Vi phạm bản quyền ASIAD 2018: 18 trang web lậu tên miền quốc tế bị chặn truy cập

28/08/2018 16:22 PM | Công nghệ

Ngày 27/8, cả 7 nhà mạng đã báo cáo chặn thành công 18 trang web vi phạm bản quyền, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài. Trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Syria vào lúc 19h30 ngày 27/8, cả 18 trang web nói trên đều đã trong tình trạng không thể truy cập được.

Ngày 27/8, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TT&TT đã có văn bản hỏa tốc gửi 7 nhà mạng bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, SCTV, VTVcab về việc phối hợp ngăn chặn phổ biến nội dung vi phạm bản quyền truyền thông ASIAD 2018.

Cụ thể, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử yêu cầu các nhà mạng chặn truy cập 18 trang web có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài có hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Đó là các trang web có địa chỉ tên miền: xoilac.tv, xemtiviso.com, tv.101vn.com, tvmienphi.biz, tiv4k.net, xemtivitructuyen.net, tivi12h.com, xemtivingon.com, xemtivihay.com, xemtivinet.com, kenhtivihd.net, xemtivi.biz, xemtivifull.com, tv4d.net, kenh1.info, tivi8k.net, tiviot.net, tivi365.net.

Vi phạm bản quyền ASIAD 2018: 18 trang web lậu tên miền quốc tế bị chặn truy cập - Ảnh 1.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, cho đến 17h ngày 27/8, các nhà mạng đã báo cáo chặn thành công 18 trang vi phạm bản quyền này. Theo quan sát của ICTnews, trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Syria vào lúc 19h30 ngày 27/8, cả 18 trang web nói trên đều đã trong tình trạng không thể truy cập được.

Trước đó ngày 22/8, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã nhận được văn bản của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về bảo vệ bản quyền truyền thông ASIAD 2018 trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, Đài truyền hình VTC báo cáo đã sở hữu độc quyền bản quyền truyền thông sự kiện ASIAD 2018 trên mọi hạ tầng trong lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều trang thông tin điện tử (website) vi phạm nghiêm trọng bản quyền truyền thông ASIAD 2018. Qua rà sát những website nằm trong danh sách khiếu nại vi phạm bản quyền của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử nhận thấy có nhiều website có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài.

Đáng chú ý, trong số này có xoilac.tv đã phát trực tuyến trận đấu bóng đá nam giữa đội tuyển Olympic Việt Nam và Olympic Bahrain tối 23/8, có logo kênh VTC3.

Vì vậy, ngày 24/8/2018, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản gửi cho Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) vào cuộc để xác minh đầu mối tại Việt Nam đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ Xôi Lạc TV (xoilac.tv) thu tín hiệu trái phép các nội dung ASIAD 2018 từ kênh VTC3 sau khi VOV/VTC có bản quyền ASIAD 2018 ở Việt Nam. Đầu mối trong nước này được cho là cung cấp dịch vụ cho Xôi Lạc TV phát trực tuyến từ máy chủ đặt tại nước ngoài.

Vi phạm bản quyền ASIAD 2018: 18 trang web lậu tên miền quốc tế bị chặn truy cập - Ảnh 2.

Trước đó, khi VOV/VTC chưa có bản quyền ASIAD , Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã rà soát và phát hiện một số trang có tên miền .vn đã phát trực tiếp (livestream) hai trận đấu đầu tiên của Olympic Việt Nam với Pakistan và Nepal. Cục đã gửi văn bản cho 3 doanh nghiệp của Việt Nam có cung cấp dịch vụ hosting cho các trang web để yêu cầu rà soát tính pháp lý và đảm bảo nội dung cung cấp phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý nội dung thông tin trên Internet và nội dung truyền hình.

Cụ thể Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu VNG thực hiện rà soát đối với trang talktv.vn, FPT rà soát trang bongdapro.vn, công ty Long Vân Soft Solution JSC rà soát trang tv.beeb.vn và báo cáo về Cục trước ngày 27/8/2018. Nếu xác minh được vi phạm của các trang này sẽ tiếp tục có biện pháp xử lý.

Có thể nói, việc chỉ đạo các nhà mạng ngăn chặn truy cập tới 18 trang vi phạm bản quyền là một trong những biện pháp cần thiết của Bộ TT&TT để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet trong thời gian qua. Ngoài các website kể trên đã bị ngăn chặn, hiện còn hàng trăm trang web khác cũng đang vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình, phim ảnh, ca nhạc. Nghiêm trọng hơn, nguồn nuôi sống các trang này là quảng cáo, trong đó có rất nhiều quảng cáo cho các dịch vụ vi phạm pháp luật của Việt Nam như: quảng cáo cờ bạc, cá độ bóng đá, quảng cáo liên quan đến sex…

My Lan

Cùng chuyên mục
XEM