Petrolimex lại xin cơ chế đặc thù tạm nhập tái xuất xăng dầu

11/10/2013 09:37 AM |

Đáng nói, đề xuất của Petrolimex và Bộ Công Thương được đưa ra ngay khi những lùm xùm về truy thu thuế tạm nhập tái xuất xăng dầu vẫn chưa lắng xuống.

Trong khi những lùm xùm về truy thu thuế tạm nhập tái xuất xăng dầu vẫn chưa ngã ngũ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex ) lại vừa kiến nghị cho phép tái xuất xăng dầu có cùng chủng loại, cùng tên thương mại với lô hàng đã tạm nhập.

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho hay, Thứ trưởng Bộ này - ông Nguyễn Cẩm Tú tỏ vẻ đồng tình với đề xuất này và đã chính thức có văn bản gửi sang Bộ Tài chính để “tham khảo” và “xem xét”.

Trước đó, từ hồi đầu tháng Tư, Bộ Công Thương cũng đã gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 165/2010/TT-BTC và Thông tư số 126/2010/TT-BTC nêu rõ việc cho phép linh hoạt sử dụng xăng dầu cùng chủng loại tồn chứa trong kho nội địa để tái xuất, cung ứng cho máy bay, tàu biển, doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, các khu phi thuế quan, khu chế xuất,… sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động trong việc điều tiết nguồn hàng, tận dụng hiệu quả các hệ thống kho có sẵn.

Lần này, bằng văn bản vừa ký, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú một lần nữa đề nghị Bộ Tài chính, trên cơ sở khả năng quản lý, giám sát hoạt động tạm nhập, tái xuất xăng dầu, cân nhắc kiến nghị của Petrolimex về việc cho phép tái xuất xăng dầu có cùng chủng loại, cùng tên thương mại với lô hàng đã tạm nhập nhằm “tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với đặc thù về tính chất và cơ chế quản lý mặt hàng này”.

Theo quan điểm của ông Tú, xăng dầu là mặt hàng có tính chất đặc thù về nguồn cung, về cơ chế quản lý và về chu trình lưu chuyển, bảo quản (được tồn chứa theo chủng loại, phẩm cấp chất lượng, không phân chia theo nguồn mua và mục đích kinh doanh). Ông Tú cũng cho rằng, từ trước đến nay Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành các văn bản quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu phù hợp với đặc thù của mặt hàng này.

Theo đó, thương nhân được phép tạm nhập tái xuất xăng dầu theo một lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa trong nội địa của thương nhân theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập thay vì phải tái xuất chính lô hàng đã tạm nhập.

“Ấm ức” vì bị truy thu thuế

Đáng nói, đề xuất của Petrolimex và Bộ Công Thương được đưa ra ngay khi những lùm xùm về truy thu thuế tạm nhập tái xuất xăng dầu vẫn chưa lắng xuống. Cụ thể, Bộ Tài chính đã quyết định truy thu đối với các “ông lớn” số tiền thuế lên tới gần 500 tỷ đồng liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu năm 2012. Trong đó, Petrolimex là 170 tỷ đồng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu Quân đội 19,7 tỷ đồng…

Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết, trừ NamViet Oil, 6 doanh nghiệp đã nộp lại thuế cho ngân sách. “Họ buộc phải cắn răng nộp lại để được thông quan các lô hàng tiếp theo nhưng vẫn rất ấm ức với yêu cầu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính” - vị này cho hay.

Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng, việc truy thu thuế, mà nguồn gốc xuất phát từ Công văn số 17060/BTC-VP của Bộ Tài chính, là “không phù hợp” vì không thể có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư 194 do chính Bộ Tài chính ban hành.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước - trong Báo cáo kiểm toán chuyên đề quản lý hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập năm 2012 của Tổng cục Hải quan - đã xác định rõ, quy định về thời điểm tính thuế phải nộp với hàng tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa như Thông tư 194 của Bộ Tài chính không đúng với Nghị định 154 của Chính phủ. Việc này theo Kiểm toán Nhà nước, đã làm giảm thu ngân sách gần 470 tỷ đồng và đề nghị truy thu thuế.

Theo Hà Hương

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM