Ủy ban thường vụ Quốc hội: Nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều cần sớm xử lý

12/06/2017 16:41 PM | Kinh tế vĩ mô

Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể.

Chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưa nợ xấu về mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể.

Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hiện đã được pháp luật quy định đầy đủ và đã được bổ sung trong nguyên tắc xử lý nợ xấu quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Việc áp dụng các quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Mới đây trong phiên làm việc sáng 7/6, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng chỉ ra 2 nhóm nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo đó nhóm nguyên nhân khách quan, gồm có lý do như thời gian qua sự bất ổn về chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như tác động của chu kỳ kinh tế và khủng hoảng trên thị trường Tài chính tiền tệ và kinh tế quốc tế, tác động rất mạnh và gây những tiềm ẩn và rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất KD trong nước. Trong khi đó kinh tế trong nước cũng còn khó khăn và chất lượng kinh tế cũng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh và 1 yếu tố rất quan trọng là thị trường BDS có 1 giai đoạn rất dài trầm lắng, các DN VN đang phụ thuộc rất lớn vào vốn vay NH và hiệu quả SX còn thấp nên khi có biến động bên trong và bên ngoài đều tác động trực tiếp đến hiệu quả vay vốn và do đó gián tiếp và trực tiếp đều gây ra nợ xấu.

Thứ hai là hiện nay quy mô hoạt động của các DN còn nhỏ, phụ thuộc vào thị trường thế giới, tình hình thời tiết trong nước nhiều năm qua có những giai đoạn rất khó khăn, gây ra tác động là khả năng không trả được nợ của các DN vay vốn. Theo thống kê của tổng cục thống kê thì trong giai đoạn từ 2011-2015, bình quân mỗi năm có trên 63.000 DN giải thể và phá sản, các yếu tố này cũng làm gia tăng nợ xấu của nền kinh tế và hệ thống NH.

Thứ ba , trong giai đoạn các chính sách kinh tế vĩ mô cũng thiếu tính ổn định cũng làm gia tăng ảnh hưởng đến khả năng SXKD và khả năng trả nợ của khách hàng.

Thứ tư, hệ thống cơ chế chính sách về xử lý tài sản còn bất cập nên hạn chế việc xử lý tài sản cũng như nợ của TCTD.

Thứ năm, như nhiều DB có nêu là nhiều trường hợp KH vay còn chây ỳ và trốn trách nghĩa vụ trả nợ.

Thứ sáu, thị trường vốn còn chưa phát triển tương xứng nên hệ thống NH vẫn là kênh tài trợ chủ yếu cho đầu tư và phát triển, chính vì vậy rủi ro chính của hệ thống tài chính chính là rủi ro của hệ thống NH và đồng thời mô hình tăng trưởng của chúng ta trong nhiều năm vẫn phụ thuộc vào đầu tư theo chiều rộng và sử dụng vốn vay. Nên nợ xấu chủ yếu của nền kinh tế là nợ xấu của hệ thống NH.

Thống đốc cũng thẳng thắn chỉ ra nhóm nguyên nhân chủ quan gồm thứ nhất là từ phía chính các TCTD, quy trình tín dụng của một số tổ chức chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để cán bộ NH và KH lợi dụng. Ở một số TCTD năng lực quản trị rủi ro còn hạn chế, công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt và tính tuân thủ quy chế chưa cao, các chuẩn mực đạo đức đối với các cán bộ NH chưa được quan tâm nên dẫn đến các rủi ro trong việc cho vay.

Thứ hai, do đạo đức của cán bộ NH, một bộ phận thoái hóa biến chất và lợi dụng chức vụ quyền hạn câu kết với KH cố ý làm trái quy định, đe dọa hoạt động và tính lành mạnh của hoạt động NH. Và các hành vi vi phạm pháp luật này trong thời gian qua đều đang và sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, đề án cơ cấu lại TCTD trong 5 năm qua mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng cũng chưa giải quyết được những yếu kém cơ bản của các TCTD, cũng như XLNX một cách triệt để.

Thứ tư là năng lực tài chính của bản thân các tổ chức tín dụng còn hạn chế đặc biệt kể cả các NHTM của nhà nước.

Thứ năm là công tác thanh tra giám sát NHNN tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn hạn chế và chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống các TCTD trong thời kỳ mới. Năng lực trình độ của bộ phận cán bộ thanh tra NH còn bất cập, và còn một số ít các trường hợp cán bộ thanh tra NH còn để xảy ra vi phạm pháp luật.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM