Vì sao Apple vẫn im hơi lặng tiếng về mặt nạ của BKAV?

29/11/2017 09:19 AM | Công nghệ

Nếu sẵn sàng tranh cãi đến cùng, Apple hoàn toàn có thể chỉ ra rất nhiều điểm thiếu sót trong các tuyên bố của BKAV. Nhưng sự thật là Apple không có lý do gì để phải làm như vậy cả.

Chỉ một tuần sau tuyên bố dùng mặt nạ để đánh bại Face ID, BKAV đã tiếp tục tiến thêm một bước: sử dụng một mặt nạ mới để qua mặt công nghệ nhận diện khuôn mặt trên iPhone X. Nếu những tuyên bố đầy tranh cãi của BKAV như có thể dùng Xperia XZ1 Premium tạo mặt nạ hoặc Nhận diện khuôn mặt kém hơn cả nhận diện mống mắt là đúng sự thật, bộ phận bảo mật của Apple lúc này chắc chắn đang sốt sắng. Apple chắc chắn đã phải lên tiếng trấn an hàng triệu tín đồ của mình.

Thế nhưng, khi nửa tháng đã trôi qua và Apple vẫn im tiếng, người hâm mộ buộc lòng phải đặt câu hỏi: tại sao? Và đây là các phỏng đoán của chúng tôi về câu trả lời Apple có lẽ sẽ không bao giờ đưa ra.

1. Muốn nhận đúng/sai, sẽ phải đôi co

Apple chưa bao giờ tuyên bố iPhone X không hack được bằng mặt nạ. Nhưng để phân định đúng sai rạch ròi, Apple sẽ phải tiến hành "đôi coi" với một công ty vốn đã không công bố đầy đủ thông tin.

Thực tế, mỗi năm Apple đều sẽ phải nhiều lần lên tiếng phản hồi về các sự cố xảy ra trên sản phẩm Táo: lỗi âm thanh iPhone 8, lỗi pin MacBook hay tính năng Press to Home là một vài ví dụ đáng nhớ trong năm vừa qua. Thế nhưng, cần phải thấy rõ ràng rằng các sự kiện này đều tập trung vào các LỖI rõ ràng thuộc về khâu gia công của Táo.

Trái ngược lại, sự kiện BKAV qua mặt Face ID vẫn còn quá nhiều điều không rõ ràng . BKAV chưa từng nói đến tính thực tế của bài qua mặt: liệu tạo ra mặt nạ trong vòng 5 lần thử/48 giờ trước khi Face ID bị ngưng kích hoạt có là khả thi? Trong buổi họp báo, BKAV cũng không hề đưa ra các lý giải chắc chắn và chi tiết về cách gia công, chi phí cụ thể cho toàn bộ chu trình, về các thiết bị cần có. Điều rõ ràng duy nhất là BKAV đã tung ra một loạt các tuyên bố mà chắc chắn bất cứ một ai quan tâm đến công nghệ đều phải chú ý (nhưng chưa chắc đã hiểu rõ) về Xperia XZ1, về Iris Scanner của Galaxy S8 hay về khái niệm “nhận diện khuôn mặt” chung chung.

Nếu đi sâu làm rõ, chưa chắc phần “đúng” đã thuộc về BKAV. Nhưng rõ ràng nếu đi sâu làm rõ, Apple sẽ rơi vào một cuộc chiến truyển thông theo kiểu "lời qua tiếng lại" với BKAV, đặc biệt là khi đối thủ của Táo đang "mập mờ" rất nhiều thông tin. Điều này không thực sự đúng với phong cách Apple: nói ít, và chỉ nói khi đang rõ ràng là kẻ có lỗi.

2. Apple không bao giờ thừa nhận đối thủ

Hãy nhớ Apple chưa bao giờ phản pháo lại các chiêu công kích của bất kỳ một "đối thủ" nào.

Lời qua tiếng lại với BKAV cũng sẽ vi phạm một nguyên tắc khác của Apple: không thừa nhận sự tồn tại của đối thủ. Apple đã im hơi lặng tiếng trước sự cố của Note7, chưa từng một lần nói đến vấn đề bootloop của LG, cũng chưa bao giờ thèm đá đểu đểu đến vấn đề chất lượng của Surface. Apple đôi khi đá đểu đến các đối thủ, nhưng theo đúng hệ tư tưởng của Tim Cook, không việc gì phải hạ cấp so sánh với sản phẩm cạnh tranh cả.

Dĩ nhiên, trong con mắt của Apple, BPhone cũng... chẳng tồn tại. Bất cứ ai cũng có thể thấy rằng BKAV đang khéo léo lồng hình ảnh của BPhone vào tất cả các nội dung liên quan đến sự kiện qua mặt Face ID. Các phương pháp bảo mật trên BPhone được BKAV khẳng định là an toàn hơn Face ID. Nếu Apple lên tiếng, Apple sẽ thừa nhận một đối thủ không ai biết đến và đưa lên bản đồ thế giới.

