Vì sao các môn nghệ thuật lại được học sinh cá biệt tại Mỹ hào hứng đón nhận?
Ý thức kỷ luật, kết quả học tập và mức độ hào hứng của học sinh tăng sau khi các trường đưa nghệ thuật vào chương trình đào tạo.
Chương trình giảng dạy nghệ thuật Turnaround Arts ra đời nhằm cải thiện hình ảnh của những trường có thành tích học tập tệ nhất ở Mỹ, nơi có tỷ lệ học sinh cá biệt cao hơn nhiều so với mức trung bình, bằng cách bổ sung âm nhạc và các môn nghệ thuật vào chương trình học thông thường.
Michelle Obama, phu nhân của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, là người khởi xướng chương trình Turnaroud Arts. Chính phủ liên bang tài trợ một phần tiền cho chương trình. Đối với những học sinh trong các trường tham gia Turnaround Arts, chương trình giúp chúng tránh xa những tệ nạn trong thành phố.
Chương trình Turnaroud Arts do phu nhân cựu tổng thống mỹ Michelle Obama khởi xướng
Trường Tiểu học Florence Griffith Joyner ở thành phố Los Angeles, bang California là một trong những trường đưa Turnaround Arts vào chương trình đào tạo. Trước đây trường thuộc nhóm 5% trường có thành tích thấp nhất trong bang. Khá nhiều học sinh của trường sống ở quận Watts, khu vực khét tiếng với tình trạng bạo lực của các băng đảng. Akida Kissane Long, hiệu trưởng của trường, nói Watts là khu vực đáng sợ đối với học sinh.
"Số vụ tội phạm lớn, tỷ lệ người nghèo cao, những gia đình nhiều thế hệ sống trong các khu nhà của chính quyền là các yếu tố khiến bạo lực dễ bùng phát ở Watts. Bạo lực liên quan đến súng cũng khá trầm trọng. Người dân thường xuyên thấy trực thăng cảnh sát xuất hiện ở Watts để truy bắt tội phạm. Cuộc sống nghèo khổ ở Watts gây tổn thương tâm lý cho trẻ em. Vì thế, nhiều học sinh ở đó tới trường với các triệu chứng trầm cảm”, bà Long kể.
Hiệu trưởng Long kể rằng, khi bà bắt đầu làm việc tại trường cách đây 5 năm, tình trạng không nghe lời, đánh lộn, phá hoại tài sản của trường diễn ra khá phổ biến. Tình trạng ấy khiến trường phải đình chỉ học tập đối với 267 học sinh cá biệt.
Dạy những thứ học sinh thích
Thế nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ khi Trường Florence Griffith Joyner, một trong 68 trường ở Mỹ tham gia chương trình Turnaround Arts. Các giáo viên được tham gia khóa đào tạo đặc biệt và phải tìm mọi cách để đưa âm nhạc, các môn nghệ thuật vào lớp. Trường cũng thực hiện việc hợp tác với các nhạc sĩ, diễn viên để họ tương tác với học sinh. Những nhân vật trong ngành giải trí như Yo-Yo Ma, Sarah Jessica Parker, Elton John và Cameron Diaz cũng đồng ý tham gia chương trình.
"Lũ trẻ phấn khích vì chúng không phải nghe những câu như: Lên bảng. Giải toán. Lật trang vở. Đọc bài văn. Thay vào đó, chúng diễn kịch, đóng giả các nghệ sĩ và những nhân vật lịch sử. Chúng có cơ hội diễn xuất những sự kiện đặc biệt, như quá trình một con sâu trở thành bướm”, Long nói. Kayla Driakare, một học sinh, khẳng định mọi đứa trẻ trong trường đều thích Turnaroud Arts. "Cháu thích diễn xuất, hát và nhảy”, đứa trẻ 10 tuổi thổ lộ.
