Vì sao ai cũng muốn bán hàng cho các mẹ bỉm sữa?

27/02/2017 10:54 AM | Kinh doanh

TiNiWorld, Con Cưng, taembe.com, các chuỗi liên quan khu vui chơi, đồ mẹ và bé, đều đã gọi vốn thành công.

Theo thông báo mới đây của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI ( SSIAM ), Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II do SSIAM đồng quản lý với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities – Nhật Bản) vừa tiến hành đầu tư vào hệ thống siêu thị Concung.com cho Mẹ bầu & Em bé.

Từ nhu cầu bỉm sữa khổng lồ ở các chuỗi đồ cho mẹ & bé...

Con số rót vốn cụ thể chưa được tiết lộ. Nhưng theo thông tin từ danh mục đầu tư đã thực hiện, quỹ Daiwa-SSIAM II thường dành 4- 6 triệu USD cho mỗi khoản đầu tư.

Hệ thống siêu thị bán lẻ Concung.com được thành lập từ năm 2011 và đến cuối năm 2016 đã cán mốc 100 siêu thị trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 20 thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống Concung.com hiện cũng đang mở rộng phát triển thêm chuỗi bán lẻ đồ chơi Toycity.

Trên thực tế, sự hấp dẫn của thị trường mẹ và bé Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tên tuổi lớn quan tâm và bắt đầu nhận được nguồn vốn mạnh. Cùng với sự lên ngôi của kinh doanh chuỗi, có lẽ chưa bao giờ thị trường mẹ và bé lại sôi động và phát triển như hiện nay.

Trước khi nhận đầu tư từ SSIAM, chuỗi bán lẻ đồ bà mẹ và em bé này từng được quỹ Seedcom đầu tư. Con cưng cũng sớm lên kế hoạch mở rộng tới thị trường phía Bắc để phát triển hệ thống lên 200 cửa hàng vào năm 2017.

Thị trường kinh doanh đồ mẹ và bé của Con cưng hiện có 2 chuỗi đáng chú ý đã phát triển hệ thống rộng khắp cả trong nam và ngoài bắc là Kids Plaza và Bibo Mart.

Theo website của Kids Plaza, chuỗi này hiện có 74 cửa hàng ở Hà Nội, TPHCM và Bắc Ninh (2). Còn Bibo Mart có 101 cửa hàng ở Hà Nội và TPHCM.

Trang Techinasia.com dẫn lời Patrick Degen, người sáng lập Swiss Founders Fund, một quỹ chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, thị trường sản phẩm cho mẹ và bé là một thị trường hấp dẫn, và người mạnh nhất sẽ thống trị toàn bộ thị trường.

Sở hữu nhiều trung tâm thương mại lớn, Vingroup cũng cho ra mô hình đại siêu thị, Kids World, chuyên cung cấp sản phẩm mẹ và bé cùng với đồ gia đình. Với quy mô hơn 5.000m2, Kids World của Vingroup dự kiến sẽ là mô hình được triển khai trên cả nước trong thời gian sắp tới.

Một đơn vị khác là Taembe.com, website bán lẻ trực tuyến chuyên về tã lót và các sản phẩm khác cho em bé, cũng đã gọi vốn thành công với 228.000 đô la Mỹ từ Quỹ các nhà sáng lập của Thụy Sĩ (Swiss Founders Fund) hồi tháng 10/2015.

... đến phát triển kĩ năng ở các khu vui chơi

Ngoài kinh doanh đồ mẹ và bé, dịch vụ khu vui chơi trẻ em cũng thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn.

Chưa đầy nửa năm trước, tháng 11/2016, thông tin Công ty Thiếu Nhi Mới (N Kid Corporation) nhanh chóng thu hút sự chú ý từ dư luận khi nhận 40 triệu USD đầu tư từ quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE).

SCPE nổi tiếng với các thương vụ đầu tư quy mô. Quỹ này hiện đã đầu tư tổng cộng hơn 6 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp.

SCPE cùng Goldman Sachs đã rót 25 triệu USD vào dịch vụ ví điện tử Momo vào giữa năm ngoái. Hay trước đó, năm 2014, đơn vị này rót 35 triệu USD vào Golden Gate Group (hệ thống F&B lớn nhất Việt Nam, quản lý nhiều chuỗi Kichi Kichi, Ashima, Vuvuzela...).

Có thể thấy điểm chung trong "khẩu vị" đầu tư của quỹ này thường hướng đến các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tận dụng được kết cấu dân số trẻ của Việt Nam. Sự bùng nổ dịch vụ kinh doanh đồ chơi/khu vui chơi cho trẻ em ở các đô thị lớn như N Kid nhanh chóng tạo sức hút mạnh.

