Doanh nghiệp FDI trần tình lý do giảm đầu tư với Bí thư Đinh La Thăng

16/03/2016 20:08 PM | Kinh tế vĩ mô

Doanh nghiệp FDI cho rằng, quy định về trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong thực hiện dự án đầu tư không rõ ràng nên khi nhà đầu tư thực hiện thủ tục thường phát sinh thêm nhiều thủ tục “con” do yêu cầu của cơ quan tiếp nhận.

Đó là ý kiến chung của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài gửi gắm tại buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với chủ đề “lắng nghe và đổi mới” sáng nay.

Hiện nay, ở Việt Nam, chưa có một quy trình cụ thể, thống nhất các thủ tục hành chính (TTHC) mà nhà đầu tư phải thực hiện khi muốn triển khai một dự án có sử dụng đất. Mỗi địa phương có những vận dụng để có một quy trình giải quyết riêng phù hợp với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mình. Bên cạnh đó, các quy trình TTHC đối với mỗi loại dự án trong từng ngành, từng lĩnh vục lại có những quy định khác nhau.

Một số nhà đầu tư cho rằng, việc tìm hiểu để nắm bắt được một cách đầy đủ các thủ tục phải thực hiện đối với một dự án đầu tư nhất định là rất khó khăn, nhà đầu tư khó xác định phải bắt đầu từ đâu, đến đâu và làm gì để triển khai ý tưởng đầu tư, trừ khi có một sự hấp dẫn rất lớn từ cơ hội đầu tư (lợi nhuận, chiếm lĩnh thị trường…), còn lại phần lớn nhà đầu tư sẽ “nản lòng” và từ bỏ ý tưởng đầu tư ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư này.

Tại cuộc gặp gỡ này, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam cũng kêu ca về những quy định trong Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Theo đó, các ý kiến cho rằng chính Thông tư này đang làm nhiều nhà đầu tư có vốn FDI "chùn chân", thay đổi chiến lược hoặc thậm chí bỏ cuộc không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) cho biết quy định này đang gây nhiều khó khăn cho DN nước họ và các DN đã từng kiến nghị nhiều lần về việc hủy bỏ thông tư này.

Có những máy móc thiết bị sản xuất và chất bán dẫn ô tô có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa được dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn. Hơn nữa, thông tư cũng vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO bằng việc đưa ra quy định tùy ý…”, ông Herb Corchan, đại diện Amcham lên tiếng.

Cũng liên quan đến thông tư này, Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng một lượng lớn DN Nhật đang dự tính đầu tư vào Việt Nam và nhập khẩu máy móc thiết bị nhưng đang gặp khó vì những quy định trong thông tư này. Do đó, DN Nhật nhiều lần kiến nghị phía cơ quan quản lý Việt Nam cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư Nhật.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN TP.HCM thì cho rằng mặc dù các quy định hiện hành của Nhà nước bắt buộc nhiều địa phương phải "dẹp" các loại giấy phép con nhưng việc này vẫn còn tồn tại rất nhiều nơi, gây phiền hà cho các nhà đầu tư khi muốn thực hiện một dự án tại TP.HCM.

Hệ quả là nhà đầu tư cũng phải đồng thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của từng cơ quan, làm kéo dài thêm thời gian không cần thiết, dự án thì không thể triển khai. Do vậy, cần sớm xóa bỏ các TTHC “con” này và thống nhất về một mối, một cửa nhằm khắc phục sự chống chéo, giúp nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi đẩy nhanh dự án.

Một nhà đầu tư nước ngoài đến từ Ấn Độ cũng "kêu ca" rằng, khi thực hiện thủ tục xin phép đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn, cơ quan tiếp nhận liên tục "hành" hàng tháng trời. Theo đó, căn cứ vào giấy hẹn đến văn phòng giải quyết thủ tục pháp lý, người phụ trách được thông báo là vắng mặt 2 lần do đi họp nhưng không có người thay thế giải quyết. "Chúng tôi hy vọng lãnh đạo Thành phố cần chấn chỉnh những việc làm này để đừng làm mất thời gian của doanh nghiệp", vị này góp ý.

Tại cuộc gặp gỡ này, nhiều nhà đầu tư FDI cũng đánh giá cao đường dây nóng của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và mong muốn sẽ phản ánh để giải quyết nhiều vấn đề trong thời gian tới.

Trong năm 2015, TP.HCM đã thu hút 4,5 tỉ USD vốn FDI tăng 38,28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19,8% của cả nước. Các lĩnh vực thu hút đầu tư FDI lớn nhất trên địa bàn là hoạt động kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, giáo dục, bán lẻ…

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM