Khốn khổ đi đòi bảo hiểm xã hội

06/04/2013 12:00 PM |

Đến cuối năm 2012, số nợ BHXH à 4.639 tỷ đồng, trong đó có trên 100 tỷ đồng thuộc diện nợ khó đòi. Điều khó nhất của ngành BH là trực tiếp phát hiện ra các sai phạm nhưng không được quyền xử phạt.

Nhức nhối nợ đọng bảo hiểm xã hội

Chị Võ Thanh Tú – Nhân viên cũ của công ty truyền thông có trụ sở tại 519 Kim Mã đang cận kề những ngày sinh nở, nhưng vẫn phải vác bụng chạy ngược chạy xuôi về cơ quan cũ để đòi sổ bảo hiểm xã hội để mang qua cơ quan mới làm thủ tục hưởng bảo hiểm thai sản. 

Mất hai chuyến qua qua lại lại mới rút được sổ ra, nhưng đến khi cầm trên tay chị mới ngã ngửa, hóa ra công ty cũ thu tiền bảo hiểm xã hội của chị gần một năm nay nhưng chưa đóng một đồng nào cho BHXH Hà Nội.

Đem cuốn sổ trắng về hỏi hành chính của công ty mới thì nhận được cái nhìn ái ngại: “Muốn hưởng bảo hiểm thai sản chị phải đóng đủ ít nhất 6 tháng bảo hiểm trong thời gian 1 năm trước khi sinh. Chị chuyển về chỗ mình mới được 2 tháng, tức là trong vòng 1 năm nay chị mới chỉ đóng được 2 tháng bảo hiểm. Nên chị không được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản, chị lại mới về công ty mình nên đồng nghĩa với việc nghỉ đẻ không lương chị ạ ”.

Chị Quỳnh Anh (Kim Liên – HN) thì bức xúc “công ty cũ của tôi nợ phí BHXH nên  sổ BH của tôi bị BHXH Hà Nội giam không trả, ngay cả khi tôi không còn làm ở đấy nữa. Đây là cuốn sổ bảo hiểm ghi lại hơn chục năm tôi đóng bảo hiểm khi làm ở doanh nghiệp khác. Làm sao tôi có thể lấy lại sổ? Ai bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi?”

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tình trạng như của chị Tú và chị Quỳnh Anh hiện nay đã trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” bởi tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng hoặc cố tình dây dưa Bảo hiểm xã hội đang ngày một gia tăng, dẫn đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng.

Theo số liệu báo cáo lên Ban Kinh tế Trung ương, đến cuối năm 2012, số nợ bảo hiểm xã hội là 4.639 tỷ đồng, trong đó có trên 100 tỷ đồng thuộc diện nợ khó đòi.

Tại Hà Nội, tính đến tháng 1/2013 số tiền các đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng đến 6 tháng là 259,7 tỷ đồng; nợ từ 6 tháng trở lên là 780,4 tỷ đồng. BHXH Hà Nội đã khởi kiện 21 đơn vị nợ tổng số tiền trên 26 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi được 8,1 tỷ đồng và đã đề nghị Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH; BHXH Việt Nam thanh tra tại 33 doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài.  

Tính đến đầu tháng 1/2013, tổng số tiền nợ BHXH trên địa bàn TP.HCM lên đến 1.450 tỉ đồng, tăng 16,5% so với cùng kì năm 2011. Trong số này, nợ BHXH trên 6 tháng có xu hướng tăng, từ mức chỉ chiếm 20% tổng dư nợ lên đến 35% tổng dư nợ.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM số vụ kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm đã tăng vọt một cách bất ngờ, với 594 doanh nghiệp ra tòa. Trong đó vẫn còn 400 vụ đang trong quá trình tố tụng và cơ quan bảo hiểm xã hội đang phải đeo bám. Điều đáng nói là nhiều vụ án dù đã được tòa đưa ra phán xét cuối cùng nhưng các doanh nghiệp vẫn cố tình không chịu thi hành án.

Bảo hiểm xã hội Khánh Hòa cũng từng khởi kiện 172 doanh nghiệp trên toàn tỉnh nợ bảo hiểm xã hội của người lao động trên 6 tháng, với tổng nợ khoảng 36 tỷ đồng. 

Theo ông Cao Văn Sang – Giám đốc BHXH TP HCM, doanh nghiệp nợ BHHX nhưng đang hoạt động sẽ có khả năng đòi được nhưng đối với những doanh nghiệp đã đóng cửa thì xem như mất trắng. Nhiều đơn vị nợ tiền khách hàng, nợ ngân hàng chồng chất, tiền lương người lao động còn không trả huống hồ là trả nợ BHXH.

Số vụ kiện tăng lên quá nhanh và quá nhiều nên tháng 12/2012, Tổng công ty Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng đề xuất lên các cơ quan quản lý về việc bổ sung hành vi cố tình nợ dây dưa BHXH đối với chủ doanh nghiệp cấu thành tội phạm hình sự.

Xem xét xử lý hình sự doanh nghiệp

Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân được Cổng thông tin chính phủ tổ chức vào hôm qua, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nợ đọng BHXH tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%,  doanh nghiệp FDI là 14%.

Theo điều tra của Bộ LĐTBXH, tình trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, thậm chí có những doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì phía BHXH lại nói là doanh nghiệp chưa nộp.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, Bộ đã có văn bản kiểm tra các doanh nghiệp có nợ đọng đồng thời yêu cầu địa phương đôn đốc tích cực để yêu cầu chủ  doanh nghiệp đóng. Chính vì vậy nợ đọng BHXH giảm 13,7% so với năm 2011.

Một trong những nguyên nhân chủ sử dụng lao động nợ đọng bảo hiểm là từ chính sách, do mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10% nhưng nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm, vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng. 

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết quan điểm của bà là cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp này. Theo đó, lãnh đạo bộ LĐTBXH đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng doanh nghiệp chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự.
Hồng Anh

uyenlt

Cùng chuyên mục
XEM