Vì đâu các hãng lữ hành như Vietravel thường thuê chuyến bay charter: Giá tốt, lịch trình linh hoạt, chẳng khác gì dùng máy bay riêng nhưng không cần sở hữu và bảo hành
Theo số liệu năm 2018, chỉ trong 6 tháng đầu năm, doanh thu cho thuê chuyến (charter) của Vietjet Air đã tăng trưởng tới 130%, lên tới 3.314 tỷ đồng.
Trong khi đó, từ 4-5 năm trở lại đây, nhiều công ty du lịch cũng đã hợp tác với các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay charter từ Việt Nam đến Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Vậy, chuyến bay charter là gì?
Khác hẳn với những chuyến bay được lên kế hoạch từ trước bởi hãng hàng không, các chuyến bay charter sẽ không nằm trong lịch trình bay đều đặn.
Tất cả ghế charter sẽ được phân phối qua một bên thứ ba (thường là các công ty lữ hành đã mua toàn chuyến như Vietravel), hoặc một cá nhân hay một nhóm người có thể thuê hẳn một chuyến bay charter riêng để phục vụ cho nhu cầu cá nhân.
Lịch sử của bay charter
Các chuyến bay charter được sinh ra để phục vụ cho nhu cầu di chuyển của các doanh nhân cấp cao, vào thời kỳ mà các chuyến bay thương mại vẫn chưa phổ biến và họ buộc phải sở hữu máy bay riêng nếu muốn di chuyển đến nơi mình muốn ngay vào lúc mình thích.
Bay nguyên chuyến luôn đảm bảo tính tiện lợi, linh hoạt và chất lượng tương đương với sở hữu một máy bay riêng, nhưng nó được yêu thích hơn hẳn vì loại bỏ được chi phí sở hữu, bảo trì và vận hành một đội bay cá nhân.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng bay charter xuất hiện ngay khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Sau những cuộc chiến khốc liệt, những phi cơ không còn được sử dụng cho mục đích quân sự được đem đi cho thuê theo thời gian cố định hoặc thuê theo từng chuyến để bù lại chi phí bảo dưỡng.
Những năm 1960 đánh dấu sự phát triển của dịch vụ cho thuê toàn chuyến, mở rộng ra các loại máy bay cỡ vừa và cỡ lớn thay vì chỉ là chuyên cơ riêng như lúc trước.
Nhưng mô hình bay charter vẫn luôn có một điểm yếu "chết người": Không ai biết máy bay charter ở đâu để mà thuê. Trước khi có Internet, các hãng bay hoàn toàn bị động trong việc quảng cáo dịch vụ của mình, họ buộc phải sử dụng những lời giới thiệu từ khách hàng hoặc các trang vàng, nhưng hai phương thức quảng cáo trên hoàn toàn không cập nhật được giá cả, lịch bay, và thời gian sử dụng.
Theo một chuyên gia: "Vào thời kỳ đó, khách hàng có nhu cầu tìm các chuyến bay charter sẽ liên tục vấp phải lịch bay không phù hợp, buộc họ phải sử dụng các chuyến bay thương mại vì không thể chờ đợi thêm."
Và mọi chuyện đã thay đổi với sự xuất hiện của Internet, các chuyến bay charter luôn được cập nhật và quảng bá rộng rãi. Một số doanh nghiệp còn đứng ra môi giới giữa hãng bay và khách hàng, chỉ cần gửi yêu cầu, họ sẽ đứng ra lo liệu mọi chuyện.
Lợi ích của bay charter là gì?
- Giá tốt: Khác với suy nghĩ của nhiều người, chi phí thuê toàn chuyến bay thường sẽ thấp hơn giá thương mại của tất cả vé cộng lại (tương tự như giá bán sỉ sẽ có giá tốt hơn giá bán lẻ). Trong một số trường hợp, do nhu cầu sử dụng máy bay sụt giảm, các hãng bay sẽ ưu tiên bán toàn chuyến với giá tốt (đỡ hơn nhiều so với việc để máy bay nằm trong kho với chi phí bảo dưỡng và khấu hao đều đặn).
- Linh hoạt: Địa điểm và thời gian hoàn toàn được người mua quyết định, các chuyến bay charter trở nên cực kỳ linh hoạt so với dịch vụ bay thông thường.
- Giá cả rõ ràng: Khác với muôn trùng phí và các dịch vụ cũng như sản phẩm bán kèm trên các chuyến bay thương mại, chuyến bay charter sẽ có một mức phí tổng rõ ràng và xác định.
- Đỡ phiền phức: Các chuyến bay charter thường là bay thẳng, khách hàng sẽ tiết kiệm được một khoảng thời gian (và sức lực) khi không phải chờ quá cảnh.
- Thích hợp cho những trường hợp đặc biệt: Với khả năng hỗ trợ linh hoạt, các chuyến bay charter dễ dàng làm hài lòng những khách hàng cũng như hàng hóa khó tính nhất.
Bất lợi của bay charter?
Tất nhiên là bay charter hoàn toàn không "hoàn hảo", đối với các hãng hàng không, các chuyến bay charter sẽ có tỷ suất lợi nhuận kém hơn so với các chuyến bay thương mại thông thường.
Tiếp theo đó, đa phần các bất lợi sẽ đến từ phía khách hàng sử dụng các dịch vụ bay charter:
- Chật chội: Vì đã mua hẳn một chuyến bay, các công ty thường sẽ lấp đầy hết sức có thể để tối đa doanh thu, điều này cũng đồng nghĩa rằng cơ hội được thoải mái ngồi cạnh ghế trống là gần như không tồn tại.
- Hủy chuyến: Nếu không đảm bảo được lợi nhuận, các chuyến bay charter có thể buộc phải hủy chuyến rất gần ngày khởi hành. Và vì nó không nằm trong lịch bay cố định của các hãng, nên khách hàng có thể lâm vào tình trạng "đem con bỏ chợ", buộc phải tự kiếm một chuyến khác cho phù hợp.
Lợi ích khi FLC và Vietravel tham gia hàng không
Ngoài việc gia tăng cạnh tranh, việc các "hãng du lịch" bắt tay vào kinh doanh hàng không sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là những "deal giảm giá" vào giờ chót.
Không giống như các chuyến bay thương mại được nhiều người theo dõi và thậm chí là đặt vé chỉ vài giờ trước khi xuất phát, các chuyến bay charter sẽ chốt số lượng khách bay từ rất sớm, sau đó tung ra các khuyến mãi "khủng" nhằm lấp đầy ghế trống.
Mô hình trên mở ra cơ hội săn vé giá rẻ cho các "chuyên gia du lịch", vì trong mắt những người vận hành chuyến bay charter, cả chuyến bay đã được thanh toán rồi, tại sao lại không cố gắng thu nhiều tiền nhất có thể?