Apple không hề trao “vinh dự” đó cho Samsung, ngay cả tình huống thuận lợi nhất (sự cố Note7). Apple cũng chẳng bao giờ kể tên các hacker đã hack được iOS, đã "phá" được Touch ID, đã giúp FBI hack được vào điện thoại của khủng bố. Tại sao Apple lại cần biến BKAV thành ngoại lệ?

3. Hãy nhìn thẳng vào thực tế: Mấy ai hiểu và CẦN bảo mật?

Touch ID bị hack ngay trong tháng 9/2013. Điều đó có làm doanh số iPhone bị ảnh hưởng trong 4 năm qua?

Bảo mật trên smartphone không phải là chuyện đơn giản. Tất cả các công ty từng hứa tạo ra smartphone Android "không thể hack được" sớm muộn đều... bị hack. Google Play đến giờ vẫn chưa an toàn – hay nói chính xác hơn là vẫn đang để lọt nhiều ứng dụng mã độc hơn Apple. Trên bất kỳ chiếc smartphone Android nào, tùy chọn sideload APK đều cho phép bất cứ ai có thể mở đường cho mã độc tiến công thông qua phần mềm vi phạm bản quyền.

Thế nhưng, vấn đề bảo mật trầm trọng nhất không hề nằm ở các nhà sản xuất. Hãy để ý đến các cuộc tranh cãi trên mạng về vấn đề bảo mật và bạn sẽ thấy các quan điểm dạng “tôi chả có thông tin gì sợ mất” thường xuyên xuất hiện. Với mỗi lỗ hổng được báo giới tung hô là “thảm họa”, người tiêu dùng nói chung tỏ ra thờ ơ. Thậm chí, họ cũng thiếu đi các hiểu biết căn bản về bảo mật: mã độc thường bị gọi chung thành“virus”, hoặc tấn công phishing (lừa đảo) lại bị quy kết thành mã độc.

Bảo mật chưa bao giờ là yếu tố được đặt lên trên cấu hình, tính năng hay sự tiện dụng cả.

Touch ID cũng đã từng bị hack. Bạn có nhớ tên hacker đã qua mặt được Touch ID không? Nếu câu trả lời là "có", Apple có lẽ đã không thể liên tiếp đạp đổ các mốc 700 tỷ USD, 800 tỷ USD và 900 tỷ USD nhờ vào doanh số quá khủng khiếp của iPhone.

Điều này áp dụng với tất hãy tìm các tín đồ smartphone. Hãy gặp bất cứ người dùng Galaxy nào và đặt với họ câu hỏi: liệu họ có đặt Knox lên trên camera, màn hình AMOLED 4K, chip Exynos/Snapdragon, trải nghiệm Samsung Experience, bút S Pen? Bạn chắc hẳn vẫn nhớ, sự kiện một nhóm hacker Đức qua mặt Iris Scanner đã không thể khiến doanh số Galaxy S8 hay Note8 bị ảnh hưởng. 2 chiếc smartphone này thậm chí còn lập kỷ lục cho Samsung .

Hack Iris Scanner đã mở ra một vấn đề... vô nghĩa với Samfan. Với iFan, hack Face ID cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi.

4. Nhìn về tương lai: Không chỉ là Face ID

So sánh về tính bảo mật của Face ID và Touch ID sẽ là cả một cuộc tranh luận dài kỳ mà Apple không muốn tham gia. Nhưng camera TrueDepth không chỉ dùng cho bảo mật.

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, chỉ riêng hành động mở khóa điện thoại của người dùng sẽ không giúp mang lại giá trị gì cho Apple. Muốn tăng doanh thu từ iPhone/iOS/iPad, Apple cần phải tìm cách tạo ra các nền tảng phần mềm tốt hơn. Face ID, Animoji v...v... chỉ là các phương pháp ứng dụng ban đầu từ công nghệ nhận diện bề mặt 3D và công nghệ neural network trên smartphone. Apple cần phải đẩy mạnh các công nghệ này, kể cả khi phải chấp nhận hy sinh Touch ID.

Thực tế, Apple đã loại bỏ hoàn toàn Touch ID. Bên cạnh Face ID, Apple thậm chí còn tinh chỉnh lại toàn bộ trải nghiệm iOS để người dùng có thể “quên” luôn nút Home (và cảm biến vân tay).

Khi xây dựng tương lai của cả một nền tảng, liệu Apple có cần dành công sức đào sâu tranh cãi về một vấn đề chẳng mấy ai quan tâm? Rõ ràng là không. Bởi thế, Apple hiện giờ vẫn im hơi lặng tiếng trước sự kiện qua mặt của BKAV.

Theo Liam

Cùng chuyên mục
XEM