USD tăng vọt do virus biến thể Delta lan rộng, triển vọng thị trường tài chính ngày càng khó đoán định

18/08/2021 16:58 PM | Xã hội

Đồng USD trên thị trường quốc tế đã tăng liên tiếp hai phiên vừa qua, sáng nay (18/8) tiếp tục vững ở mức cao do nhu cầu mạnh từ các nhà đầu tư đối với tài sản an toàn, trong tâm lý lo lắng về tình hình ở Afghanistan, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến nhiều nơi trên thế giới phải đóng cửa trở lại.

Chỉ số đô la Mỹ (dollar index) kết thúc ngày 17/8 tăng 0,5% do dữ liệu bán lẻ của Mỹ gây thất vọng, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới gia tăng và tình hình hỗn loạn ở Afghanistan làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro lớn như cổ phiếu.

 USD tăng vọt do virus biến thể Delta lan rộng, triển vọng thị trường tài chính ngày càng khó đoán định  - Ảnh 1.

Chỉ số dollar index

Số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ vừa công bố hôm qua giảm nhiều hơn dự kiến đã hạn chế mức tăng của đồng USD. Doanh số bán lẻ tháng 7 đã giảm 1,1% so với tháng 6, sau khi tăng 0,7% trong tháng 6 so với tháng 5. Mức giảm đó sâu hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 0,3%.

Tuy nhiên, đồng USD lại được hậu thuẫn tích cực bởi các dữ liệu khác, như dự báo về sản xuất công nghiệp sẽ tăng mạnh.

Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường của Cambridge Global Payments ở Toronto, cho biết: "Báo cáo doanh số bán lẻ sáng nay nhằm khẳng định rằng người tiêu dùng Mỹ - khách hàng lớn nhất và đáng tin cậy nhất trên thế giới - đang trở nên thận trọng hơn".

Ông nói thêm: "Điều này, kết hợp với bằng chứng về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và bất ổn chính trị đang diễn ra ở Afghanistan, đang khiến các nhà đầu tư phải trả hết các khoản vay bằng đồng đô la rút tiền ra khỏi các thị trường rủi ro cao" - yếu tố hỗ trợ tích cực cho USD.

Trên thị trường Châu Á sáng nay (18/8), đồng USD tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2020 so với euro, đạt 1,1702 USD/EUR, tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng so với đô la New Zealand (NZD)là 0,6922 USD/NZD.

So với đô la Australia, USD cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Tương tự, USD đang ở mức cao nhất 3 tuần so với bảng Anh (1,3740 USD).

Đồng yên Nhật cũng giảm giá so với đồng USD, ở mức 109,60 JPY/USD, nhưng tăng so với các đồng tiền khác và chạm mức cao nhất trong 5 tháng rưỡi so với euro, là 128,21 JPY/EUR.

Đồng đô la Canada sáng nay hồi phục hồi nhẹ từ mức thấp nhất một tháng lúc đóng cửa phiên 17/8, trong khi won Hàn Quốc tiếp tục ở mức thấp nhất 11 tháng so với USD.

Trong nước, tỷ giá trung tâm VND/USD sáng 18/8 tiếp tục tăng, lên mức 23.164 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 VND/USD ở chiều mua vào và 23.803 đồng/USD bán ra.

Giá USD tại ngân hàng thương mại biến động nhẹ. Vietcombank niêm yết ở mức 22.705 đồng/USD (mua vào) – 22.935 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua; VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.725 đồng/USD (mua vào) – 22.925 đồng/USD (bán ra), giảm 5 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra; BIDV niêm yết ở mức 22.735 đồng/USD (mua vào) – 22.935 đồng/USD (bán ra), cũng giảm 5 đồng.