Thành lập năm 2009, N Kid có 30 trung tâm vui chơi trẻ em mang tên TiNiWorld, T CLB, đồ chơi Phương Nga, cửa hàng Toyland, Babyland.

Riêng chuỗi TiNiWorld của N Kid hiện có 25 khu vui chơi, nằm trong các trung tâm thương mại tại nhiều thành phố lớn trên cả nước, trong đó 6 ở Hà Nội, 11 ở TPHCM, 2 ở Cần Thơ, và các thành phố khác như Việt Trì, Hạ Long, Hải Phòng, An Giang, Biên Hòa, Buôn Mê Thuột.

Bắt đầu từ năm 2012 - 2013, hàng loạt nhà đầu tư đã đổ tiền vào lĩnh vực vui chơi kết hợp giải trí cho trẻ em. Từ những trung tâm vui chơi quy mô nhỏ và vừa như Funny Land, Maika Wonderland… đến các chuỗi lớn như Vietopia (của CTCP Him Lam Phát triển Trí tuệ Trẻ em Việt), Kizcity (CTCP Tư vấn và Đầu tư Thái Dương), KizWorld (CTCP giải trí KizWorld), Kinder Park (Công ty vui chơi Thế Hệ Mới) và tiNiWorld.

Các mô hình này đều có cách kết hợp đa dạng giữa hoạt động vui chơi, phát triển trí tuệ, kỹ năng... cho thiếu nhi và nhu cầu mua sắm cho phụ huynh. Nếu như tiNiWorld, Kinder Park thiên về các trò chơi vận động kết hợp phát triển tư duy thì Kiz City, Kizworld và Vietopia cho trẻ trải nhiệm nghề nghiệp như bác sĩ, cứu hỏa, làm bánh...

Vì sao ai cũng muốn bán hàng cho các mẹ bỉm sữa?

Việt Nam được đánh giá là mỏ vàng của các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ giải trí nhờ lực lượng dân số trẻ cùng với xu hướng tăng lên của mức thu nhập bình quân đầu người. Trong đó, sản phẩm dịch vụ dành cho trẻ em có thể nói là một trong những thị trường “béo bở” nhất.

Báo cáo năm ngoái của Nielsen cho biết, hơn 1 trong 10 hộ gia đình Việt Nam (12%) có trẻ em dưới một tuổi, đây là mức cao nhất trong khu vực và gấp hai lần mức trung bình toàn cầu là 5%. Hơn 19% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi so với chỉ mức 9% trên toàn cầu.

Trong khi đó, ở Thái Lan, tỷ lệ gia đình có trẻ dưới 1 tuổi, từ 1 đến 3 tuổi lần lượt ở mức 7% và 11%, thấp hơn hẳn so với Việt Nam. Con số cho thấy sự tiềm năng của lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam và giải thích vì sao nhiều doanh nghiệp đã và đang kinh doanh tốt các mặt hàng này.

Theo lý giải của Nielsen, tại Việt Nam, sự đô thị hóa nhanh chóng, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và tỷ lệ tăng của phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển, đang kích thích tăng trưởng doanh số bán hàng thực phẩm cho trẻ em và tã giấy.

“Khi nói đến việc chăm sóc những nguồn vui bé nhỏ đó, các bậc phụ huynh rất sành điệu - từ thực phẩm mà họ cho con họ ăn đến tã giấy cho con họ sử dụng, rất ít khi họ thỏa hiệp cho những điều không vừa lòng với sản phẩm, và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho chất lượng" - nhận xét của Connie Cheng, trưởng bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương về các phụ huynh Việt Nam.

Và không chỉ có ăn mặc, thị trường dịch vụ vui chơi , giáo dục cho trẻ em cũng “béo bở” không kém. Theo một nguồn thông tin, quy mô thị trường các dịch vụ vui chơi dành cho trẻ em ước tính vào khoảng 3,1 tỉ USD/năm, mức sinh lợi theo các doanh nghiệp vào khoảng 30%.

Người sáng lập ra taembe.com từng chia sẻ với truyền thông lý giải yếu tố thúc đẩy đến với thị trường này là ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Trung bình mỗi gia đình có tới 2-3 trẻ nhỏ và họ dành khoảng một nửa chi tiêu để nuôi dạy con.

Nhìn từ khía cạnh kinh doanh, có thể thấy, thị trường mẹ và bé đang đầy tiềm năng. Ai có chiến lược bài bản, chất lượng sản phẩm tốt, nguồn tài chính dồi dào, dịch vụ ổn... sẽ là người chiến thắng.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM