Vì sao Apple sẽ mất ít nhất 10 năm nếu muốn chuyển sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc?
Hoạt động sản xuất iPhone rất phức tạp, phần lớn được làm bằng tay và cần phải được làm trong hệ sinh thái của các bên cung cấp linh kiện, vận tải và nhân lực được xây dựng trong nhiều năm.
Giới chuyên gia ngành khẳng định rằng có thể việc chuyển dây chuyền sản xuất phức hợp của Apple ra khỏi Trung Quốc nhằm né tránh tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc vốn đã giảm sâu khi mà người tiêu dùng Trung Quốc phản ứng với các biện pháp thuế quan chặt chẽ hơn mà Mỹ áp với hàng Trung Quốc.
CEO của Pegatron - một nhà cung cấp cho Apple, ông S.J. Liao, gần đây có nói: “Các nhà cung cấp sẽ không thể chuyển khỏi Trung Quốc chỉ trong vòng 1 đêm. Sẽ mất ít nhất 10 năm và việc chuyển sản xuất vẫn chưa thể xong được”.
Khó khăn nằm ở chỗ hoạt động sản xuất iPhone rất phức tạp, phần lớn được làm bằng tay và cần phải được làm trong hệ sinh thái của các bên cung cấp linh kiện, vận tải và nhân lực đã được xây dựng để phục vụ cho các điểm sản xuất của Apple.
Ngoài ra, phải kể đến chính sách hỗ trợ khá thông thoáng của chính phủ Trung Quốc dành cho những công ty hiện đang làm nhà cung cấp cho Apple, chính sách này đã giúp cho chi phí của các nhà cung cấp duy trì ở mức thấp và lợi nhuận cao.
Năm 2016, báo New York Times có tiến hành một cuộc điều tra, sau đó nhà báo đã chỉ ra nhiều đặc quyền mà chính quyền thành phố Trịnh Châu đã dành cho Foxconn vào năm 2010 khi công ty này mở nhà máy lắp ráp iPhone.
Nhà máy này hiện đang sản xuất khoảng một nửa trong tổng số iPhone của thế giới. Chính sách hỗ trợ của chính quyền tỉnh dành cho nhà máy có thể kể đến hỗ trợ nhà ở cho người lao động, năng lượng rẻ và giảm chi phí nhân công cũng như giãn thuế.
Giám đốc tài chính của Pegatron Charles Lin cho biết cho đến nay công ty ông chưa thể tìm được một đất nước nào có thể hoàn toàn thay thế được Trung Quốc dù họ đã rất cố gắng đa dạng ngành sản xuất.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc nắm chính ở việc Apple yêu cầu tiêu chuẩn rất cao với chuỗi cung ứng đầy cạnh tranh mà sẽ mất nhiều năm để có thể xây dựng được. Giáo sư chuyên nghiên cứu về quản lý tại Harvard Business School, ông Willy Shih, nhận xét: “Apple là một khách hàng cực kỳ khó tính. Nhiều nhà cung cấp chật vật với việc cố gắng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Apple, nhiều nhà cung cấp mất tiền mà vẫn không được chọn vào quy trình. Để có thể trở thành nhà cung cấp cho Apple, nhiều công ty đã phải cố gắng phát triển thêm nhiều mảng mới”.
Thế nhưng năng lực có được trong quá trình phát triển, khởi đầu bởi sự khó tính của Apple và sau đó càng ngày càng đi xa hơn nữa khi doanh số iPhone tăng trưởng tốt, đã không chỉ dành riêng cho Apple.
Họ cũng khiến cho các công ty công nghệ của Trung Quốc tăng trưởng nhanh và hình thành nên đối thủ đáng gớm nhất của Apple: Huawei.
Năm 2012, Huawei nắm khoảng 4% thị phần thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Đến năm ngoái, tỷ lệ này tăng lên 14,7%, cùng thời gian đó, thị phần của Apple giảm từ 25,1% xuống 14,9%.
Nếu không có hệ sinh thái bao gồm các nhà cung cấp linh kiện, công ty vận tải và nhiều thỏa thuận về thuế quan đã giúp cho các nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc phát triển, Huawei nhiều khả năng đã chật vật để có được sự tăng trưởng như vậy nếu không có chuỗi cung ứng của Apple, theo khẳng định của các chuyên gia ngành.
Nghiên cứu của Nikkei cho thấy rằng Mỹ hiện đang vẫn nắm kiểm soát nhiều sản phẩm bán dẫn và nguyên liệu quan trọng nhất được sử dụng trong thiết bị của Apple. Thế nhưng nhà máy của Trung Quốc cung cấp nhiều linh kiện khác, ví như màn hình, linh kiện âm thanh và pin. Trong những sản phẩm này, các công ty Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp doanh nghiệp toàn cầu.