Vì sao CEO Thế giới di động tự tin nói: Người ta có thể lấy đi phó TGĐ của FPT nhưng sale manager của tôi thì không?

06/06/2016 14:15 PM | Kinh doanh

“Nhân tài như lá mùa thu” – câu ví von vẫn còn nguyên giá trị của Nguyễn Trãi từng xuất hiện trong "Bình Ngô đại cáo" cho thấy, nhân tài dù ở thời đại nào cũng thật hiếm hoi. Lấy nhân sự cốt lõi của công ty khác về để phát triển doanh nghiệp của mình là cách nhiều công ty vẫn thường làm.

Chính vì vậy, cuộc chiến nhân sự giữa các doanh nghiệp luôn rất căng thẳng. Không chỉ tìm kiếm, bồi đắp tài năng, việc giữ chân nhân tài ngày nay cũng hết sức khó khăn.

Vậy mà mới đây, CEO Thế Giới Di Động đã tự tin khẳng định đội ngũ của doanh nghiệp này là những người khó “câu kéo nhất thị trường”. Thậm chí so sánh với một đối thủ cùng ngành, CEO ông Nguyễn Đức Tài tự tin nói: "Người ta có thể lấy phó Tổng giám đốc của FPT đi nhưng sale manager của Thế giới di động thì không".

Ông Tài còn cho biết thêm, chẳng những khó bị người ngoài âm thầm câu kéo, mà chính những nhân viên này thường tố ngược lại các công ty đang có ý định tuyển dụng tay trong, người làm bán thời gian từ Thế Giới Di Động với chính lãnh đạo của doanh nghiệp.

Người đứng đầu Thế giới di động lấy đâu ra sự tự tin này? Câu trả lời đến từ chính sách xuất phát từ con người. Dưới đây là những lý do được ông Nguyễn Đức Tài đưa ra:

1. Thu nhập cao

CEO Nguyễn Đức Tài từng phân tích rằng, bất cứ ai đi làm cũng vì hai điều: một là thu nhập, hai là đam mê. “Nếu không có thu nhập thì chẳng khác nào một người ăn chay làm việc… Nhưng thực tế thì phải có thực thì mới vực được đạo”.

Chính sách về lương thưởng của Thế giới di động phản ánh khá đúng câu nói của ông Tài, với mức trả lương trung bình gần 12 triệu đồng/tháng trong quý I/2016. Với chính sách này, theo CEO Nguyễn Đức Tài, tạo nên động lực cho nhân viên Thế Giới Di Động, khiến họ làm việc “còn ngon lành hơn cả làm việc cho bố mẹ”.

Thế giới Di động quan điểm rằng, nếu tạo ra thu nhập tốt cho người lao động và một môi trường đủ hấp dẫn, người lao động sẽ coi công ty như nhà, có động lực để khẳng định bản thân, dù doanh nghiệp có lúc gặp khó khăn. Thực tế, đội ngũ của CEO Nguyễn Đức Tài có thể làm việc tới 11h đêm, dù không ai yêu cầu việc đó.

2. Bằng cấp? Học hết cấp 3 là đủ

Thay vì tuyển người có bằng cấp, trình độ giỏi vào đội ngũ, Thế Giới Di Động sẵn sàng tạo cơ hội cho bất cứ ai tham gia vào đội ngũ quản lý của mình, kể cả những người mới học hết cấp 3. CEO Nguyễn Đức Tài gọi họ là những người bình thường, nhưng có thái độ tốt với khách hàng, làm việc có nhiệt huyết và kỷ luật cao.

Để giúp nhân viên đạt được thành công, doanh nghiệp này sẽ thiết lập nên một hệ thống để những người bình thường có thể làm được những điều phi thường, như "đưa doanh thu của một cửa hàng Thế Giới Di Động cao gấp rưỡi so với đối thủ ở bên kia đường". Theo nhà sáng lập Thế giới Di Động, văn hóa của công ty này là thiết lập những “vũ khí tốt” và việc của nhân viên chỉ là trở thành những “chiến binh cầm vũ khí đó lên để chiến đấu ngon lành”.

3. Lợi ích của nhân viên cao hơn của ông chủ, chỉ xếp sau khách hàng

Trong mô hình kim tự tháp ngược về những mối ưu tiên của Thế Giới Di Động, công ty không ngần ngại đưa nhân viên ở vị trí thứ hai, chỉ sau khách hàng và cao hơn cả cổ đông – những ông chủ thực sự của doanh nghiệp, hay đối tác, bạn hàng. Theo đó, nếu có mâu thuẫn lợi ích giữa nhân viên và các cổ đông, hay đối tác, nhà cung cấp, Thế Giới Di Động sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho nhân viên, như cách họ giữ chính sách ESOP cao dù từng gây tranh cãi với cổ đông.

ESOP được CEO Thế Giới Di Động sử dụng như một nguồn lực hiệu quả để thúc đẩy nhân viên phát triển, cũng như giữ chân người giỏi ở lại với công ty. Thậm chí, việc có hay không có ESOP được coi là một chỉ dấu cho những nhà đầu tư, bởi nếu một ngày nào đó không còn ESOP, ông Nguyễn Đức Tài khuyên các cổ đông nên bán luôn cổ phiếu của Thế Giới Di Động.

H.Minh

Cùng chuyên mục
XEM