơn.
Nhưng để thay được cái bàn phím vốn đóng một vai trò tối quan trọng trong việc giao tiếp trên không gian mạng, ta phải thay đổi được cả cách giao tiếp. Giao diện mới phải vừa soạn thảo nhanh hơn, vừa thông minh hơn thứ hiện tại ta đang có lại vừa dễ sử dụng, cầm lên là có thể dùng được luôn.
Sử dụng giọng nói để nhập liệu cũng là ý hay! Các thiết bị thông minh đã có thể nhận dạng giọng nói rất tốt, nhưng chắc chắn nó không thể là cách trò chuyện qua không gian mạng của tương lai: việc gõ từng dòng chữ vốn rất bí mật và dễ giấu kín, nói ra hết thì mất tính riêng tư của con chữ.
Nếu như ta không có nổi cách nhập liệu mới? Vẫn có, mỗi tội hơi khó. Có một startup mang tên Neurable mong muốn gõ chữ với chỉ … suy nghĩ. Một thiết bị đeo đầu, kết hợp với bộ kính VR sẽ theo dõi hoạt động não bộ của người đeo. Machine learning sẽ học dần, nhận biết bạn đang muốn gõ chữ gì. Khi đã nhận được một vài chữ cái nhất định, một hệ thống tương tự auto-correct sẽ điền nốt, tạo thành từ hoàn chỉnh cho bạn. Đó là những gì CEO của Neurable, Ramses Alcaide mong muốn.
Neurable hướng tới tốc độ gõ 14 từ/phút, đủ để gửi nhanh một tin nhắn. Có thể là một công cụ nhắn nhanh một cái tin khi đang bận việc này việc kia, hay chỉ đơn giản là bạn lười không muốn động chân động tay thôi. Nhưng điểm trừ lớn nhất vẫn là thiết bị đeo đầu cồng kềnh. Nó không thể hạ bệ được QWERTY.
Có một thiết bị khác nữa được lắp ráp tại CTRL-labs: một vòng đeo tay phát hiện cử động của cơ bắp trong tay. Nó có thể được dùng thay tay cầm chơi game, có khả năng thay thế cái bàn phím. Thuật toán phân tích xem tay bạn đang muốn bấm gì, gõ gì ngay cả khi bạn chuyển động rất ít.
Ông Reardon nói rằng vòng tay của CTRL-labs có thể thích nghi với cách thức soạn thảo văn bản của người dùng, chứ không yêu cầu người dùng phải làm quen với hệ thống. Ông lấy ví dụ ngay với bản thân mình: ngón tay út của ông yếu, nên việc gõ chữ P trên bàn phím QWERTY khá khó khăn. Hệ thống mới đeo trên cổ tay thích nghi với cách gõ của chủ nhân, đem lại trải nghiệm soạn thảo không khác mấy với bàn phím QWERTY. Ít ra là đối với ông Reardon.
Nhưng từng đó là chưa đủ để ông Reardon hay bất kì ai khác có thể thích ứng với thiết bị mới, vứt xó luôn cái bàn phím. Ông Reardon thừa nhận rằng ông vẫn không thể cất chiếc bàn phím IBM Model M từ hồi năm 1980 đi được.
Những thế hệ tiếp theo sẽ không gắn bó với bàn phím QWERTY bằng chúng ta, những con người của thế hệ 8x và 9x. Nhưng giới trẻ vẫn phải dùng bàn phím vật lý, vì chẳng có cách soạn thảo văn bản, cách nhập liệu thay thế nào đánh bại được cái bàn phím. Trong thời đại công nghệ mà cái gì cũng trừu tượng, cảm giác được chạm vào sự vật có thật vẫn luôn được chào đón.
Chắc chắn là thoải mái hơn dùng suy nghĩ để gõ chữ, uốn éo từng ngón tay trên không trung để tạo thành tin nhắn gửi người thương.