Vì sao cho cát vào cháo khi cứu nạn, Hòa Thân không bị chém đầu mà còn được Càn Long trọng thưởng, trăm năm sau người đời ngợi ca?

21/12/2022 16:45 PM | Sống

Nổi tiếng muôn đời là vị quan tham ô giàu có bậc nhất thời đại nhà Thanh, thế nhưng ít ai biết Hòa Thân cũng là người tài giỏi xuất chúng. Nhờ ông mà người nghèo được cứu đói kịp thời, kẻ gian không dám lộng hành.

Đôi nét về Hòa Thân

Ngày 1 tháng 7 năm 1750 (năm Càn Long thứ 15), Hòa Thân ra đời trong một gia đình Phó đô đốc tại Phúc Kiến. Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha. May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.

Sau này, Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.

Vào năm Càn Long thứ 33 (năm 1768), Hòa Thân lấy con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ khi mới 18 tuổi. Năm 1769, ông tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ. Sau đó, Hòa Thân cùng bạn đồng học làm người khênh kiệu cho phủ Đô úy.

Tới năm 22 tuổi, Hòa Thân mới làm đến chức thị vệ. Một năm sau, ông có cơ hội phô diễn tài năng của mình trước mặt Hoàng đế, nên nhanh chóng trở thành cận thần thân tín của nhà vua.

Vì sao cho cát vào cháo khi cứu nạn, Hòa Thân không bị chém đầu mà còn được Càn Long trọng thưởng, trăm năm sau người đời ngợi ca? - Ảnh 2.

Hình ảnh Hòa Thân được miêu tả trong sử sách và trên phim - Ảnh: Sunnews

Năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Hòa Thân được giữ chức Đại thần Quản khố, chuyên lo việc quản lý tiền bạc. Từ đây, ông bắt đầu rèn luyện bản lĩnh quản lý tài chính. Năng khiếu về chuyện tiền bạc của họ Hòa này từng nhiều lần khiến Hoàng đế trầm trồ khen ngợi.

Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng ba năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội Vụ.

Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý "gần vua như gần cọp". Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình. Cũng từ đây, vị quan họ Hòa này dấn thân vào con đường tham ô. Cái "nghiệp" làm tham quan này cũng gắn chặt với ông cho tối tận lúc qua đời.

Đến nay, khi nhắc đến Hòa Thân, chúng ta chắc chắn nghĩ ngay đến hình ảnh một tên tham quan tai to mặt lớn. Nhưng sau khi tìm hiểu sử sách, bạn sẽ phát hiện Hòa Thân cũng không hẳn là một người như vậy. Hòa Thân trong lịch sử, không những không hề xấu xí mà còn vô cùng có học thức, tài hoa uyên bác. Trong một lần cứu trợ thiên tai, Hòa Thân đã nghĩ ra kế trộn lẫn cát vào trong cháo cứu trợ. Ý tưởng này lại được Càn Long vô cùng tán thưởng, trăm năm sau thế nhân vẫn công nhận, chuyện là thế nào?

Mưu kế trộn cát vào cháo tìm ra kẻ gian

Thời Càn Long thường xảy ra nhiều thiên tai, do khoa học kỹ thuật chưa phát triển nên mỗi khi có hạn hán hay lũ lụt,... mùa màng của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lương thực cạn kiệt, người dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Vì sao cho cát vào cháo khi cứu nạn, Hòa Thân không bị chém đầu mà còn được Càn Long trọng thưởng, trăm năm sau người đời ngợi ca? - Ảnh 3.

Hòa Thân lập kế bỏ cát vào cháo cứu trợ để tìm ra kẻ đóng giả người dân nghèo - Ảnh: Sohu

Có một lần ở phương Nam xảy ra thiên tai lớn, nhân dân bần hàn, các quan lại địa phương liên tục dâng tấu chương xin cứu trợ. Càn Long khi ấy đã cử ra nhiều đại thần đến tận địa phương phân phát lương thực nhưng lương thực cứu trợ ngày một ít mà số người đến nhận cứu trợ lại ngày càng nhiều. Chỉ cần là người tinh ý một chút nhìn qua sẽ nhận ra có không ít người giả bộ làm người dân bị nạn đến lấy đồ tiếp tế do triều đình phân phát.

