Những con đập trên dòng Mê Kông đang cướp đi nguồn sống của hàng triệu người?

16/03/2016 10:14 AM | Kinh tế vĩ mô

Ước tính có đến 60 triệu người dân Đông Nam Á đang sống nhờ vào dòng Mê kông, những con đập thủy điện xây lên đang cướp đi sinh kế của họ.

Phần 1: Những người nông dân tuyệt vọng

Anh Nguyễn Văn Hải là con trong một gia đình nông dân đã sống nhiều đời ở miền Tây, tỉnh An Giang. Từ đời ông cha, tức là đã từ rất lâu, gia đình anh sống bằng nghề bắt cá linh. Trước đây để mang ra chợ bán, còn sau này khi kinh tế thị trường phát triển họ bán cho các nhà hàng.

Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 11 Âm lịch, nước ở thượng nguồn sông Mê Kông từ Campuchia đổ về miền Tây, qua An Giang, Đồng Tháp rồi đến các nhánh khác của sông Cửu Long mà đổ ra biển. Đến mùa nước nổi, cá linh theo dòng nước xuôi từ Campuchia về miền Tây.

Cá linh nhỏ bằng đầu tăm vào lúc đầu mùa nhưng đến cuối mùa nó đã trở nên rất lớn. Chỉ cần vài mẻ lưới, mỗi ngày người dân miền Tây đã có thể kiếm được vài trăm cân cá linh. Mùa nước nổi, chúng mang về nguồn lợi lớn cho người dân xứ này.

Khi những cánh đồng lúa ngập trong nước thì cá linh chính là nguồn sống quan trọng của những gia đình như nhà anh Hải. Không chỉ cá linh, mùa nước nổi còn mang đến nhiều loại rau đặc sản và những khu chợ nổi đậm chất miền Tây, đó là nguồn sống chính của hàng triệu người dân các tỉnh miền Tây suốt bao đời nay.

Thế nhưng khoảng 9 năm gần đây, khi hoạt động xây đập từ phía Trung Quốc ngày một dày đặc hơn, thì nguồn sống của người miền Tây vì thế cũng cạn kiệt dần. Cũng liên tục trong 9 năm trên, mực lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp ở mức dưới trung bình, đi kèm với đó là những con cá linh cũng đang dần vắng bóng.

Hàng triệu người nông dân như anh Hải mất đi một nguồn lợi kinh tế quan trọng. Lưới cá giờ treo khô góc nhà. Có lẽ thế hệ những người trẻ tuổi rồi sẽ không còn được biết rằng đồng bằng sông Cửu Long từng là vựa cá, nơi mà "cá nhiều đâm thủng cả lưới".

Cách đó không xa, người dân ở Biển Hồ (Campuchia) cũng chỉ biết im lặng nhìn vào mắt lưới trống rỗng lập lờ dưới nước mùa thiếu cá về.

Những danh thắng quan trọng của miền Tây cũng đang dần biến mất.

Ao Bà Om là điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Trà Vinh nói riêng và miền Tây nói chung. Thế nhưng, đến khoảng 3 năm trở lại đây, địa điểm này cạn khô nước, khiến du khách và người dân không khỏi xót xa. Những con cá trong ao còn sống sót đang thoi thóp, những cành sen khô héo quắt.

Hạn hán tồi tệ hơn, sản xuất lúa gạo cũng vì thế sẽ vô cùng khó khăn. Chỉ riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long cung cấp khoảng một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam.

Và sẽ còn hàng chục triệu người dân châu Á khác cũng sẽ phải sống trong tình trạng khốn khổ, thiếu thức ăn, nước uống nước sinh hoạt. Sông MêKông được ví như một nhà máy sản xuất cá cung cấp nguồn thức ăn cho hàng triệu người trong khu vực. Ước tính người dân lưu vực sông Mê Kông tiêu thụ khoảng 46 cân cá/năm, gần gấp đôi mức trung bình của toàn cầu.

Theo lý giải của nhiều nhà khoa học, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, ngoài các yếu tố khô hạn tự nhiên, thì nguyên nhân chính của tình trạng này là việc các nước ở thượng nguồn liên tiếp xây các đập thủy điện tích nước, làm biến đổi dòng chảy và gây khô hạn đến các nước ở hạ lưu. Và Việt Nam chính là nước bị tác động tồi tệ nhất.

Đón xem phần 2: Cuộc chạy đua xây đập trên dòng Mê Kông

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM