USD gần cao nhất 2 năm, rúp và nhân dân tệ lao dốc, Bitcoin về gần 40.000 USD

12/04/2022 09:26 AM | Kinh doanh

USD duy trì ở mức gần cao nhất trong vòng 2 năm bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, trong khi euro tăng giá sau khi đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiến thắng ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen trong vòng thứ nhất của cuộc bầu cử Tổng thống nước này.

Đồng bạc xanh gần đây tăng mạnh do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hôm thứ Hai (11/4) đạt 2,78%, cao nhất kể từ tháng 1 năm 2019.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - chốt ngày 11/4 ở mức 99,94, sau khi đạt 100,19 trong phiên liền trước (thứ Sáu, 8/4), mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.

Đáng chú ý, euro cũng tăng giá bất chấp USD mạnh lên. Cụ thể, euro kết thúc chuỗi 7 ngày giảm giá và bật tăng thêm 0,12% lên 1,0888 USD vào lúc kết thúc ngày 11/4 theo giờ Việt Nam.

Erik Nelson, chiến lược gia vĩ mô của Wells Fargo ở New York cho biết: "Có thể có một chút phục hồi, nhưng sẽ khó để đồng euro thực sự có được động lực tăng giá cho đến khi những yếu tố rủi ro hoàn toàn qua đi".

Ông Macron sẽ còn phải đối mặt với bà Le Pen - ứng viên của đảng cực hữu – trong cuộc đọ sức dự kiến sẽ rất cam go trong vòng bầu cử Tổng thống Pháp tiếp theo, ngày 24 tháng 4.

Trong khi đó, đồng đô la tiếp tục tăng giá so với đồng yên, khi đồng tiền Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2015. Yen Nhật đã liên tục lao dốc sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì quan điểm ôn hòa giữa lúc các đồng nghiệp ngày càng ‘diều hâu’ hơn, chẳng hạn như Fed.

"Những thông tin mà chúng tôi nhận được từ BOJ cho đến nay rất nhất quán rằng họ không lo ngại về động thái này (đồng Yên yếu đi) và, nếu có, họ thậm chí cảm thấy thoải mái với động thái này," ông Nelson nói. "Với những thay đổi về tỷ giá hiện nay, nhà đầu tư muốn bán đồng yen đi để hưởng lãi suất dương từ giao dịch đó, và động thái bán sẽ chỉ có một chiều như vậy", ông Nelson cho biết.

Đồng USD tăng 0,95% lên 125,46 yên vào lúc kết thúc ngày 11/4 theo giờ Việt Nam.

Bảng Anh cũng giảm giá trong phiên vừa qua so với cả USD và euro sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Anh tháng 2 tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

Tổng sản phẩm quốc nội của Anh tháng 2 chỉ tăng 0,1% so với tháng liền trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,8% của tháng 1, kết quả cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.

Đồng bảng Anh kết thúc ngày 11/4 theo giờ Việt Nam giảm xuống dưới 1,3 USD, không xa so với mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, mặc dù đầu phiên đã tăng vọt lên 1,3036 USD.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư tin rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất tổng cộng 140 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu so với USD do nhà đầu tư lo ngại về dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc và áp lực giảm giá tiền tệ sau khi chênh lệch lợi suất giữa cường quốc kinh tế châu Á và Mỹ chuyển sang tiêu cực.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lần đầu tiên trong 12 năm do các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nới lỏng tiền tệ hơn nữa, khiến cho sự phân hóa về mức lợi suất giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nới rộng.

Các nhà giao dịch cho biết, chênh lệch lợi suất âm có thể làm tăng nguy cơ dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc vào thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ đã phát tín hiệu rõ ràng về việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa trong năm nay.

Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ nội địa (CNY) kết thúc ngày 11/4 ở mức 6,3725 CNY, giảm 81 pip so với phiên trước đó.

Đồng rúp của Nga cũng lao dốc trong phiên này, trái ngược so với xu hướng tăng của tuần trước, với tình trạng giao dịch bất ổn, sau khi ngân hàng trung ương Nga quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời – đã được áp dụng để hạn chế sự sụt giảm của đồng tiền này.

Rúp Nga lúc kết thúc ngày 11/4 theo giờ Việt Nam giảm hơn 4% giá trị, xuống dưới 79,45 RUB/USD, và cũng giảm 4,5% so với euro, xuống 86,45 RUB/EUR. Trong phiên giao dịch của Sở giao dịch Moscow, có thời điểm rúp xuống 82,095 RUB/USD.

Vào cuối ngày thứ Sáu (8/4), ngân hàng trung ương Nga cho biết họ sẽ bỏ quy định lệ phí 12% đối với việc mua ngoại tệ thông qua môi giới từ ngày 11/4, và dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời việc bán ngoại hối bằng tiền mặt cho các cá nhân từ ngày 18/4.

Vladimir Evstifeev, một nhà phân tích của Ngân hàng Zenit cho biết: "Ngân hàng trung ương Nga đã phát tín hiệu rõ ràng cho thị trường biết rằng họ không mong muốn rúp tăng giá mạnh hơn nữa".

USD gần cao nhất 2 năm, rúp và nhân dân tệ lao dốc, Bitcoin về gần 40.000 USD - Ảnh 1.

Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm xuống dưới mức 41.000 USD, lúc kết thúc ngày 11/4 theo giờ Việt Nam ở mức 40.410 USD, thấp nhất trong vòng gần 1 tháng; ether cũng giảm khoảng 5% xuống 3.046 USD.

Những bất ổn về mặt vĩ mô khiến nhiều nhà đầu tư tạm ngưng giao dịch để chờ xem xu hướng rõ rệt của thị trường sẽ như thế nào. Các nhà đầu tư cũng đang cố gắng tìm kiếm manh mối về sự giảm giá gần đây của đồng Bitcoin.

USD gần cao nhất 2 năm, rúp và nhân dân tệ lao dốc, Bitcoin về gần 40.000 USD - Ảnh 2.

Giá bitcoin ngày 11/4.

Giá vàng phiên vừa qua tăng, với vàng giao ngay có lúc đạt 1968,91 USD, cao nhất kể từ ngày 14/3; vàng kỳ hạn tháng 6 lúc kết thúc ngày 11/4 theo giờ Việt Nam cũng tăng 0,5% lên 1.955,90 USD.

Giá vàng tăng bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2019 cho thấy thị trường tin rằng cuộc chiến đấu chống lại lạm phát vẫn đang tiếp diễn và không có giải pháp rõ ràng, ngoại trừ việc tăng cường tỷ lệ nắm giữ vàng trong danh mục đầu tư như một hàng rào chống lại lạm phát.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Theo Vũ Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM