Vì sao Apple “ép” nhân viên trở lại văn phòng trong đại dịch?

24/07/2021 20:32 PM | Kinh doanh

Apple có nhượng bộ thị trường Trung Quốc khi chọn tên iPhone 2021?

Muốn nhân viên trở lại văn phòng

Theo The Verge, “Táo khuyết” dự kiến yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc vào đầu tháng 9. Trước mắt, các nhân viên Apple làm việc tối thiểu 3 ngày mỗi tuần tại văn phòng, thời gian còn lại sẽ làm việc trực tuyến. Động thái này vấp phải nhiều sự phản ứng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt như hiện nay.

Hàng nghìn nhân viên thể hiện sự ủng hộ với hình thức làm việc từ xa tại nhà thông qua diễn đàn trực tuyến của Apple. Nhiều người gửi một bức thư chung đến CEO Tim Cook và ban lãnh đạo Apple, đề nghị công ty áp dụng chính sách làm việc tại nhà linh hoạt hơn và kéo dài hơn thời gian làm việc từ xa. Thậm chí, nhiều nhân viên công ty còn khẳng định sẽ nghỉ việc nếu bị ép quay trở lại làm việc tại văn phòng.

Vì sao Apple “ép” nhân viên trở lại văn phòng trong đại dịch?  - Ảnh 1.

Nhân viên Apple có thể sớm trở lại làm việc tại văn phòng

So với các hãng công nghệ khác, Apple thường không ủng hộ hình thức làm việc tại nhà. Các hãng công nghệ lớn khác như Facebook hay Google thậm chí còn cho phép nhân viên làm việc tại nhà trọn đời, ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Đại diện của Google và Facebook cho biết chỉ cần thoải mái, nhân viên có thể làm việc tại bất kỳ đâu.

Apple cũng là một trong những hãng chậm chân trong việc thay đổi chính sách làm việc, cho phép nhân viên làm việc từ xa tại nhà, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Mỹ vào đầu năm 2020. Theo các chuyên gia, đặc thù công việc của Apple có nhiều sự khác biệt so với Facebook hay Google. Quá trình phát triển các mẫu sản phẩm mới như iPhone hay iPad thế hệ mới, sẽ thuận tiện và đảm bảo an toàn thông tin tốt hơn khi làm việc trực tiếp tại văn phòng. Điều này khiến Apple muốn nhân viên sớm quay trở lại việc, dù dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Hiện tại, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm cũng như tử vong vì Covid-19, với hơn 34 triệu người nhiễm khiến hơn 60 nghìn người tử vong.

Nhà máy iPhone bị gián đoạn sản xuất

Cũng liên quan đến Apple, đối tác gia công iPhone lớn nhất là tập đoàn công nghệ Foxconn buộc phải cho hàng chục nghìn công nhân nghỉ việc mỗi ngày tại 2 trong số 3 nhà máy lớn ở Trịnh Châu do lũ lụt ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Công nhân tại các nhà máy Foxconn ở quận Zhongmu và khu chế xuất Trịnh Châu được nghỉ sau khi thành phố trải qua đợt mưa lớn kỷ lục. Trận lũ lụt tồi tệ nhất đổ bộ vào Hà Nam trong gần một thế kỷ qua cướp đi sinh mạng của ít nhất 25 người và khiến hơn 100.000 người dân trong tỉnh phải di tản.

Vì sao Apple “ép” nhân viên trở lại văn phòng trong đại dịch?  - Ảnh 2.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu bị gián đoạn sản xuất vì lũ lụt

Trịnh Châu là thành phố thành phố iPhone vì hơn một nửa số điện thoại thông minh của Apple được lắp ráp tại các cơ sở của Foxconn tại đây. Lực lượng lao động của Foxconn tại các cơ sở ở Trịnh Châu là hơn 250.000 người, có thể tăng hơn 300.000 nếu vào mùa sản xuất.

Chia sẻ trên mạng xã hội, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook hứa sẽ đóng góp cho hoạt động cứu trợ tại thành phố Trịnh Châu và tỉnh Hà Nam.

Tiếp tục dính cáo buộc bóp hiệu năng iPhone

Một nhóm bảo vệ người tiêu dùng ở Tây Ban Nha tố cáo Apple làm chậm iPhone 12 trong hầu hết bản cập nhật iOS để khuyến khích người dùng nâng cấp lên phiên bản sắp tới là iPhone 13. Nhóm này gửi một lá thư tới Apple yêu cầu công ty bồi thường cho khách hàng mua iPhone 12, iPhone 11, iPhone 8 và iPhone Xs - những người gặp phải tình trạng máy chậm, thời lượng pin kém hơn kể từ khi nâng cấp lên iOS 14.5 và các bản cập nhật sau đó.

Nhóm bảo vệ người tiêu dùng ở Tây Ban Nha đe dọa hành động pháp lý nếu không nhận được phản hồi từ Apple.

Vì sao Apple “ép” nhân viên trở lại văn phòng trong đại dịch?  - Ảnh 3.

Nhóm bảo vệ người tiêu dùng ở Tây Ban Nha cáo buộc Apple bóp hiệu năng iPhone

Nhóm này tuyên bố rằng các bản cập nhật iOS 14.5, iOS 14.5.1 và iOS 14.6 “làm hỏng thiết bị của người tiêu dùng”, làm chậm hiệu suất “đáng kể” và khiến pin hết nhanh hơn. Nhóm dẫn chứng các báo cáo từ phương tiện truyền thông ủng hộ cáo buộc này.

Đồng thời lưu ý rằng đây là lần thứ 2 các hành vi sai trái của Apple được xác định. Trước đó, Apple liên tục gặp các vụ kiện tập thể ở Bỉ, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha liên quan đến hành vi làm giảm hiệu suất iPhone 6.

Một số tổ chức người tiêu dùng châu Âu khác cũng tham gia cùng nhóm ở Tây Ban Nha trong đơn khiếu nại mới nhất này, bao gồm Deco Proteste của Bồ Đào Nha và Altroconsume của Italy. Hai tổ chức này kiện Apple vào đầu năm nay với cáo buộc “có kế hoạch làm lỗi thời” với các mẫu iPhone 6 và 6S.

Bị chính quyền Mỹ “nắn gân”

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cam kết có những chính sách về quyền sửa chữa thiết bị phần cứng cho người dùng. Chính sách mới có thể gây rắc rối cho các nhà sản xuất smartphone như Apple, luôn muốn hạn chế khả năng sửa chữa thiết bị của người dùng.

Vì sao Apple “ép” nhân viên trở lại văn phòng trong đại dịch?  - Ảnh 4.

Chủ tịch FTC Lina Khan cho rằng tuyên bố chính sách về quyền sửa chữa nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của FTC trong việc chống cạnh tranh trong các thị trường sửa chữa sản phẩm. Chính sách hỗ trợ các cửa hàng sửa chữa độc lập và giảm chi phí sửa chữa cho người tiêu dùng.

Động thái của FTC được đưa ra sau khi Nhà Trắng thông qua lệnh hành pháp về cạnh tranh kinh tế cáo buộc các nhà sản xuất smartphone “áp đặt các hạn chế đối với việc tự sửa chữa của bên thứ 3 khiến việc sửa chữa tốn chi phí và thời gian hơn, bằng cách hạn chế phân phối các linh kiện, công cụ chẩn đoán và sửa chữa”.

Bảo Nhi

Cùng chuyên mục
XEM