PMI tháng 2: Lĩnh vực sản xuất giảm sút trở lại

01/03/2013 09:43 AM |

Nhu cầu khách hàng suy yếu. Một số khác cho rằng khách hàng đang nắm giữ lượng hàng tồn kho vượt mức. Lượng công việc mới đã giảm từ cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu

Sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ, bao gồm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 1 xuống 48,3 điểm trong tháng 2.

Như vậy, chỉ số PMI lần thứ 2 trong 3 tháng qua đã có kết quả dưới mức không thay đổi 50 điểm - báo hiệu có sự giảm sút. Mặc dù tốc độ suy giảm chỉ số PMI là vừa phải nhưng cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Cả sản lượng sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm trong tháng 2 phản ánh nhu cầu khách hàng suy yếu. Một số báo cáo cũng cho rằng số lượng đơn đặt hàng đã giảm do một số khách hàng đang nắm giữ  lượng hàng tồn kho vượt mức.

Lượng công việc mới đã giảm từ cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại ở mức thấp của 6 tháng.

Kết quả hoạt động yếu kém gần đây của lĩnh vực sản xuất đã ảnh hưởng tới thị trường lao động, với số lượng việc làm ngành sản xuất giảm lần đầu tiên trong 5 tháng qua.

Mặc dù tốc độ giảm nhìn chung khá nhẹ nhưng vẫn là mạnh nhất kể từ tháng 7/2012. Các công ty cũng cho rằng nhu cầu về việc làm thấp hơn là do họ muốn kiểm soát chi phí.

Năng lực sản xuất của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã gia tăng, nhờ đó lượng công việc tồn đọng đã tiếp tục giảm trong tháng 2. Lượng công việc chưa thực hiện đã giảm trong tất cả 11 tháng qua.

Dữ liệu tháng 2 cho thấy chi phí mua hàng trung bình tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Các công ty cho biết họ đã phải trả chi phí cao hơn cho một số mặt hàng nguyên liệu thô, kể cả kim loại và lương thực thực phẩm.

Do đó, các nhà sản xuất đã điều chỉnh giá bán hàng cao hơn để phản ánh một phần chi phí gia tăng. Giá xuất xưởng đã tăng lần đầu tiên trong muời tháng qua.

Trinh Nguyen Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC cho rằng: "Việc giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy quá trình phục hồi vẫn còn rất khó khăn. Trong khi Tết Nguyên đán được coi là một phần nguyên nhân thì quá trình giảm vay nợ đang diễn ra tiếp tục làm suy yếu nhu cầu nội địa.

Mặc dù tốc độ suy giảm nhu cầu ở nước ngoài chậm lại cho thấy điều tồi tệ có thể đã qua nhưng hiện tượng việc làm suy giảm lại cho thấy thị trường trong nước tiếp tục suy yếu.
 
Q.Nguyễn

duchai

Từ khóa:  pmi , hsbc
Cùng chuyên mục
XEM