Càn Long hay tin liền cử Hòa Thân đến tận nơi phân phát cháo tại vùng thiên tai. Hòa Thân dù nổi tiếng là một tên tham quan nhưng thực sự có tài. Khi hắn đến nơi, trời nắng nóng như thiêu như đốt, khắp nơi đều tỏa ra hơi thở của sự diệt vong. Thấy vậy, ông lập tức bắt tay vào phân phát chào, nhưng còn bốc nắm cát bỏ vào cháo khiến các quan đại thần đều kinh ngạc không thôi.

Sau đó Hòa Thân đã giải thích với Càn Long, vì nhiều người đến lấy cứu trợ không thực sự là nạn nhân của hạn hán. Nếu để tình trạng này kéo dài, nguồn lương thực ngày càng cạn kiệt, mà nạn nhân thực sự lại không nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ triều đình. Nhưng nếu bỏ cát vào cháo, những kẻ giả danh quen ăn ngon sẽ không thể nuốt được, những người dân thực sự quá đói sẽ không để tâm quá nhiều khi có một chút cát trong cháo.

Càn Long sau khi nghe Hòa Thân giải thích liền cảm thấy rất có lý nên đã trọng thưởng ông. Các đại quan trong triều cũng học theo cách này, tiến hành phân phát cháo cho nhân dân những vùng thiên tai, quả nhiên những kẻ mạo danh đến ít hơn hẳn, những người thực sự khốn khó được giúp đỡ đúng lúc.

Về sau, tại Hà Bắc lại xảy ra hạn hán, những viên quan địa phương bắt đầu sử dụng phương pháp của Hòa Thân, cho cát lẫn vào thức ăn. Không ngờ sự tình quả nhiên chuyển biến tích cực, người dân chết đói ven đường ít đi. Lúc này mọi người mới nhận ra trí tuệ sâu sắc của Hòa Thân. Thậm chí hàng trăm năm sau người đời vẫn tán thưởng, ngợi ca.

Tiếng lành đồn gần, tiếng xấu vang xa. Mặc dù Hòa Thân làm ra không ít chuyện tốt nhưng việc hắn là một tên tham quan vẫn lưu danh muôn thuở.

Được biết, trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được Hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã gom góp được một số tài sản lớn tới mức khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu, gồm có: Những dinh thự, đất đai có tổng cộng 3.000 phòng, 8.000 mẫu (32 km²) đất, 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ, 600 cân nhân sâm Cát Lâm thượng hạng, 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1.000 lạng mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu, 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả nhãn), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn.

Vì sao cho cát vào cháo khi cứu nạn, Hòa Thân không bị chém đầu mà còn được Càn Long trọng thưởng, trăm năm sau người đời ngợi ca? - Ảnh 4.

Nhờ có Hòa Thân, người nghèo nhận được cháo, người chết giữa đường cũng ít đi - Ảnh: Sohu

40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng bạc (10 bộ mỗi bàn), 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng vàng (10 bộ mỗi bàn), 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 chiếc bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 cái giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có cẩn tám loại đá quý khác nhau), 460 cái đồng hồ tốt của châu Âu, 600 tì thiếp trong phủ, còn gia nhân thì không tính hết.

Chưa kể, trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.

Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.

Ba ngày trước khi Hòa Thân qua đời vừa đúng vào dịp tết Nguyên Tiêu, khi ấy, ông đã biết thời gian của mình không còn nhiều. Ngồi trong ngục giam nhìn ra cảnh tượng vui vẻ bên ngoài, Hòa Thân không khỏi cảm khái, liền viết lên tường hai bài "Hối thi" (thơ hối hận).

Dù được miễn án lăng trì, nhưng đại tham quan khét tiếng này vẫn không tránh khỏi tội chết. Tháng 2 năm 1799, Hòa Thân tự sát ở tuổi 49.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM