Bí mật đằng sau tham vọng đưa đồng Nhân dân tệ số thay thế USD của Trung Quốc

17/08/2021 14:52 PM | Xã hội

Chủ nợ tương lai của thế giới có thể sẽ không còn là FED hay IMF, mà là Ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Theo tờ Nikkei Asian Review, Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm để phát triển tiền số với mục đích đáp ứng thị trường nội địa. Nhiều người cho rằng việc phát triển tiền số vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm sẽ giúp nước này tiến tới một xã hội không tiền mặt, được kiểm soát tốt hơn bởi ngân hàng trung ương và hạn chế các tác động từ thị trường tiền số tự do.

Thế nhưng Sách trắng (White Paper) của Trung Quốc được công bố vào ngày 16/7/2021 đã làm chấn động giới tài chính khi cho biết nước này có ý định đưa đồng Nhân dân tệ số vào thị trường thanh toán xuyên biên giới.

Nếu kế hoạch trên là chính xác thì đồng Nhân dân tệ số là bước mới nhất trong nỗ lực kéo dài hàng thập niên của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng tiền của mình và thách thức sự thống trị của đồng USD.

Bí mật đằng sau tham vọng đưa đồng Nhân dân tệ số thay thế USD của Trung Quốc - Ảnh 1.

Một số nguồn tin của Nikkei cho biết Nhà Trắng đang coi việc phát hành đồng Nhân dân tệ số của Trung Quốc là một nỗ lực thách thức đồng USD, nhất là trong bối cảnh Mỹ phải in tiền liên tục cho các chương trình hỗ trợ kinh tế mùa dịch Covid-19. Nhiều quốc gia đã lo ngại về rủi ro mất giá của đồng USD và bắt đầu tìm kiếm những tài sản trú ẩn thay thế khác như vàng.

Xin được nhắc Trung Quốc hiện là nước có kho dự trữ ngoại hối tài sản bằng đồng USD nhiều nhất thế giới.

Hệ lụy từ bỏ Bretton Woods

Cách đây 50 năm, thị trường tài chính toàn cầu bước sang một trang mới khi Tổng thống Mỹ thời đó là Richard Nixon tuyên bố từ bỏ chế độ Bretton Woods để tự do hóa thị trường hối đoái. Kể từ đây, mức giá của các đồng tiền không còn phụ thuộc vào vàng hay quyết định của ngân hàng trung ương mà nó hoàn toàn dựa vào những yếu tố kinh tế nội địa, thương mại hay niềm tin của các nhà đầu tư.

Hội nghị Bretton Woods diễn ra ở Bretton Woods (New Hamshire, Mỹ) năm 1944, thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chế độ Bretton Woods quy định mỗi ounce vàng có giá 35 USD. Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.

Sau Thế chiến I, các quốc gia đã cố gắng phục hồi lại hệ thống bản vị vàng nhưng nó đã sụp đổ hoàn toàn trong cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930. Trong hoàn cảnh đó, 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia đã gặp nhau tại Bretton Woods năm 1944 để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods - bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng USD gắn với vàng.

Do tại thời điểm đó Mỹ chiếm hơn một nửa tiềm năng sản xuất của thế giới và giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới nên các nhà lãnh đạo quyết định gắn các đồng tiền thế giới với USD ở mức giá 32 USD/ounce vàng.

Dưới hệ thống Bretton Woods, các ngân hàng trung ương của các nước trừ Mỹ phải có nhiệm vụ duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa các đồng tiền của họ với đồng USD. Họ làm điều này bằng việc can thiệp vào các thị trường ngoại hối.

Nếu đồng tiền của một nước quá cao so với đồng USD thì ngân hàng trung ương của nước đó cần phải bán tiền của mình để đổi lấy USD, đẩy giá trị của đồng tiền đó xuống. Ngược lại, nếu giá trị đồng tiền của một nước quá thấp thì nước đó cần phải mua vào tiền của chính mình, do vậy sẽ đẩy giá của đồng tiền đó lên.

Năm 1971, lạm phát và thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng USD, qua đó hủy hoại sự hữu hiệu của hệ thống Bretton Woods. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã rút khỏi hệ thống này với lý do là chúng giới hạn hoạt động chi tiêu của Mỹ và thế giới do lượng vàng sở hữu là có hạn trong khi nhu cầu sử dụng tiền lại lớn hơn rất nhiều.

Với lợi thế là nền kinh tế số 1 thế giới, Mỹ hoàn toàn hưởng lợi từ quyết định này trong suốt nhiều năm. Thế nhưng tình hình giờ đây đã khác có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc bắt đầu tham gia cuộc chơi và đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ thay đổi.

Trên thực tế, Trung Quốc đang nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ nhằm giảm thiểu các tác động đến nền kinh tế do mối quan hệ căng thẳng với Mỹ. Đồng thời bước đi này cũng nhằm làm giảm tác động từ phía Washington khi sử dụng đồng USD làm vũ khí trừng phạt lên các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã khiến lạm phát gia tăng, ngân sách của Mỹ bị thâm hụt nặng còn lãi suất nhiều khả năng sẽ đi lên khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chấm dứt hỗ trợ kinh tế, qua đó khiến đồng USD trở nên bất ổn.

Rõ ràng, sự ổn định của nền kinh tế số 1 thế giới đang bị đe dọa từ người chơi đứng sau là Trung Quốc. Nền kinh tế số 2 này khống chế được dịch sớm hơn, có mối quan hệ thương mại với nhiều nước Châu Á lẫn Châu Phi và có thể đưa Nhân dân tệ trở thành đối trọng với đồng USD.

Nếu bước đầu tiên trong việc đưa Nhân dân tệ số vào hệ thống thanh toán xuyên biên giới thành công, chính quyền Bắc Kinh có thể đẩy mạnh việc khuyến khích thanh toán bằng đồng tiền này trên các thị trường hàng hóa chủ chốt như dầu mỏ, đồng...

Thậm chí, Trung Quốc có thể mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài dùng đồng Nhân dân tệ số đổ tiền vào thị trường chứng khoán nước này nhằm thúc đẩy nhu cầu.

Bí mật đằng sau tham vọng đưa đồng Nhân dân tệ số thay thế USD của Trung Quốc - Ảnh 3.

Tỷ lệ dự trữ bằng đồng Nhân dân tệ trên thế giới và tốc độ tăng trưởng

Nhiều thách thức

Dẫu vậy theo nhiều chuyên gia, chặng đường của đồng Nhân dân tệ số còn khá dài khi tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm tốc. Một sự thật trớ trêu là dù Trung Quốc chiếm gần 1/5 tổng GDP toàn cầu nhưng đồng tiền của nước này vẫn khó được sử dụng rộng rãi do thiếu tài sản đầu tư, khả năng chuyển đổi ngoại hối thấp do chính phủ kiểm soát vốn quá chặt.

Cách đây 10 năm, gần như không có giao dịch thương mại nào của Trung Quốc dùng đồng Nhân dân tệ thì nay con số đó đã là 13,4% cho hàng hóa và 23,8% cho dịch vụ. Thế nhưng tỷ lệ dự trữ của đồng tiền này trên thế giới vẫn chỉ ở vị trí thứ 5 với 2,5% bất chấp các cố gắng của Trung Quốc, kém quá xa so với đồng USD, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh.

Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy đồng USD hiện vẫn là loại tiền thống trị thị trường tài chính khi chiếm tới 59,5% tổng tài sản trong kho dự trữ ngoại hối tính trong 3 tháng đầu năm 2021.

Trái ngược lại, đồng Nhân dân tệ lại chỉ chiếm 2,5% tổng giao dịch xuyên biên giới. Dù con số này là cao nhất 5 năm qua nhưng vẫn còn kém quá xa so với 40% của đồng USD.

Cơ hội tới

Bất chấp những khó khăn đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết tốc độ tăng trưởng thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ đã đạt 24% trong khoảng 2018-2019, đạt 19,67 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Đây là con số cao kỷ lục.

Bởi vậy, việc phát hành thêm tiền số cho thấy Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội khi Mỹ tung tiền cứu nền kinh tế mùa dịch, đe dọa phá giá đồng USD để đẩy mạnh vị thế Nhân dân tệ.

Cuối năm 2019, Trung Quốc đã thử nghiệm tiền Nhân dân tệ số và đã có 34,5 tỷ đồng tiền này được giao dịch với hơn 20,8 triệu cá nhân mở ví điện tử.

Bí mật đằng sau tham vọng đưa đồng Nhân dân tệ số thay thế USD của Trung Quốc - Ảnh 4.

Trong khi các nước lo lắng về đồng USD thì Trung Quốc lại có thể đề xuất một hệ thống hỗ trợ thanh toán giảm phụ thuộc vào đồng tiền này. Điều này đặc biệt hấp dẫn với những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc tại Châu Á và Châu Phi khi muốn ổn định hệ thống tài chính trong thời buổi rối ren hiện nay.

Rõ ràng, việc ổn định thanh toán quốc tế với một đồng Nhân dân tệ có biến động thấp hấp dẫn hơn đồng USD có khả năng biến động mạnh do hàng loạt gói cứu trợ khổng lồ mùa dịch.

Nếu thành công, FED và IMF có thể sẽ không còn là chủ nợ chính nữa mà thay vào đó là PBOC thông qua các thỏa thuận đã ký với những ngân hàng trung ương khác.

Trong khoảng tháng 1/2009-1/2020, PBOC đã ký kết thỏa thuận hoán đổi song phương liên ngân hàng với 41 quốc gia. Phía PBOC cho biết tính thanh khoản tối đa qua các thỏa thuận này có thể đạt tới 2,22 nghìn tỷ USD.

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM