Valentine cho những cặp vợ chồng: Để hôn nhân là không là "mồ chôn" tình yêu, phụ nữ ơi đừng tự cho mình "hy sinh" nữa!
Tôi đã từng biết rất nhiều người, người vợ có thể đi làm và rồi nghỉ làm, bởi người chồng vẫn làm việc và có thu nhập. Người vợ sẽ dễ dàng nói câu "em không đi làm nữa". Nhưng hiếm có người chồng nào nói câu "anh không đi làm nữa, áp lực quá". Vậy nên, mỗi giới đều có sự hy sinh riêng.
Ngày lễ tình nhân là dịp để chúng ta thổ lộ, chia sẻ và cho những tình yêu vốn có hay chớm nở ngày một vững bền. Đây không chỉ là dịp lễ kỉ niệm dành cho các cặp đôi đang yêu, đó còn là thời điểm để những cặp vợ chồng đã cưới cùng nhìn lại hành trình tình yêu và cuộc sống hôn nhân của mình, làm sao để giữ mãi ngọn lửa hạnh phúc.
Sau khi đọc bài “Có một kiểu người, được “tuyển dụng” nhiều năm, làm việc vất vả, nhưng tiền thưởng cuối năm bằng không, nhưng vẫn không muốn từ chức: đó chính là vợ bạn”, tôi bỗng suy ngẫm vài điều đến vai trò giữa người vợ và người chồng.
Câu nói trên không sai. Nhưng đứng trên khía cạnh một doanh nghiệp, thử hỏi, doanh nghiệp sẽ thưởng cho những ai làm việc vất vả, hay sẽ ưu tiên thưởng cho những nhân viên mang lại hiệu suất cao cho doanh nghiệp?
Rõ ràng, trong thời đại ngày nay, doanh nghiệp sẽ thưởng rất hậu hĩnh cho những nhân viên thuộc vế thứ hai.
Viết như thế để nói rằng, những người vợ ngày nay cần thoát ra khỏi vỏ bọc “làm việc chăm chỉ và vất vả”, mà hãy nghĩ rộng hơn khi tập trung vào việc định hướng con cái, xây dựng văn hóa gia đình và trở thành người bạn tâm giao của chồng – những công việc mang tính ảnh hưởng và giá trị cao cho gia đình. Bởi lẽ các công việc mang tính thường xuyên, lặp đi lặp lại có thể dễ dàng “thuê bên ngoài”, như người giúp việc theo giờ. Không ai nói rằng bạn không nên nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… nhưng hãy làm với niềm đam mê như vậy, thành quả của bạn sẽ trở nên tốt hơn, sáng tạo hơn, mang lại giá trị cao hơn. Đừng suốt ngày nghĩ rằng, đây là sự vất vả và chăm chỉ của tôi, tôi hy sinh vì gia đình này…
Người viết là một phụ nữ và cũng là nhân viên văn phòng đang có công việc tốt nên ít nhiều có sự quan sát thế hệ 7x và 8x hiện đại. Xã hội ngày nay vô tình gán ghép cho phụ nữ cái danh "người hy sinh", thật ra vô tình tạo cho người phụ nữ một sự đáng thương và một sự ỷ lại. Cũng vô tình tạo nên cho người đàn ông một áp lực tâm lý và trách nhiệm không đáng có.
Người phụ nữ làm công việc nhà bởi lẽ họ là những người tỉ mỉ, khéo quán xuyến và đảm đang. Người đàn ông đi làm bên ngoài, kiếm tiền bởi lẽ họ là những người giỏi giao tiếp, có khả năng chịu đựng áp lực tốt từ xã hội. Đơn giản chỉ là phân công công việc trong một gia đình. Tại sao lại là hy sinh? Hy sinh chỉ khi bạn phải đánh đổi một thứ gì đó đang rất tốt để lấy một thứ rủi ro. Trong cùng một hoàn cảnh, người vợ sẽ giơ tay xung phong ở nhà hay đi làm, đó là sở thích, phân công lao động, năng lực của chính họ và cũng do bởi họ có "dám và kiên nhẫn" đối mặt với nhiều sự phức tạp ở xã hội hay không.
Tôi đã từng biết rất nhiều người, người vợ có thể đi làm và rồi nghỉ làm, bởi người chồng vẫn làm việc và có thu nhập. Người vợ sẽ dễ dàng nói câu "em không đi làm nữa". Nhưng hiếm có người chồng nào nói câu "anh không đi làm nữa, áp lực quá". Vậy nên, mỗi giới đều có sự hy sinh riêng. Ngược lại, người phụ nữ của gia đình có thể vì áp lực, vì mệt mỏi không làm việc nhà trong mấy ngày, nhưng người chồng vẫn phải nhìn sắc mặt của sếp, của đồng nghiệp, của thị trường mà làm việc một cách cần mẫn ngày qua ngày.
Vấn đề ở đây là mỗi thời đại đã mỗi khác.