 USD tăng vọt do virus biến thể Delta lan rộng, triển vọng thị trường tài chính ngày càng khó đoán định  - Ảnh 2.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt

Đô la New Zealand bị tổn thương nặng nề do Covid-19

New Zealand ngày 17/8 đã thông báo phong tỏa toàn quốc sau khi phát hiện có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 6 tháng, khiến đồng tiền NZD của nước này lập tức lao dốc xuống mức thấp nhất 3 tuần, giảm 1,7% xuống 0,6900 USD.

Sáng 18/8, quốc gia này thông báo đã có thêm 4 trường hợp nhiễm Covid-19, tất cả đều do biến thể Delta rất dễ lây lan.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand dự định sẽ điều chỉnh mức lãi suất chủ chốt. Tuy nhiên, sau sự kiện nhiễm Covid-19 trở lại này, các nhà phân tích không chắc Ngân hàng Dự trữ New Zealand sẽ sẽ trở thành ngân hàng trung ương G10 đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất.

 USD tăng vọt do virus biến thể Delta lan rộng, triển vọng thị trường tài chính ngày càng khó đoán định  - Ảnh 3.

Tỷ giá đô la New Zeland lao dốc

Lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì thấp

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kết thúc phiên 17/8 gần như không thay đổi so với phiên liền trước, duy trì ở mức thấp do bức tranh nền kinh tế Mỹ có nhiều mảng sáng tối đan xen và nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khi các biến thể của virus Covid-19 tiếp tục lan rộng.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 kết thúc phiên ở 1,258%, không xa so với mức thấp nhất nhiều tuần là 1,217% ở hiên trước đó. Các nhà phân tích cho biết, giao dịch trái phiếu Mỹ có nhiều biến động vì nhiều nhà đầu tư và thương nhân đi nghỉ vào nửa cuối tháng 8.

Các nhà đầu tư đang cân nhắc xem mức độ mua trái phiếu dự kiến của Fed sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi suất. Một số nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể công bố động thái này ngay sau tháng 9, mặc dù những người khác nói rằng điều đó khó xảy ra cho đến tháng 12.

 USD tăng vọt do virus biến thể Delta lan rộng, triển vọng thị trường tài chính ngày càng khó đoán định  - Ảnh 4.

Lợi suất trái phiếu Mỹ

Triển vọng thị trường tài chính trở nên khó đoán

Các nhà đầu tư tài chính hiện đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường Mở - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ công bố trong hôm nay, 18/8, do vài tuần gần đây có một số quan chức Fed đã tỏ thái độ "diều hâu" khi thảo luận về chính sách lãi suất của Mỹ.

Tuy nhiên, những quan điểm "diều hâu" đó đã được thể hiện trước khi có những dữ liệu mới công bố - cho thấy kết quả kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến, khi sự gia tăng virus biến thể Delta và các biện pháp mới lại được áp dụng – có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Chưa dừng lại ở đó, dữ liệu kinh tế bên ngoài nước Mỹ cũng cho thấy bức tranh nhiều màu khác nhau, khi kinh tế Trung Quốc phát đi những tín hiệu đáng thất vọng, Taliban đã tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanistan, sự lây lan của các biến thể Covid-19 trên khắp thế giới làm dấy lên nghi ngờ rằng các doanh nghiệp sẽ có thể bình thường hóa nhanh chóng như mong đợi trước đây.

"Nền kinh tế toàn cầu đã chậm lại/đang chậm lại. Virus làm cho vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu lại trở nên phức tạp. Trung Quốc đang đóng cửa và người tiêu dùng Mỹ đang có dấu hiệu do dự mặc dù chúng tôi sẵn sàng mở cửa trở lại các trường học", Gregory Faranello, người phụ trách mảng tỷ giá hối đoái của AmeriVet Securities cho biết.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell Hiện, hôm 17/8 đã bày tỏ lo ngại rằng hiện vẫn chưa rõ liệu sự bùng phát ngày càng cao của virus biến thể Delta có tác động đáng kể đến nền kinh tế hay không.

Tham khảo: Reuters

Thu Ngân

Cùng chuyên mục
XEM