Thấy kết quả trong thời gian ngắn
Dù chỉ mới áp dụng Turnaroud Arts trong một năm, Long nói rằng các giáo viên đã thu được kết quả tích cực.
"Năm nay chúng tôi chỉ phải đình chỉ một học sinh. Đó là điều đáng ngạc nhiên. Chúng tôi thường xuyên gọi điện thoại tới các phụ huynh, mời họ tham dự đêm nghệ thuật gia đình. Đây là cách để phụ huynh biết những thứ con họ đang tiếp thu. Vì thế, mức độ gắn kết giữa trường với phụ huynh tăng lên rõ rệt”, Long nói.
Trên khắp nước Mỹ, những trường tham gia Turnaround Arts khẳng định tình trạng vi phạm kỷ luật của học sinh giảm, còn ý thức học và kết quả thi lại tăng.
"Nghệ thuật phù hợp với tất cả mọi người. Nó giúp giáo trình của chúng tôi trở nên phong phú, thú vị hơn và truyền cảm hứng cho học sinh”, Long nhận xét.
Mỗi trường sẽ được hỗ trợ thử nghiệm Turnaround Arts trong 3 năm. Sau khoảng thời gian ấy, bà Long muốn giới chức giáo dục thành phố Los Angeles đưa Trường Tiểu học Florence Griffith Joyner thành trường điểm của những môn nghệ thuật thị giác và biểu diễn. Đó là cách để trường tiếp tục nhận hỗ trợ của chính phủ cho chương trình giảng dạy nghệ thuật.
1. Cải thiện kỹ năng vận động
Nhiều môn nghệ thuật đòi hỏi trẻ thực hiện những động tác khẻo léo, như cầm cọ vẽ, nhào nặn đất sét. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, khi trẻ lên 3 tuổi, phụ huynh nên dạy chúng vài kỹ năng khó, như vẽ vòng tròn hay sử dụng kéo an toàn.
Trẻ 4 tuổi phải biết vẽ hình vuông và cắt giấy theo đường thẳng. Nhiều trường mẫu giáo coi trong việc sử dụng kéo, bởi chúng giúp trẻ phát triển sự léo của bàn tay để có thể viết chữ đẹp.
2. Phát triển ngôn ngữ
Khi học các môn nghệ thuật, trẻ có cơ hội biết nhiều từ vựng về màu sắc, hình dáng, động tác. Khi trẻ 1 tuổi, phụ huynh có thể thực hiện những động tác đơn giản như vo tròn tờ giấy rồi đọc to từ "quả bóng".
3. Ra quyết định hiệu quả
Một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Americans for Arts cho thấy các môn nghệ thuật giúp trẻ tăng kỹ năng giải quyết tình huống và tư duy phản biện. "Khi trẻ có cơ hội khám phá, tư duy, thử nghiệm ý tưởng mới, khả năng sáng tạo của chúng sẽ phát triển rất mạnh", báo cáo khẳng định.
4. Tăng kỹ năng cảm nhận không gian
Những động tác như vẽ hình, đắp tượng giúp trẻ phát triển kỹ năng cảm nhận không gian. Việc trẻ dưới 1 tuổi có thể thao tác điện thoại di động, máy tính bảng cho thấy, trước khi biết đọc, con người đã có thể xử lý thông tin hình ảnh - gồm những thông tin con người tiếp nhận từ ảnh, video.
5. Kích thích ham muốn phát minh
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ thể hiện bản thân và chấp nhận mạo hiểm thông qua các môn nghệ thuật để chúng hình thành ham muốn phát minh - một kỹ năng rất quan trọng khi chúng trưởng thành.
6. Giúp trẻ học tập hiệu quả hơn
Một nghiên cứu của tổ chức Americans for Arts chứng minh những trẻ học nghệ thuật thường xuyên 3 giờ mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần trong tối thiểu 1 năm có cơ hội tăng kết quả học tập gấp 4 lần so với những trẻ khác.