Nếu trong quá khứ từ thế hệ 6x trở về trước, người phụ nữ chịu nhiều định kiến, khi xã hội còn giản đơn và ít tiện nghi, việc tề gia nội trợ được xem là công việc hàng đầu của phụ nữ. Nhưng ngày nay, xã hội phát triển, vai trò của người vợ đang rất khác. Nếu chúng ta suốt ngày cứ ra rả từ "hy sinh" với phụ nữ, tôi e rằng một cách nào đó chúng ta đang làm "hư" phụ nữ Việt Nam, làm họ không tiến bộ. Bởi lẽ, họ nghĩ rằng chỉ cần họ làm việc vì gia đình, họ có "quyền" được "bù đắp" vì họ đang hy sinh. Trong khi, đó chỉ là sự phân công lao động, hoặc đơn giản là họ không thích đi làm bên ngoài mà thôi.
Tôi tự hỏi cái chúng ta cần bây giờ là kêu gọi phụ nữ phải độc lập, bởi lẽ đến thời đại này, vẫn còn có tư tưởng "tôi đang hy sinh, nên anh phải cả đời chăm lo cho tôi, có trách nhiệm". Trong khi, những gì họ cần nên tập trung là sự độc lập, sự tự rèn luyện bản thân, sự phát triển để tạo ra giá trị tốt hơn cho gia đình. Bởi lẽ, con cái giờ đã khác, xã hội đã khác, thị trường cũng đã khác, và ngay cả chồng cũng đã khác… Cuôc sống nào có đứng yên bao giờ.
Con cái chúng ta giờ đã nói đến chuyện thiên nhiên, môi trường, thể thao, đội nhóm, thậm chí là thế giới; xã hội ngày một hiện đại, văn minh; nền kinh tế mở, chưa bao giờ đi du lịch nước ngoài lại dễ dàng đến thế, giúp chúng ta mở rộng tầm mắt, học hỏi được nhiều thứ xung quanh; chồng bạn cũng tư duy nhiều hơn, nhiều cải tạo/sáng kiến hơn để từng bước khẳng định bản thân; bạn cũng dùng smartphone nhiều hơn, đặt hàng online nhiều hơn. Vậy thì hà cớ gì, bạn lại cứ nói đến những câu chuyện của chục năm về trước?
Đồng ý rằng, trong một gia đình, cần có sự chia sẻ và thấu hiểu. Nhưng quan trọng hơn, cốt lõi của vấn đề là sự phát triển đồng đều, nếu không cùng một đường đua và một đích đến, thì làm sao hiểu nhau được. Vậy nên, đâu là những vấn đề cần ưu tiên trong thời đại ngày nay, chồng/ vợ/ con cái cần trang bị gì để không bị lệch pha… nếu không sẽ trở thành quá muộn để chia sẻ và thấu hiểu. Và rồi phải vin vào hai chữ "hy sinh" để níu kéo mọi thứ.
Tôi nhớ mãi có một câu chuyện từ một anh bạn. Anh đang loay hoay, bị mắc kẹt ở ngã ba đường khi sư phát triển và nhận thức của anh và vợ đang khác nhau. Anh kể, trong một lần đi du lịch, anh đã dạy con: viết lời cảm ơn cho các cô phục vụ phòng, vì anh muốn dạy con sự biết ơn người khác. Chị vợ không ngăn cản nhưng bâng quơ "tiền phục vụ phòng đã được tính trong gói tiền phòng rồi anh ơi". Ý chị là không cần cảm ơn cũng không sao. Câu chuyện ở đây, không có bên đúng bên sai, nhưng quan trọng ở chỗ sự phát triển và vấn đề ưu tiên… của hai người đã khác nhau.
Vậy nên, đối với mỗi người phụ nữ chúng ta, hãy nghĩ rằng đàn ông cũng có những nỗi niềm riêng. Và phụ nữ hay đàn ông đều không hy sinh gì cả. Đối với những người phụ nữ đang là nội trợ, hãy cố gắng trau dồi bản thân để phát triển cùng sự phát triển của xã hội, cùng sự phát triển của con cái, cùng sự phát triển của chồng,… để đảm bảo cả hai sẽ không có khoảng cách quá xa.
Trong một mối quan hệ, quan trọng là sự cùng phát triển, tránh lệch pha, vì đó là xuất phát điểm khi chúng ta đến với nhau. Một mối quan hệ mà dựa vào sự "hi sinh" sẽ không mang lại hạnh phúc bởi lẽ đã rất khác so với cái định nghĩa là "tình yêu". Và hãy nhớ rằng "hy sinh" là khi chúng ta bị ép làm một điều gì đó, và phải đánh đổi giữa một việc rất tốt cho một thứ rất rủi ro, đó mới gọi là hy sinh…
Tôi xin dẫn một ý rất hay trong quyển sách tôi tâm đắc: "Ít nhất bạn phải có được khả năng rời xa bất kỳ ai bất cứ khi nào. Ít nhất, hãy có một công việc tốt, có những người bạn tốt và có những mục tiêu đeo đuổi về mặt tinh thần. Đó mới là sự ổn định nhất. Sự ổn định mà người khác mang lại, về bản chất đã không ổn định rồi".
Vậy thì hỡi những người phụ nữ Việt Nam thế hệ mới, hãy tự thay đổi bản thân, phát triển mỗi ngày… để ít nhất dịp cuối năm, bạn có cơ hội tự thưởng Tết cho bản thân (không cần trong tâm lý chờ đợi), và hai vợ chồng "tự thưởng Tết" nhau vì cảm ơn sự đồng hành trong suốt một năm qua.