"Vào tù" để được... tự do
Không ít người căng thẳng và kiệt sức vì áp lực cuộc sống đã tìm được sự giải thoát khi đến tá túc tại một trung tâm mô phỏng nhà tù ở Hàn Quốc mang tên "Prison Inside Me" (tạm dịch: Nhà tù trong tôi).
Nằm ở khu Hongcheon, cách thủ đô Seoul khoảng 100 km, Prison Inside Me ra mắt vào năm 2008 theo ý tưởng của ông Kwon Yong-seok, cựu công tố viên từng làm việc 100 giờ/tuần.
Ông Kwon chia sẻ với kênh Al Jazeera: "Tôi kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng không đủ dũng cảm để từ bỏ công việc. (...) Sau đó, tôi nghĩ về việc biệt giam mình trong một tuần. Kết quả, tôi nhận ra được mình nên làm gì tiếp theo nhờ không có thuốc lá, rượu bia, các mối quan hệ người với người, sếp và công việc căng thẳng. Tôi nghĩ ra Prison Inside Me như vậy đó".
Hơn 2.000 người đã bước vào Prison Inside Me trong những năm qua, chia sẻ 28 phòng giam nơi đây. Người tham gia có thể là nhân viên văn phòng, sinh viên, ông chủ doanh nghiệp hay người nội trợ và lựa chọn thời gian biệt giam từ 24 giờ đến một tuần. Trước khi vào "tù", mọi người phải nộp điện thoại di động cũng như những món đồ cá nhân khác, sau đó thay đồng phục tại đây.
Một “tù nhân” nhận bữa cơm qua khe cửa phòng giam “Prison Inside Me” tại Hàn Quốc Ảnh: CBC
Trong "tù" có các hoạt động tinh thần theo nhóm và sách hướng dẫn song trong hầu hết thời gian, "tù nhân" thu mình trong phòng giam rộng 6 m2, chỉ với một cuốn nhật ký, thảm tập yoga và một nút khẩn cấp. Các cánh cửa với ô kính hẹp được sơn màu xám mang lại cảm giác giống nhà tù thật và bị khóa từ bên ngoài nhưng "tù nhân" vẫn có thể mở cửa từ bên trong nếu cần. Các bữa ăn được phục vụ thông qua khe cửa.
Bà Noh Jihyang, vợ ông Kwon và đồng sáng lập Prison Inside Me, cho hay những người tham gia nói họ cảm thấy hạnh phúc và tự do nhiều nhất khi ở đây. "Họ nói nhà tù không phải là những phòng giam nhỏ này mà chính là thế giới ngoài kia" - bà Noh kể.
Anh Jong Hyup-lee, một lập trình viên máy tính 37 tuổi, phấn khởi nói với kênh Al Jazeera: "Sau một tuần ở đây, tôi nhận ra tất cả lo lắng trước đó đều do bản thân tự tạo nên và tôi đã có thể giải thoát mình khỏi chúng cũng như cuộc sống ngột ngạt của chính tôi".
Mặc dù không nghĩ rằng 24 giờ hoặc 48 giờ ở Prison Inside Me đủ để thay đổi cuộc sống của ai đó nhưng ông Kwon cho đó là cơ hội bắt đầu sự thay đổi. Dĩ nhiên, sự thay đổi này không dễ dàng gì nếu nhìn vào thực tế người dân Hàn Quốc làm việc trung bình khoảng 2.024 giờ hồi năm ngoái, cao thứ 3 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhằm giúp người dân cân bằng cuộc sống và công việc tại đất nước làm việc quá mức nhất châu Á (trung bình nhiều hơn Mỹ 300 giờ), chính phủ Hàn Quốc quy định giảm giờ làm từ 68 giờ còn 52 giờ/tuần hồi tháng 7.
Dù việc giảm số giờ làm việc "dài đến vô nhân đạo" được đảng cầm quyền ủng hộ nhưng cộng đồng doanh nghiệp lại phản đối dữ dội. Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc ước tính các doanh nghiệp nước này phải chi thêm 12.000 tỉ won (11 tỉ USD) vì quy định giảm giờ làm trên.
Thậm chí, chuyên gia kinh tế Kim Tae-gi nói với báo Financial Times: "Chỉ có 1/10 người lao động có thể hưởng lợi từ sự thay đổi. Ở hầu hết doanh nghiệp nhỏ, người lao động sẽ bị giảm thu nhập do bớt giờ làm việc".