Vào cuộc chơi chung, phải đổi mới!

11/04/2016 08:54 AM | Kinh tế vĩ mô

Đổi mới để đất nước phát triển tốt hơn, để người dân có quyền biết tiền của họ được chi tiêu thế nào.

LTS: Tuần trước, ông Bùi Quang Vinh là bộ trưởng - thành viên Chính phủ được Quốc hội lưu luyến nhất, khi nhiều đại biểu chưa muốn ông nghỉ lúc này. Cũng như vậy, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII hồi đầu năm, ông cũng được nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục tham gia trung ương.

Điều gì đã tạo nên sự hấp dẫn ở một chính trị gia như vậy? Bài phát biểu của ông Vinh, trong một hội thảo góp ý cho “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới soạn thảo, mà chúng tôi giới thiệu dưới đây có thể phần nào giúp giải đáp câu hỏi này.

Dư địa phát triển từ năm 1986 đến nay đã cạn dần, đặc biệt gần đây kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhiều rào cản lớn xuất hiện. Có những khác biệt đang trở thành rào cản trong chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường đầy đủ, là nguyên nhân làm méo mó phân bổ nguồn lực, lãng phí tài nguyên, con người, làm thị trường không phát huy đầy đủ chức năng của nó. Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách, tạo hệ thống động lực để khuyến khích phân bổ lại nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn.

Mặc dù có nhiều thành tựu nhưng chúng ta cũng thấy rằng nền kinh tế Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh hơn, trong khi chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ. Chúng ta đã quyết tâm hội nhập mà không đổi mới mình, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thì chắc chắn thất bại.

Phải đổi mới toàn diện

Việt Nam đã qua hơn 30 năm đổi mới, 40 năm sau ngày thống nhất đất nước. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu so với chính chúng ta nhưng so với bạn bè cùng điều kiện thì chúng ta chậm hơn, thậm chí có khoảng cách rất xa.

Động lực của 30 năm đổi mới, chuyển từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, dù chưa đầy đủ và hiện đại nhưng đã là một thành tựu vĩ đại. Đó là bước chuyển sang tự do, giúp cởi trói, khơi đậy động lực của nền kinh tế.

Nhưng rõ ràng chúng ta đã tới hạn, nếu tiếp tục như thế thì đất nước không phát triển thêm, thậm chí rối loạn.

Chúng ta đã tích cực hội nhập nhưng chưa có giải pháp cần để tận dụng cơ hội và hạn chế tiêu cực của hội nhập. Đây là điều rất đáng lo. Hội nhập là sức ép lớn để cải cách thể chế . Đây là sự thật. Chúng ta vào cuộc chơi chung thì phải đổi mới, nếu không sẽ thất bại.

Song, cải cách thể chế cần đi đôi với cải cách chính trị. Điều này không mới và chúng ta có chung nhận thức. Muốn đổi mới về kinh tế thì trước hết cần đổi mới về thể chế chính trị. Vấn đề này tôi đã suy nghĩ nhiều năm, ngay sau Đại hội XI và chúng tôi đã tổ chức hội thảo nhiều lần ở hội trường này.

Xin khẳng định rõ ở đây là đổi mới thể chế chính trị không có nghĩa là thay đổi Đảng hay thay đổi CNXH. Chúng ta khẳng định Đảng Cộng sản vẫn lãnh đạo, vì đó là lựa chọn của nhân dân, của lịch sử. CNXH cũng không thay đổi vì đó là điều tốt đẹp cho mỗi con người Việt Nam.

Qua các thời kỳ, Đảng đã chứng tỏ khả năng thay đổi, năng động, sáng tạo. Lịch sử của Đảng rút ra điều này rồi cho nên lúc này phải đổi mới.

Đổi mới thể chế kinh tế đi đôi với thể chế chính trị không có gì mới, vì đó là yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XI được thông qua năm 2011. Chỉ có điều năm năm qua triển khai đổi mới trong kinh tế nhiều hơn, trong khi những đổi mới thực sự trong chính trị chưa được nhiều…

Chúng ta thống nhất là lần này, chúng ta phải đổi mới một cách toàn diện, phải thay đổi bộ máy để phù hợp với kinh tế thị trường.

Làm rõ vai trò cá nhân: Chọn người tài, loại người kém

Muốn đổi mới thì phải có dân chủ… Phải hướng đến dân chủ trực tiếp (Hiến pháp đã quy định) để chọn người tài.

Vai trò cá nhân phải rõ ràng hơn… Nếu không làm rõ vai trò cá nhân thì không thể xác định được ai hoàn thành nhiệm vụ, ai không. Cốt lõi vấn đề ở đây. Không làm rõ được vai trò cá nhân thì sao loại được người kém ra. Đây là cốt lõi sâu xa. Mà vấn đề dân chủ, trách nhiệm cá nhân thế giới đã làm.

Trong kinh tế, kinh tế tư nhân làm rất rõ vai trò cá nhân. Họ làm được thì ăn, không thì chết. Trách nhiệm cá nhân gắn với từng đồng bạc của họ.

Còn bên Nhà nước, không rõ ràng gì cả. Cá nhân mang danh tập thể tiêu tiền của Nhà nước. Có sai cũng không kỷ luật được ai vì không biết cá nhân ai sai.

Chúng ta bức xúc trước những vấn đề không giải quyết được như thế này. Đây là nguyên nhân sâu xa thuộc về nguyên lý quản lý, trong thể chế nên chúng ta phải đổi mới. Đổi mới để đất nước phát triển tốt hơn, để người dân có quyền biết tiền của họ được chi tiêu thế nào.

* * *

Thành tựu 70 năm hiện hữu trên quảng trường Ba Đình dịp lễ Quốc khánh 2-9 vừa rồi với diễu binh, diễu hành… Nhưng chúng tôi muốn bổ sung rằng dù thành tựu trên quảng trường như vậy thì vẫn còn rất nhiều vấn đề làm Việt Nam tụt hậu, còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Khi chúng ta mở cửa lớn như vậy mà không tận dụng được cơ hội lớn, để rơi mất, vuột đi thì khi “tỉnh giấc” cũng chẳng lấy lại được. Đi ra ngoài, thấy họ làm được, sao ta không làm được? Đó là điều nhức nhối, xấu hổ!

Không ảo tưởng các chuyện này sẽ thay đổi một sớm một chiều nhưng nếu không ai nói, không đặt ra vấn đề thì xã hội sẽ đi đến đâu? Đây là trách nhiệm của cơ quan xây dựng chính sách, trong đó có bộ của tôi - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sự khác biệt Bùi Quang Vinh!

Nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân đã bày tỏ sự lưu luyến đối với Bộ trưởng Vinh - người mạnh miệng nói về những cải cách mạnh mẽ cho kinh tế đất nước!

Ở Đại hội XII, sau khi có bài phát biểu làm dậy sóng hội trường, ông là một trong số 62 người được nhiều đại biểu tham dự đại hội đề nghị tái cử. Nhớ lại, trong bài phát biểu ấy, ông đã thẳng thắn: “Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách”. Trăn trở về con đường phát triển của quốc gia, ông khẳng khái nói: “Việt Nam phải đi trên con đường nhân loại đã đi”. Những điều ông nói có thể không mới nhưng lại là điều cần thiết trong bối cảnh vẫn còn những nhóm lợi ích lưu luyến với những gì cũ kỹ, vốn chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng.

Sức ép này như ông thừa nhận với báo chí: “Cái mới thì luôn bị phản đối. Đổi mới thì không thể tránh được việc đụng chạm lợi ích của từng ngành, từng cá nhân. Đổi mới mà không bị phản ứng thì không phải là đổi mới. Vì khi đổi mới, minh bạch thì nhiều người không thể lợi dụng để tư lợi nên họ phải phản ứng.” Chắc chắn chỉ có suy nghĩ về lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc mới giúp ông đủ sức vượt qua những phản ứng.

Thể chế và con người, như ông nói là hai nhân tố quyết định để phát triển đất nước. Cũng như nhiều người tâm huyết với dân tộc, ông đồng quan điểm phải tuyển dụng được những người tài để đảm nhận những vị trí quan trọng ở nhiều tầng nấc xã hội. Bởi ông hiểu rằng chỉ có những người tài mới có thể sản sinh ra thể chế tốt và kiểm soát nó. Nếu không con đường phát triển của Việt Nam vẫn lạc điệu với những thể chế tiên tiến, hiện đại nhất của nhân loại.

Đôi lúc trong những cuộc trao đổi riêng, ông bày tỏ mình không muốn nói gì nữa trong lúc này. Thế nhưng những trăn trở về đất nước, về doanh nghiệp, cộng đồng luôn thường trực trong con người ấy. Ngay trong buổi họp, được xem như cuối cùng với tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà ông làm tổ trưởng, những phát biểu của ông vẫn thẳng thắn: “Nếu tất cả vì lợi ích chung thì xử lý không khó. Nhưng nếu lý sự kiểu quyền anh, quyền tôi, luật ngành anh, luật ngành tôi thì sẽ rất khó giải quyết những khó khăn phát sinh”.

Thôi thì chúng ta cứ tin vào điều mà ông nói về cải cách: “Đơn giản, muốn biến củ sắn to thành bột mịn thì cũng phải qua các công đoạn chặt nhỏ, xay thành bột, sau đó mới lọc sơ rồi lọc kỹ. Nếu dùng rây lọc mịn ngay từ đầu thì sẽ tắc”.

Ông sẽ nghỉ ngơi và có thể sẽ về làm ruộng như ông đã từng tâm sự với báo giới khi còn rất nhiều điều dang dở. “Tôi nghĩ rằng trách nhiệm với đất nước, với dân tộc phải được đặt lên trên lợi ích của bản thân, của ngành mình”. Lời tâm sự gần như là cuối cùng này của ông với báo giới cuối năm 2015 cho chúng ta niềm tin: “Tinh thần Bùi Quang Vinh” chắc hẳn sẽ vượt ra khỏi khuôn viên của Bộ KH&ĐT. Bởi tinh thần của ông là sự khác biệt và sự khác biệt ấy cần được hiểu ở góc độ tích cực nhất!

Chân Luận

Theo Tư Giang

Cùng chuyên mục
XEM