Vào năm 2035 bạn thức dậy và thấy đau họng: Có thể vẫn là SARS-CoV-2 đó nhưng không còn COVID-19 nữa

20/02/2021 16:20 PM | Công nghệ

Biến thể nghĩa là virus SARS-CoV-2 nhiều khả năng không biến mất, nhưng căn bệnh COVID-19 nó gây ra có thể sẽ nhẹ đi.

Tháng 12 năm 2020, khi những liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên được tiêm tới người dân bên ngoài thử nghiệm lâm sàng, ít nhiều, người ta đã nhìn thấy le lói phía cuối đường hầm sự kết thúc của đại dịch. Chỉ cần thắp sáng những xưởng sản xuất vắc-xin xuyên màn đêm, phân phối thật nhiều những mũi tiêm tới tận bắp tay của nhiều người nhất có thể, đại dịch sẽ được giải quyết trước mùa hè năm 2021.

Nhưng cũng không mất quá nhiều thời gian để sự hưng phấn ấy của công chúng tan biến. Một số nhà khoa học thậm chí nghĩ đó chỉ là một ảo tưởng khi các chủng virus SARS-CoV-2 biến thể bắt đầu xuất hiện. Một số virus đã nhặt được những gen kháng vắc-xin và thế là ánh sáng hi vọng phía cuối đường hầm bị bịt lại.

Vào năm 2035 bạn thức dậy và thấy đau họng: Có thể vẫn là SARS-CoV-2 đó nhưng không còn COVID-19 nữa - Ảnh 1.

Con đường thẳng tắp dẫn tới ngày kết thúc đại dịch COVID-19 giờ bị biến thành một mê cung, và các lựa chọn lại được bày ra, trở nên rẽ nhánh và hết sức phức tạp.

Tất nhiên, chúng ta vẫn còn hi vọng, nhưng hi vọng đó sẽ phải kéo dài hơn và gian nan hơn. Vắc-xin cần phải được cập nhật để chạy đua với tốc độ biến thể của virus. Và cũng có một khả năng xảy ra, con người sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp.

SARS-CoV-2 sẽ trở thành một thứ dịch bệnh dai dẳng giống như cúm mùa, và COVID-19 có thể không bao giờ biến mất.

Khi virus biến thể, nó đặt loài người vào một mê cung mới

Shane Crotty, một nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla, California cho biết: "Giống với sởi và bại liệt, một khi bạn có được một loại vắc-xin COVID-19 có thể ngăn ngừa được hầu hết mọi trường hợp lây nhiễm, bạn tiêm vắc-xin đó trong đất nước của mình và bạn sẽ ổn mặc cho COVID-19 có thể vẫn lây lan ở các quốc gia khác trên thế giới".

Nhưng virus SARS-CoV-2 đáng tiếc không phải virus sởi hay bại liệt. Là một chủng corona, SARS-CoV-2 đột biến chậm nhưng rất nguy hiểm nếu nó tích lũy được các đột biến tái tổ hợp. Một mặt, virus này có thể lây lan nhanh hơn, mặt khác, nó có thể trốn tránh hệ miễn dịch, thậm chí cả vắc-xin mà con người đã phát triển cho chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Và đó không phải là một dự đoán mà chính xác là những gì đã xảy ra ở Anh, Nam Phi và Brazil. Chủ nhật tuần trước, Nam Phi đã đình chỉ vắc-xin của AstraZeneca sau một cuộc thử nghiệm cho thấy loại vắc-xin này kém hiệu quả với biến thể B.1.351 của virus SARS-CoV-2.

Các bằng chứng sơ bộ cho thấy những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có thể nhiễm một chủng biến thể mới của SARS-CoV-2.

"Vậy đại dịch có thể kết thúc không? Khi nào thì nó dừng lại? Khi nào chúng ta có thể vẫy một lá cờ ca rô ở cuối vạch đích và nói rằng tất cả những điều này đã kết thúc?", Yonatan Grad, một chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Harvard tự hỏi.

Và ông ấy tự trả lời: "Tôi không nghĩ rằng virus này sẽ bị xóa sổ. Và sẽ không có một thời điểm rõ ràng nào để ăn mừng".

Vào năm 2035 bạn thức dậy và thấy đau họng: Có thể vẫn là SARS-CoV-2 đó nhưng không còn COVID-19 nữa - Ảnh 2.

"Tôi không nghĩ rằng virus này sẽ bị xóa sổ. Và sẽ không có một thời điểm rõ ràng nào để ăn mừng", Yonatan Grad, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Harvard cho biết.

Điều duy nhất chúng ta có thể làm để đối phó với một chủng virus biến thể liên tục là phải giám sát nó chặt chẽ, cập nhật vắc-xin và đẩy mạnh chiến dịch chủng ngừa liên tục. Angela Hwang, giám đốc điều hành của Pfizer do vậy cũng đã nhắm trước:

Vắc-xin dành cho COVID-19 sẽ là một "ngành kinh doanh lâu bền" chứ không phải loại vắc-xin dùng một lần.

Nhưng: Vấn đề không phải virus, mà là căn bệnh nó gây ra

Thực tế có vẻ ảm đạm kể trên che lấp một khả năng tươi sáng hơn, trong đó một số chuyên ra dịch tễ cho rằng COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh nhẹ đi theo thời gian, nhất là sau khi chúng ta được tiêm phổ cập vắc-xin.

Nghiên cứu của Johnson & Johnson cho thấy các mũi vắc-xin COVID-19 của họ có thể chống lại được cả biến thể SARS-CoV-2 và giảm độc lực của virus sau đó. Những người đã tiêm vắc-xin mà vẫn mắc COVID-19 với biến thể mới cũng có triệu chứng nhẹ hơn.

Và ngay cả khi AstraZeneca không thể bảo vệ khỏi biến thể SARS-CoV-2 Nam Phi, cũng có những dữ liệu ít ỏi cho thấy nó vẫn giúp người được tiêm tránh nguy cơ mắc COVID-19 ở thể suy hô hấp nặng.

"Nhiễm virus không phải là vấn đề - căn bệnh mà nó gây ra mới là vấn đề", Moncef Slaoui, cố vấn khoa học của Chiến dịch Warp Seed thúc đẩy phát triển vắc-xin và thuốc chữa COVID-19 tại Mỹ cho biết. Ví dụ như sau đại dịch cúm năm 1918, virus H1N1 vẫn lưu hành theo mùa, nhưng căn bệnh mà nó gây ra không còn nặng và nghiêm trọng nữa.

Marc Veldhoen, một nhà miễn dịch học tại Đại học Lisbon, đã vẽ một bức tranh về những gì có thể xảy ra vào năm 2035, trong một thế giới mà SARS-CoV-2 vẫn còn lưu hành:

"Một ngày nọ, bạn có thể thức dậy với một cơn sốt nhẹ và nghẹt mũi. Nếu được xét nghiệm, bạn sẽ phát hiện ra mình bị nhiễm SARS-CoV2. Nhưng không có gì phải lo lắng cả, có thể bạn đã bị nhiễm virus này tới hai lần rồi – nó chỉ gây cảm lạnh nhẹ mà thôi.

Tuy nhiên, bạn có thể lây nhiễm nó cho người khác. Nhưng một khi tất cả chúng ta đều có một mức độ miễn dịch nhất định, chúng ta sẽ cùng làm giảm được gánh nặng bệnh tật trong dân số. Virus sẽ không đi qua quần thể như cháy rừng nữa".

Vào năm 2035 bạn thức dậy và thấy đau họng: Có thể vẫn là SARS-CoV-2 đó nhưng không còn COVID-19 nữa - Ảnh 3.

Những đứa trẻ sinh ra trong thập kỷ này có thể bị nhiễm COVID-19 ngay từ thời thơ ấu và định kỳ tái nhiễm nó.

Jennie Lavine, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Emory cho biết đó là một kịch bản khả dĩ, giống với tình huống tương tự như việc chúng ta vẫn bị phơi nhiễm lặp đi lặp lại với chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường.

Cô trích dẫn một bài báo gần đây trên tạp chí Science nói về cách mà virus SARS-CoV-2 cũng có thể trở thành một chủng corona lành tính, gây bệnh nhẹ nhưng lưu hành lâu bền - tương tự như bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Nếu điều này thực sự xảy ra, những đứa trẻ sinh ra trong thập kỷ này có thể bị nhiễm COVID-19 ngay từ thời thơ ấu và định kỳ tái nhiễm nó. Tất nhiên, những lần tái nhiễm sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào cả, ngoài một đợt sổ mũi hoặc viêm họng.

Con đường dẫn đến miễn dịch cộng đồng

Nhưng để có được một viễn cảnh như Veldhoen nói, trong đó, một người có thể nhiễm đi nhiễm lại SARS-CoV-2 tới vài lần mà chỉ bị mắc bệnh nhẹ, chúng ta sẽ phải đạt được miễn dịch cộng đồng với vắc-xin càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia nhất trí về điều này: Các chiến dịch tiêm chủng đều cần phải tăng tốc ngay từ bây giờ. Và vì nguồn cung cấp vắc-xin có thể sẽ bị hạn chế trong nhiều năm, nên chúng ta cần phải chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra khi virus lây lan trở lại với các đột biến mới.

Ravindra Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cho biết: "Nếu chúng ta có thể tiêm vắc-xin ngay lập tức cho tất cả mọi người, chúng ta sẽ ổn. Nhưng với rất nhiều lần lây truyền và vắc-xin không được cung cấp nhanh như chúng ta mong muốn, bây giờ vẫn là một thời điểm khó khăn".

Đó là bởi chỉ cần có bất kỳ khu vực nào trên hành tinh chưa được tiêm vắc-xin, đó cũng trở thành một đống lửa cháy âm ỉ, có thể bùng phát bất cứ lúc nào và lan ra cả thế giới. Miễn là virus còn lưu hành cao trong quần thể đó, chúng sẽ được đặt dưới một áp lực chọn lọc tự nhiên để tiến hóa nhanh hơn và mạnh hơn, trốn tránh được hệ miễn dịch cũng như vắc-xin của con người.

Nhưng vẫn có một lý do chính đáng để hy vọng rằng ngay cả khi kịch bản đó xảy ra, tình hình sẽ không lặp lại như đại dịch năm 2020. Ít nhất, chúng ta cũng sẽ không phải đối phó với một dịch bệnh hoàn toàn mới, không hề có sự chuẩn bị miễn dịch.

Một số nhà khoa học nghĩ rằng ngay cả khi chúng ta trang bị được khả năng miễn dịch một phần với SARS-CoV-2 thì các chủng biến thể của nó cũng không thể gây ra bệnh nặng hơn nữa. Có thể, giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua và dẫu sao chúng ta cũng nên lạc quan hơn về một tương lai phía trước.

Tham khảo Nytimes

THANH LONG

Cùng chuyên mục
XEM