USD quý 3 tăng mạnh nhất kể từ 2015, giá vàng giảm 6 tháng liên tiếp

01/10/2022 09:08 AM | Kinh doanh

Đồng USD tăng so với euro trong phiên cuối tuần, cũng là phiên cuối cùng của tháng 9, khi lạm phát ở châu Âu lập đỉnh cao mới trong khi chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, trong khi USD có quý 3/2022 tăng mạnh nhất kể từ năm 2015 thì đồng bạc xanh lại kết thúc một tuần giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 30/9 theo giờ Việt Nam tăng nhẹ, 0,03%, lên 112,2886. Tính chung cả tuần, DXY giảm 0,73%, là tuần giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã tăng 7,3% trong quý 3/2022, mức tăng mạnh nhất kể từ 2015.

Đồng bảng Anh phiên 30/9 biến động khá mạnh, sau khi chạm mức 1,1235 USD lúc đầu phiên đã giảm 0,06% vào cuối phiên, xuống 1,1112 USD.

Dữ liệu hôm thứ Sáu (30/9) cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro tháng 9/2022 đã tăng vượt dự báo, lên 10,0%, so với mức 9,1% của tháng 8, lần đầu tiên trong lịch sử đạt mức 2 con số, củng cố dự đoán về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nữa vào tháng tới. Đồng euro lúc kết thúc phiên 30/9 theo giờ Việt Nam giảm 0,3% xuống 0,9782 USD.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2022 đã tăng chi phí đi vay nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1980 và cho đến nay có ít lý do để giảm tốc độ tăng này. Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho biết chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) đã tăng 6,2% trong tháng 8/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mục tiêu của Fed là chỉ ở mức 2%.

Adam Button, trưởng nhóm phân tích tiền tệ của Forexlive, một công ty phân tích tiền tệ ở Toronto, cho biết: "Dữ liệu lạm phát công bố hôm nay một lần nữa lại cho thấy tiếp tục tăng cao. Điều đó sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất và đồng USD".

Nhưng vào ngày cuối cùng của quý 3, ông Button lưu ý rằng "các nhà đầu tư thường tiết chế các giao dịch" và cân bằng các vị thế của mình hoặc bán chốt lời.

Sự biến động trên thị trường ngoại hối gần đây gia tăng do các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh toàn thế giới thắt chặt tiền tệ. Thị trường càng thêm căng thẳng khi ngân sách của Vương quốc Anh bị cắt giảm và lo ngại gia tăng về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư vội vã tìm tới USD để "trú ẩn an toàn", đó là nhu càu đối với đồng tiền Mỹ trên các thị trường phái sinh hôm thứ Sáu (30/9) đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng COVID-19 vào năm 2020.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng khoảng 17%. Riêng trong tháng 9, USD tăng 3,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4.

USD quý 3 tăng mạnh nhất kể từ 2015, giá vàng giảm 6 tháng liên tiếp - Ảnh 1.

Tỷ giá USD so với các đồng tiền chủ chốt.

Dữ liệu của IMF cho thấy tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng lên 59,5% trong quý 2, từ mức 58,8% của quý 1. Trong khi đó, thị phần của USD giảm từ 20% xuống 19,8%, là quý thứ 3 liên tiếp giảm.

Joel Kruger, chiến lược gia thị trường của LMAX, cho biết: "Chúng tôi đã thấy một số hoạt động bán USD vào cuối tuần này - nhưng có vẻ như không có gì khác hơn là một đợt chốt lời, hơn là bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy USD đang mất đà tăng".

Trong phiên 30/9, USD đã tăng 0,07% so với đồng yen, lên 144,560 JPY, với tỷ giá cặp tiền này chủ yếu đi ngang dưới đường tâm lý 145 JPY kể từ đầu tháng 9 và kể từ khi các quan chức Nhật Bản tiến hành can thiệp mua đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998 vào tuần trước.

Nhật Bản đã chi kỷ lục 2,8 nghìn tỷ yen (19,7 tỷ đô la) để can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tuần trước để nâng giá đồng yên, tương đương rút gần 15% quỹ mà nước này có cho lần can thiệp mua đồng USD đầu tiên trong 24 năm để ngăn chặn sự suy yếu mạnh của đồng tiền này, dữ liệu của Bộ Tài chính hôm 30/9 cho thấy. Con số này thấp hơn mức 3,6 nghìn tỷ yen mà các công ty môi giới thị trường tiền tệ Tokyo ước tính.

Đồng franc Thụy Sĩ (CHF) giảm sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết họ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong quý 2 để hỗ trợ đồng tiền này. USD tăng 0,54% so với đồng franc trong phiên vừa qua, lên 0,9839 USD.

Trong một diễn biến khác, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hôm thứ Sáu đã nhanh chóng lấy lại mức giảm của những phiên đầu tuần sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng quốc doanh lớn đảm bảo dự trữ USD để sẵn sàng hỗ trợ đồng tiền này trong các giao dịch với nước ngoài nhằm ngăn chặn sự trượt giá quá nhanh của đồng nhân dân tệ.

Đồng nhân dân tệ trên cả thị trường nội địa và quốc tế đều đảo chiều tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Theo đó, nhân dân tệ giao dịch tại Trung Quốc tăng 70 pip so với phiên liền trước, lên 7,1140 CNY/USD, tính chung cả tuần tăng 0,22%, là tuần tăng đầu tiên kể từ giữa tháng 8.

Mặc dù vậy, trong tháng 9, CNY đã giảm hơn 3%, và tính từ đầu năm đến nay giảm hơn 10%, mức giảm nhiều nhất kể từ 1994.

Đồng Bitcoin biến động mạnh trong phiên vừa qua, kết thúc ngày 30/9 theo giờ Việt Nam ở mức 19.370 USD, tăng 1,5% so với phiên liền trước. Trong tuần này, Bitcoin đã tăng 5,09%, song tính chung tháng 9 giảm 2%, và so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm một nửa.

USD quý 3 tăng mạnh nhất kể từ 2015, giá vàng giảm 6 tháng liên tiếp - Ảnh 2.

Giá Bitcoin ngày 30/9.

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do USD giảm trong phiên cuối tháng, nhưng tính chung quý 3 giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm ngoái do lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Kết thúc phiên 30/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.670,10 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng 1,7%; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,6% lên 1.678,80 USD.

Trong quý 3, giá đã giảm 7,6%, với 6 tháng liên tiếp giảm – chuỗi giảm dài nhất trong 4 năm.

Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết: "Thị trường vàng đang có cơ hội tăng… (nhưng) tất cả phụ thuộc vào diễn biến tỷ giá USD".

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Theo Vũ Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM