Vì sao ẩm thực Việt chuộng tươi ngon, bận đã có ship nhưng phở, bún, cháo lòng "ăn liền" vẫn bán tốt?
Với sự phát triển của dịch vụ giao hàng, người tiêu dùng đã có thêm sự lựa chọn cho việc ăn uống mỗi khi quá bận rộn. Dĩ nhiên, các nhà sản xuất thực phẩm ăn liền sẽ không mấy hài lòng về điều đó.
"Ngày nay, hầu như mọi nhà hàng đều giao hàng tận nơi. Thực tế là, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ giao hàng đang cao hơn tăng trưởng thực phẩm đóng gói" - Kurush Grant, Giám đốc điều hành giám sát các mảng kinh doanh FMCG của Tập đoàn ITC nói.
Theo Allied Market Research, thị trường thực phẩm ăn liền (đóng gói) khô và đông lạnh khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ thu về 875,3 tỷ USD vào năm 2020, tăng trưởng 5,6%. Trong khi, doanh thu trong mảng giao thức ăn trực tuyến khu vực này dự kiến đạt 75,4 tỷ USD vào năm 2020, tăng trưởng 7,8%.
Dịch vụ giao đồ ăn thậm chí có thể tiếp tục phát triển hơn nữa do đại dịch Covid-19 hoành hành, các nhà hàng đóng cửa. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này thúc đẩy mọi người tự nấu ăn ở nhà, tăng cường tích trữ thực phẩm ăn liền - những món ăn được đóng gói cẩn thận, dễ chế biến và hạn chế lây lan do tiếp xúc. Nhu cầu về đồ ăn liền đông lạnh đã tăng từ 25 đến 30% trong dịch Covid-19.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiêu thụ đồ ăn liền hàng đầu thế giới. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tiêu thụ mì gói, sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nhật. Khảo sát từ Nielsen cũng chỉ ra thực phẩm đóng gói, nước đóng chai, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh đã trở thành những lựa chọn hàng đầu sau khi Covid-19 bùng phát. Cụ thể, tỷ lệ gia tăng tiêu thụ mì ăn liền là 67 %; thực phẩm đông lạnh là 40%. Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.
Đặc biệt, ngày nay, thứ gì người ta cũng có thể đóng hộp được. Từ những món thường gặp như pate hộp, cá hộp, mì gói, thịt hộp đến những món ăn truyền thống giờ như bún, miến, phở và thậm chí là... cháo lòng giờ cũng có loại ăn liền.
Sự phát triển của món ăn truyền thống đóng hộp
Có không ít người, đặc biệt là những người xa xứ mua các loại thực phẩm truyền thống ăn liền của nước mình vì tự hào về ẩm thực địa phương, cũng như muốn đóng góp của họ cho nền kinh tế nước nhà. Theo ông Stephane Alpern, đối tác quản lý của Kantar Consulting tại thị trường Đông Nam Á, 72% người tiêu dùng Ấn Độ tỏ ra tự hào khi mua hàng nội địa. Ở Việt Nam, con số này là 62% và ở Thái Lan là 57%.
Sản xuất món ăn truyền thống đóng hộp đang trở thành một cách để quảng bá ẩm thực truyền thống, mang hương vị địa phương đến với bạn bè quốc tế, cũng như những người xa quê. Các món ăn đặc trưng được đóng hộp ngày càng nhiều.
Xu hướng này thể hiện rõ ràng trong các sản phẩm ăn liền trên toàn châu Á. Ví dụ, thương hiệu mì ăn liền MyKuali của Malaysia là món mì cà ri trắng đặc trưng. Ở Việt Nam, không chỉ bún, miến, phở, cháo sen, mà giờ doanh nghiệp đã đóng hộp đến cả... cháo lòng.
Ngược lại, người dân cũng hứng thú không kém với những hương vị mới du nhập từ các quốc gia khác. Các loại mì cay đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc... lẩu, cơm hộp tự sôi Trung Quốc cũng du nhập và bán chạy ở nhiều quốc gia châu Á.
“Mọi người có xu hướng trải nghiệm hương vị mới. Tuy nhiên, nếu họ không có khả năng đến tận nơi, họ có thể trải nghiệm thông qua những món ăn truyền thống đóng hộp được xuất khẩu" - Stephane Alpern nói.
"Sự du nhập của lối sống phương Tây cũng góp phần thúc đẩy mọi người lựa chọn thực phẩm ăn liền đóng gói thay vì thực phẩm tươi sống truyền thống, đặc biệt là trong bữa sáng. Bữa sáng ăn liền là một thị trường đầy hứa hẹn đang phát triển nhanh chóng ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Nhiều gia đình truyền thống thường tích trữ đồ ăn liền để ăn sáng ở nhà, nhanh chóng, tiện lợi và không quá đắt đỏ".