Vì sao bạn thông minh nhưng vẫn không giàu được như con nhà người ta?

23/01/2019 20:01 PM | Xã hội

Khoa học không có một câu trả lời dứt khoát, mặc dù sự may mắn đóng một vai trò không nhỏ. Nhưng một yếu tố chủ chốt khác chính là tính cách.

Trí thông minh thiên bẩm sẽ ảnh hưởng thế nào đối với thành công của một đứa trẻ trong tương lai? Theo nhà kinh tế học James Heckman, câu trả lời sẽ không như họ nghĩ.

Câu hỏi ông đặt ra là, sự chênh lệch về thu nhập của người ta liệu có liên quan nhiều đến IQ (chỉ số thông minh) hay không? Và nếu có thì bao nhiêu phần trăm? Hầu hết chúng ta đều đoán là 25%, thậm chí 50%. Nhưng các dữ liệu cho thấy con số đó chỉ là 1 hoặc 2%.

Vậy ta có thể đặt tiếp câu hỏi: Nếu thông minh, tại sao bạn vẫn không giàu được?

Khoa học không có một câu trả lời dứt khoát, mặc dù sự may mắn đóng một vai trò không nhỏ. Nhưng một yếu tố chủ chốt khác chính là tính cách. Heckman nhận thấy thành công về tiền bạc có liên quan đến sự ngay thẳng, một nét tính cách được thể hiện bằng những đặc điểm như chu đáo, kiên nhẫn và tự giác.

Để có được kết luận đó, ông cùng các đồng sự đã xem xét 4 bộ dữ liệu khác nhau gồm chỉ số IQ, kết quả các bài kiểm tra tiêu chuẩn, điểm số khi còn đi học và các bài kiểm tra tính cách thu lượm từ hàng ngàn người ở Anh, Mỹ và Hà Lan.

Kết quả cho thấy điểm số và kết quả các bài kiểm tra tiêu chuẩn có khả năng dự đoán chính xác hơn về thành công của một người so với chỉ số IQ. Nhưng không phải chúng cùng đo lường một thứ hay sao? Thực ra không hẳn. Điểm số khi đi học phản ánh không chỉ trí thông minh mà còn cả các kỹ năng phi nhận thức như sự kiên trì, thói quen học tập tốt và khả năng cộng tác, nói cách khác là sự ngay thẳng. Nghĩa là tính cách đóng vai trò khá quan trọng.

Vì sao bạn thông minh nhưng vẫn không giàu được như con nhà người ta? - Ảnh 1.

Heckman, người nhận giải Nobel Kinh tế năm 2000, tin rằng thành công không chỉ phụ thuộc vào khả năng bẩm sinh mà còn phụ thuộc vào các kỹ năng học được. Nghiên cứu của ông cho thấy những tác động khi còn nhỏ đối với một người có thể có hiệu ứng rất lớn, và sự ngay thẳng dễ được rèn luyện hơn IQ. Sự cởi mở – một nét tính cách khá rộng bao gồm cả sự tò mò – cũng có liên quan đến kết quả các bài kiểm tra và điểm số khi đi học.

Tất nhiên chỉ số IQ vẫn có vai trò của mình. Một người có IQ 70 không thể làm những việc được coi là dễ dàng đối với người có IQ 190. Nhưng Heckman nói nhiều người không thể tìm được việc vì họ thiếu các kỹ năng không được đo lường trong các bài kiểm tra trí thông minh. Họ không hiểu làm thế nào để gây ấn tượng trong các buổi phỏng vấn. Họ có thể hay đi muộn hoặc ăn mặc luộm thuộm, v.v.

Vậy nghiên cứu này liên quan gì đến kinh tế học?

"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là làm cho mọi người trở nên tốt hơn", Heckman nói, và một yếu tố chủ chốt quyết định điều này chính là các kỹ năng.

Một nghiên cứu khác cũng tập trung vào mặt trái của thành công: sự gian khổ. Sau khi theo dõi khoảng 1000 người New Zealand trong hơn 30 năm, các nhà nghiên cứu kết luận rằng các bài kiểm tra ngôn ngữ, kỹ năng thể hiện bản thân và khả năng nhận thức được đưa ra cho trẻ khi mới 3 tuổi có thể dự đoán ai chắc chắn sẽ không chịu làm việc, phạm tội hoặc thường xuyên ốm đau bệnh tật.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà tâm lý học Terrie Moffitt, nói rằng bà hy vọng kết quả này sẽ khuyến khích có thêm sự đồng cảm và trợ giúp, chứ không phải kỳ thị. Kết quả này cũng cho thấy giúp đỡ người khác cải thiện một số kỹ năng trước khi họ bước vào đời sẽ tốt cho tất cả mọi người.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM