Vì sao Apple quyết định tự sản xuất vi xử lý đồ họa?
Apple quyết định ngừng hợp tác với Imagination Technologies và sẽ tự phát triển vi xử lý đồ họa của riêng mình. Tuy nhiên, liệu ông lớn này có thể thành công mà không vướng phải các vấn đề pháp lý ?
Nhằm đảm bảo chất lượng cũng như có thể giám sát các sản phẩm của mình một cách tốt hơn, Apple đã quyết định ngừng hợp tác với Imagination Technologiess (IT) trong khoảng thời gian từ 15 đến 24 tháng tới. Thay vì sử dụng các công nghệ của IT, Apple sẽ tự phát triển vi xử lý đồ họa của riêng mình.
Về phía IT, việc đánh mất một khách hàng lớn như Apple khiến giá cổ phiếu của hãng tụt dốc không phanh. Đây không phải là một quyết định tức thời hay là một bước đột phá được Apple tìm ra nhằm nâng cấp các sản phẩm của mình. Thật ra, đây là một bước đi được định đoạt từ trước, một bước đi Apple phải thực hiện để củng cố sự thống trị về công nghệ của mình trên toàn cầu.
Đồ họa chính là tương lai của công nghệ và tầm quan trọng của nó đang phát triển hơn bao giờ hết. Chính vì ứng dụng vô cùng hiệu quả của vi xử lý đồ họa (GPU), tất cả các hãng công nghệ trên thế giới đều có mong muốn đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Từ các phương pháp phân tích dữ liệu, công nghệ tương tác thực tế và thực tế ảo cho đến khả năng xử lý các tựa game có đồ họa cao đều phụ thuộc hoàn toàn vào hiệu năng của GPU. Điều này dựa trên cách mà vi xử lý đồ họa hoạt động. Thay vì xử lý các tác vụ theo thứ tự như CPU, GPU xử lý chúng đồng thời cùng một lúc, rút ngắn thời gian hoạt động và nâng cao số lượng dữ liệu có thể phân tích.
"Vi xử lý đồ họa đang có tầm quan trọng rất lớn. Với thuật toán phù hợp, hiệu năng trên số lượng điện năng tiêu thụ (nhân tố quan trọng trong việc đánh giá độ hiệu quả của một thiết bị) của GPU có thể cao gấp 10 lần CPU khi các thiết bị này nghiên cứu và xây dựng kĩ thuật cho phép các hệ thống "học" tự động từ các dữ liệu." - Patrick Moorhead, chủ sáng lập của Moor Insights & Strategy cho biết.
Trong lĩnh vực này, Apple đang nắm thế yếu ngay cả khi các sản phẩm của hãng phụ thuộc khá nhiều vào chúng. Đây chính là công nghệ cho phép Siri có thể dự đoán các ứng dụng bạn cần hay khả năng đánh giá nhu cầu của người dùng trên iPhone. Tuy nhiên, Siri lại bị Alexa, trợ lý ảo được Google phát triển, vượt mặt một cách dễ dàng.
Dường như Apple chưa đặt mối quan tâm của hãng vào công nghệ tương tác thực tế và thực tế ảo, cho dù chính Tim Cook nói rằng lĩnh vực này sẽ có ảnh hưởng lớn như những gì smartphone đem lại. Ngoài ra, Apple TV cũng không đạt được thành công lớn trong một thị trường khó tính, vốn được làm chủ bởi các thiết bị console như PS4, Xbox,...
Nhìn chung, vi xử lý đồ họa có tầm quan trọng rất lớn, lớn đến mức Apple phải tự tay thiết kế vi xử lý của riêng mình. Dựa trên vị trí và khả năng hoạt động của các sản phẩm trên, Apple còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết để có thể bắt kịp với xu hướng của thị trường.
Không thể phủ nhận kinh nghiệm sản xuất vi xử lý của Apple khi hãng gặt hái được vô số thành công với dòng vi xử lý A được sử dụng trên iPhone hay dòng vi xử lý S trang bị trên Apple Watch. Quyết định tự phát triển GPU của Apple cũng hoàn toàn hợp lý khi hiệu năng của các vi xử lý Apple cho ra mắt mỗi năm đều tăng khoảng 25%, một con số đáng kinh ngạc.
Các lợi thế điều này mang lại bao gồm khả năng tùy chỉnh để có thể hoạt động tốt nhất với các thiết bị của Apple và loại bỏ rủi ro không đáng có tới từ bên thứ ba. Câu hỏi được giới chuyên một đặt ra là vi xử lý đồ họa của Apple tốt đến đâu ?
So sánh hiệu năng GPU của từng dòng iPad
Trở ngại lớn nhất đối với Apple chính là việc làm thể nào để công ti này phát triển được một vi xử lý đồ họa hoạt động hiệu quả và có hiệu năng cao mà không chịu các trách nhiệm pháp lí về mặt ăn cắp trí tuệ. Điều này cũng đã được Imagination Technologies đề cập:
"Apple không hề đề cập đến việc phát triển vi xử lý đồ họa của riêng mình mà không sử dụng các công nghệ, không vi phạm các bằng sáng chế và thông tin tuyệt mật của Imagination Technologies."
Vấn đề này, theo Patrick Moorhead và Jan Dawson (người sáng lập Jackdaw Research), hoàn toàn có thể được giải quyết. Các công ti như ARM luôn có thể cung cấp quyền sử dụng các bằng sáng chế của mình cho Apple trong các điều kiện nhất định. Ngoài ra, Apple cũng có thể mua lại một nhà sản xuất vi xử lý đang sở hữu các bằng sáng chế cũng như các công nghệ cần thiết với số tiền mặt lên tới 250 tỉ đô.
Để có thể thành công trong việc phát triển, một hãng công nghệ cần có 2 thứ: khả năng sáng tạo và vốn, cả 2 điều mà Apple đang có. Ngay cả khi tồn tại rủi ro trong quá trình phát triển, Apple vẫn phải tiếp tục, vì tương lai của công ti này phụ thuộc vào điều đó.