Vì đâu DN Nhật dè dặt rót tiền vào ngành công nghiệp 68 tỷ USD của Việt Nam?
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam trong số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 42 tỷ USD tổng vốn đầu tư tính đến cuối tháng 11/2016. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết nhiều DN Nhật chưa sẵn sàng đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam.
Đã làm việc ở Việt Nam được 5 năm, ông Norihiko Muratake – Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết mình đã làm việc với rất nhiều công ty Nhật Bản và đối tác Việt Nam.
Theo ông Norihiko, có 2 điểm mà doanh nghiệp Nhật còn e ngại, chưa sẵn sàng đầu tư thêm vào ngành công nghệ thông tin – ngành có tổng doanh thu đạt gần 68 tỷ USD trong năm 2016.
Một là nỗi lo về hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam.
“Internet đang kết nối chưa được ổn định và chưa an toàn lắm. Đấy là lý do các doanh nghiệp Nhật Bản chưa sẵn sàng đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam. Đấy là vấn đề mà chúng ta cần cải thiện”, ông Norihiko nói.
Điểm thứ 2 mà đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đề cập là mức độ tuân thủ luật pháp ở Việt Nam.
“Tôi biết đơn vị quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin đang đưa ra các khung pháp lý để quản lý, tuy nhiên nó chưa đồng bộ với các ngành khác. Khi doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam, họ mong đơn vị kinh doanh của họ phải được bảo vệ theo quy định pháp luật hiện hành”.
“Các bạn nói ngành công nghệ thông tin sắp có quy định mới, nhưng còn các ngành có liên quan đến công nghệ thông tin thì sao? Khung pháp lý vẫn chưa thực sự rõ. Đấy là một trở ngại nữa với việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam”, ông Norihiko nhấn mạnh.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (FIA), tính đến cuối tháng 11/2016, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2/114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.200 dự án và 42 tỷ USD tổng vốn đầu tư.
Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 19 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và đang tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như: Công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.541 dự án, tổng vốn đầu tư 33,54 tỷ USD (chiếm 48,41% tổng số dự án và 80% tổng vốn đầu tư); Kinh doanh bất động sản với 53 dự án, tổng vốn đầu tư 1,91 tỷ USD; sản xuất, phân phối điện, khí, nước với 15 dự án, tổng vốn đầu tư 1,28 tỷ USD...