Vì sao chi phí logistics tại Việt Nam chiếm tới 20% GDP, trong khi các nước phát triển chỉ 7-9%?

20/10/2022 16:22 PM | Kinh doanh

CEO Boxme giải thích: "Điểm mấu chốt ở Việt Nam là sự phân mảnh của các dịch vụ này, tức không có một chuỗi kết nối hoàn chỉnh cho nhà bán hàng và cho các doanh nghiệp.“

Vì sao chi phí logistics tại Việt Nam chiếm tới 20% GDP, trong khi các nước phát triển chỉ 7-9%?

Trong bảng xếp hạng do Tập đoàn logistics toàn cầu Agility thực hiện, Việt Nam đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt 5,5%.

Dẫu vậy, khác với các thị trường phát triển, chi phí logisitics tại Việt Nam còn rất cao, tương đương khoảng 20% GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, con số này chỉ khoảng 7-9% GDP.

Chi phí logistics đã và đang là câu chuyện nhức nhối đối với doanh nghiệp. "Vua tôm" Việt Nam – Lê Văn Quang Lý từng than thở về nghịch lý của ngành khi cùng một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang cảng Hamburg (Đức, PV) hết 41 triệu đồng, sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP.HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, gấp nhiều lần so với vận chuyển quốc tế.

Theo khảo sát của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), chi phí logistics chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí các mặt hàng nông sản. Đối với vải thiều, chi phí logistics chiếm 30-45% tổng chi phí; mít tươi chiếm 17%, phân bón 12-25%; thanh long đông lạnh 10-20%; nước ép trái cây chiếm 20%; quế hồi, gia vị trên dưới 10%; nông sản khác từ 10-45%...

Trong một cuộc họp với nhà đầu tư, Chủ tịch MWG – Nguyễn Đức Tài cũng từng trăn trở về ngành logisitics.

"Logistics ở Việt Nam cực kỳ underdeveloped, cực kỳ kém hiệu quả, rất tệ hại" . Đây là cơ hội rất lớn cho những doanh nghiệp nào ở nước ngoài có sức mạnh về logistics. "Ai có sức mạnh xây dựng một công ty logistics tới nơi tới chốn ở Việt Nam chắc người đó sẽ thắng. Còn Thế Giới Di Động tập trung làm bán lẻ nên không dành thời gian cho lĩnh vực đó", ông Tài nhận định.

Để có góc nhìn sâu sắc hơn, chúng tôi đem những câu chuyện này tới hỏi CEO Boxme – Hán Văn Lợi, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần – logisitics. Ông Lợi cho biết, chi phí logistics bao gồm các khâu từ nhập khẩu, lưu trữ, vận tải sau đó mới đến "last mile "(hoàn thành đơn hàng).

q2-3-16654229243821512046468.png

CEO Boxme giải thích: " Điểm mấu chốt ở Việt Nam là sự phân mảnh của các dịch vụ này, tức không có một chuỗi kết nối hoàn chỉnh cho nhà bán hàng và cho các doanh nghiệp. Ở các nước phát triển, chuỗi này đã được hoàn thiện một cách tuyệt đối. Bạn có thể thuê một đơn vị, họ làm từ A-Z, kể cả từ việc nhập khẩu, lưu trữ đến hoàn tất đơn hàng, phân phối đi toàn quốc. Đó là một chuỗi được kết nối chặt chẽ, nhờ đó mà chi phí được tối ưu trên tổng chuỗi, rẻ hơn so với việc phân mảnh và tối ưu từng khúc một" .

Theo CEO Boxme, tại Việt Nam chưa có những doanh nghiệp logistics đủ lớn để vận hành một chuỗi hoành chỉnh đó, mà đa số là doanh nghiệp nước ngoài mới có đủ tiềm lực, ví dụ như FedEX, DHL,…

Đặc biệt với các ngành hàng đặc thù hơn như thực phẩm tươi sống hay đồ công nghệ cao, thách thức với ngành logistics càng lớn hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của ngành TMĐT.

"Các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã rất mỏng, việc đầu tư kho cho TMĐT thông thường thôi đã mất chi phí rất lớn. Đầu tư kho để phục vụ ngành hàng đặc thù như hàng tươi sống, hàng giá trị cao còn khó và tốn chi phí hơn. Câu chuyện là doanh nghiệp nào đủ tiềm lực đề xây những kho như vậy. Các doanh nghiệp nước ngoài cố vốn đầu tư lớn nhưng khả năng thay đổi để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam lại rất thấp ", CEO Boxme giải thích thêm.

Trong hội thảo về logistics vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - Lê Huy Hiệp cho rằng sự thiếu chuyên nghiệp, mức độ tự động hóa còn thấp, năng suất thực hiện dịch vụ còn thấp cũng là những điểm yếu của các doanh nghiệp logistics trong nước. Còn Phó chủ tịch thường trực VLA - Đào Trọng Khoa đề xuất, để hỗ trợ lĩnh vực quan trọng này của nền kinh tế, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục phát triển chương trình hành động quốc gia về logistics trong giai đoạn mới.

Hoàng Thuỳ

Từ khóa:  boxme , logistics
Cùng chuyên mục
XEM