Uỷ ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo là gì?

07/12/2024 11:13 AM | Công nghệ

Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các hệ thống AI được phát triển và triển khai một cách có trách nhiệm, công bằng và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.

Uỷ ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo là gì?- Ảnh 1.

Ngày 5/12 vừa qua, trong khuôn khổ hội thảo công nghệ cấp cao “Trí tuệ nhân tạo an toàn – Định hình đổi mới có trách nhiệm” vừa diễn ra tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức trí tuệ nhân tạo. Chủ tịch Uỷ ban này là ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của Tập đoàn công nghệ BKAV kiêm Phó Chủ tịch VINASA. Vậy, Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo là gì? Và tại sao chúng ta cần một Uỷ ban như thế?

Uỷ ban đạo đức T rí tuệ nhân tạo là gì?

Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo là một tổ chức hoặc nhóm chuyên trách, có nhiệm vụ đảm bảo quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và các giá trị nhân văn cốt lõi, trong bối cảnh AI dần thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống hiện đại, từ y tế, tài chính đến giáo dục và quản trị. Ủy ban này đóng vai trò như một "la bàn đạo đức," hướng dẫn sự đổi mới công nghệ theo cách có trách nhiệm, đồng thời giải quyết các tác động xã hội mà AI mang lại.

Nhiệm vụ chính của uỷ ban này sẽ là xây dựng các bộ quy tắc rõ ràng để các nhà phát triển, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách có thể tuân thủ. Những quy tắc này tập trung vào các vấn đề như tính công bằng, trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, bảo vệ quyền riêng tư và tính toàn diện. Ngoài việc đề ra các nguyên tắc, ủy ban đạo đức còn tiến hành đánh giá các ứng dụng thực tiễn của AI nhằm xác định và phân tích các rủi ro cũng như lợi ích tiềm năng, qua đó đề xuất các giải pháp tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu tác hại.

Vai trò và ý nghĩa của Ủy ban Đạo đức AI

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Đạo đức AI là tư vấn chính sách. Bằng cách hợp tác với các nhà lập pháp và cơ quan quản lý, các ủy ban góp phần xây dựng các chính sách điều chỉnh việc sử dụng công nghệ AI một cách có đạo đức, góp phần định hình khung pháp lý cân bằng giữa việc khuyến khích đổi mới công nghệ và bảo vệ quyền lợi cá nhân cũng như các giá trị xã hội.

Ủy ban cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng, đảm bảo rằng các hệ thống AI tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu mà pháp luật Nhà nước ban hành. Các quyết định liên quan đến việc thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu cần phải được thực hiện một cách hợp pháp và minh bạch, với sự tôn trọng tối đa đối với quyền riêng tư của người dùng.

Ngoài ra, Ủy ban cũng có vai trò quan trọng trong việc đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề đạo đức liên quan đến AI. Các chương trình đào tạo cho các nhà phát triển, người sử dụng và công chúng cần được tổ chức để giúp họ hiểu rõ hơn về các rủi ro và cơ hội của AI, cũng như cách thức sử dụng AI một cách có trách nhiệm.

Thành phần và chuyên môn của các ủy ban đạo đức AI

Ủy ban đạo đức AI được vận hành với tính liên ngành cao, bao gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể xử lý các thách thức đa chiều do AI đặt ra. Các chuyên gia công nghệ và nhà nghiên cứu AI đóng vai trò cung cấp kiến thức kỹ thuật về cách thiết kế và triển khai các hệ thống AI. Các nhà nghiên cứu đạo đức tập trung phân tích những tác động tới xã hội của các hệ thống này, đảm bảo chúng phù hợp với các giá trị quyền con người. Các chuyên gia pháp lý giữ vai trò giải thích các quy định hiện hành và xây dựng các khung pháp lý mới nhằm giải quyết những lĩnh vực mà luật pháp hiện hành chưa bao quát được.

Ngoài các thành phần cốt lõi này, các đại diện cộng đồng và tổ chức xã hội thường được mời tham gia để cung cấp góc nhìn từ những nhóm dân cư dễ bị ảnh hưởng bởi AI. Bên cạnh đó, các chuyên gia từ các lĩnh vực ứng dụng AI như y tế, tài chính hoặc giáo dục đóng góp những hiểu biết thực tiễn về tác động của AI trong đời sống, giúp các khuyến nghị của ủy ban bám sát thực tế.

Sự đa dạng trong thành phần này cho phép các ủy ban đạo đức AI áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với nhiệm vụ của mình, đảm bảo rằng yếu tố đạo đức không bị các lợi ích công nghệ hoặc thương mại lấn áp.

Những thách thức đặt ra đối với Ủy ban Đạo đức AI

Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, mặc dù có vai trò quan trọng, các ủy ban đạo đức AI phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Một trong những khó khăn lớn nhất là tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, đòi hỏi các khung đạo đức liên tục cập nhật để theo kịp những rủi ro và tác động mới. Tính năng động của AI đôi khi khiến các ủy ban khó dự đoán và ứng phó kịp thời với các vấn đề chưa từng có.

Toàn cầu hóa cũng làm các tiêu chuẩn đạo đức và khung pháp lý liên quan đến AI phức tạp hơn. Mặc dù AI là một công nghệ toàn cầu, nhưng các tiêu chuẩn đạo đức và khung pháp lý lại khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Ủy ban Đạo đức sơ khai này sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và thống nhất các tiêu chuẩn phù hợp với các giá trị chung của nhân loại.

Hạn chế về quyền thực thi cũng là một trở ngại lớn. Phần lớn các ủy ban đạo đức AI chỉ đóng vai trò tư vấn, dẫn đến việc các khuyến nghị thường phụ thuộc vào sự tuân thủ tự nguyện từ phía các tổ chức hoặc chính phủ. Nếu không có thẩm quyền pháp lý để áp dụng các hướng dẫn, tác động của các ủy ban có thể bị giảm sút, đặc biệt khi lợi ích kinh tế hoặc chính trị mâu thuẫn với các ưu tiên đạo đức.

Minh Hà

Cùng chuyên mục
XEM