Đà Nẵng có nên “gồng mình” làm thủy điện?

03/12/2013 17:29 PM |

Việc chính quyền TP Đà Nẵng cho phép Công ty GSC xây dựng Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc đã khiến người dân hạ du sông Cu Đê hoang mang, lo ngại.

Báo CAND có loạt bài phóng sự điều tra “Phát triển thủy điện mất kiểm soát và cái giá đắt phải trả”, phản ảnh việc xây dựng thủy điện tràn lan, vô tội vạ ở các tỉnh miền Trung, làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, tàn phá môi trường, “cạo trọc” rừng xanh, xả lũ không theo quy trình khiến người dân vùng hạ du phải gánh chịu tang thương do lũ lụt… Sau khi báo đăng, chúng tôi lại nhận được thông tin về việc chính quyền TP Đà Nẵng cho thực hiện dự án Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc, với nhiều khuất tất…

Hơn 4 năm về trước, khi “phong trào thủy điện” nở rộ ở các tỉnh miền Trung; nhất là tỉnh Quảng Nam, với hệ thống thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia; chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã nhanh chóng có chủ trương cho phép đầu tư xây dựng cụm dự án thủy điện nhỏ tại huyện Hòa Vang. Trên cơ sở đó, dự án Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc ở đầu nguồn sông Cu Đê, cách trung tâm TP Đà Nẵng 25km về hướng Tây Bắc, được “khai sinh”.

Sông Bắc đầu nguồn sông Cu Đê, nơi xây dựng thủy điện bị cạn kiệt nước trong mùa khô.

Dự án này do Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (gọt tắt là Công ty GSC), thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, làm chủ đầu tư; có công suất thiết kế 49,2 MW; gồm 3 nhà máy: Sông Bắc 1, Sông Bắc 2 và Sông Nam, với tổng số vốn khoảng 1.400 tỷ đồng. Ngày 1/6/2010, Công ty GSC cờ mở, trống giong rầm rộ làm lễ khởi công dự án Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc, tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, Hòa Vang.

Theo kế hoạch, năm 2013 nhà máy sẽ hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, đến năm 2014 các tổ máy sẽ phát điện, hòa lưới điện quốc gia. Thế nhưng, dự án thủy điện này đã ì ạch cho đến nay, do chiếm hàng trăm héc-ta đất rừng đặc dụng và vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân hạ du sông Cu Đê…

Sau khi phê duyệt phương án đền bù thiệt hại và giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc, ngày 4/6/2009, UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 4174/QĐ-UBND thu hồi đất rừng cho Công ty GSC thuê để đầu tư xây dựng dự án trên diện tích 948,41ha. Ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa cho biết, trong số diện tích đất rừng UBND TP Đà Nẵng thu hồi để Công ty GSC xây dựng thủy điện có hơn 650ha đất rừng đã được chuyển đổi sang mục đích khác; còn 239,69ha đất rừng đặc dụng chưa chuyển sang mục đích khác để xây dựng các công trình phụ trợ và công trình chính của dự án thủy điện. Theo quy định của pháp luật, rừng đặc dụng nằm trong diện quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt nhất…

Nhưng, một năm kể từ khi dự án Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc được Công ty GSC khởi công, đến ngày 5/9/2011, UBND TP Đà Nẵng mới có Tờ trình số 559 gửi Bộ NN-PTNT về việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp dự án thủy điện này. Nhưng, ngày 30/9/2011, Bộ NN-PTNT có công văn trả lời, nêu rõ: “Diện tích đất rừng đặc dụng mà UBND TP Đà Nẵng xin chuyển đổi hơn 239ha. Tại khoản 2 - điều 3, khoản 3 - điều 10, Nghị quyết số 49 của Quốc hội quy định: Nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 50ha rừng đặc dụng trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định”. Có ý kiến cho rằng, do khuất tất này mà kể từ khi khởi công đến nay, đã hơn 3 năm, Công ty GSC mới xây dựng được… 10 cây trụ điện (?!). Cũng có ý kiến nghi ngờ về năng lực tài chính của Công ty GSC. Vì, tiền đền bù giải tỏa về 300ha đất trồng rừng cho người dân xã Hòa Bắc, Công ty GSC cũng chỉ “rót”… cho có rồi im lặng cho tới nay. Đặc biệt, 120 hộ dân, chủ yếu đồng bào Cơ Tu của các thôn Tà Lang và Giàn Bí có đất bị thu hồi, nhưng chỉ chưa đầy một nửa số hộ gia đình được nhận tiền đền bù đất đai, cây trồng. Trong khi đó, đất đai đã bị thu hồi khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn.

Ông Tăng Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: Trước những bức xúc của người dân, chính quyền xã đã có văn bản lên cấp trên, song chưa có hồi âm. Xã không nắm được gì về dự án Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc, cũng như tiến độ, thời gian thực hiện công trình này...

Đáng quan tâm, việc chính quyền TP Đà Nẵng cho phép Công ty GSC xây dựng Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc đã khiến người dân hạ du sông Cu Đê hoang mang, lo ngại. Vì, sông Cu Đê vào mùa nắng hạn rất ít nước, nước biển theo đó dâng lên đến tận thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, cách bờ biển Nam Ô đến khoảng 20km. Nếu xây dựng Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc ở đầu nguồn sông Cu Đê, chắc chắn sẽ tăng thêm hạn hán, khô kiệt vùng hạ lưu vào mùa nắng nóng. Ngược lại, vào mùa mưa, dòng lũ sông Cu Đê do ngắn, dốc nên rất dữ dội. Năm nào, người dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên bên dòng Cu Đê cũng thiệt hại do lũ lụt hoành hành. Và như thế, nếu Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc được xây dựng hoàn thành và xả lũ, thì hậu quả thật khó lường…

Chưa xây xong Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc, chưa có tình trạng thủy điện xả lũ, nhưng bờ sông Cu Đê, đoạn qua xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hằng năm đã bị lũ lụt làm sạt lở nghiêm trọng.

Ông Lê Lở, Bí thư Chi bộ thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, có gần 1ha đất ven sông bị sạt lở do lũ lụt, cho rằng: “Chưa xây thủy điện mà bờ sông Cu Đê bị sạt lở rất nghiêm trọng. Hiện nay, để bảo vệ đường ĐT 601 khỏi bị cắt đứt, TP Đà Nẵng đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng bờ kè. Nếu cụm Thủy điện nhỏ Sông Nam, Sông Bắc đi vào hoạt động, chắc chắn hàng nghìn hộ dân hạ du phải chuyển đi nơi khác sinh sống… Đa số nhân dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên, hằng năm phải gánh chịu nạn lũ lụt sông Cu Đê hoành hành, đều phản đối quyết liệt việc xây dựng thủy điện ở đầu nguồn sông Cu Đê. Họ cho rằng, thủy điện lợi ít hại nhiều. Đó là chưa nói, khi dự án triển khai, trong quá trình tận thu gỗ tại rừng đặc dụng của khu vực lòng hồ, tránh sao được tình trạng “mượn gió bẻ măng”; rừng nguyên sinh đầu nguồn sông Cu Đê sẽ bị tàn sát, gỗ rừng sẽ lũ lượt kéo nhau về xuôi…

Được biết, thời gian qua, sau khi xem xét cẩn trọng, cơ quan chức năng và các địa phương đã quyết định loại bỏ khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện nhỏ trên phạm vi cả nước. Đáng tiếc, trong số thủy điện nhỏ loại khỏi quy hoạch không có Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc tại TP Đà Nẵng. Thiết nghĩ, các Bộ, ngành liên quan và UBND TP Đà Nẵng nên cân nhắc mặt lợi, mặt hại khi cho Công ty GSC tiếp tục dự án Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc, để đảm bảo pháp luật về quản lý rừng đặc dụng đầu nguồn sông Cu Đê, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân vùng hạ du sông Cu Đê…

Theo T.Công – C. Nguyễn

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM