Ứng phó Covid-19, gốm Minh Long tập trung làm sản phẩm tốt cho sức khỏe, may Thái Bình tìm nhà cung cấp từ thị trường khác ngoài Trung Quốc

29/02/2020 14:45 PM | Kinh doanh

Để doanh thu không bị kéo tuột xuống trong thời buổi đại dịch Corona, Gốm Minh Long đang định chuyển hướng tập trung sản xuất những sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo cao và tốt cho sức khỏe; trong khi Thái Bình vừa tìm cách ‘co kéo’ cho đầu vào lẫn đầu ra, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Nhà nước.

Với việc đại dịch Corona ngày càng kéo dài và lan rộng sang cả Nhật Bản - Hàn Quốc, nền sản xuất của Việt Nam đang dần ‘thấm đòn’. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc lao đao, mà các doanh nghiệp sản xuất lớn và ít phụ thuộc vào Trung Quốc cũng thế.

"Có thể nói, đại dịch Corona đang ép buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cơ cấu lại vùng nguyên liệu cũng như cải thiện năng suất sản xuất. Sự tác động tiêu cực từ đại dịch Corona là một đài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt Nam và là một thử thách không dễ dàng nếu chúng ta muốn tiếp tục tồn tại.

Một trong những giải pháp, theo tôi là các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau, để chống lại những biến động không mong muốn ở nguồn cung lẫn nguồn cầu tại thời điểm này. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ là những thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào mà cũng là những thị trường tiêu thụ sản phẩm hoàn chỉnh lớn nhất của Việt Nam tại châu Á", Chuyên gia tài chính Nguyễn Hữu Trung nhận định trong Tọa đàm nhỏ do BSA tổ chức sáng 28/2.

Bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc BSA cho rằng, với việc Nhật Bản cùng Hàn Quốc vừa trở thành những vùng dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc, khiến tất cả những doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng – bất kể đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, có liên quan trực tiếp đến những mảng miếng chủ đạo như du lịch, may mặc, da giày hay không.

"Vừa qua, BSA vừa làm một chuyến công du nho nhỏ, thăm 5 doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành và có quan hệ thân thiết với chúng tôi, để tìm hiểu xem ảnh hưởng của đại dịch Corona lên các doanh nghiệp Việt cụ thể như thế nào.

Tiếp chúng tôi, chị Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch PNG chia sẻ rằng, đại dịch Corona đang khiến bà và doanh nghiệp của mình phải giật mình, lùi lại, nghĩ sâu. Trước đây, chúng ta chỉ lo chạy theo sự vụ, nhu cầu thị trường, tình huống doanh nghiệp mà không hề nghĩ đến các phương án ứng phó nếu chúng ta rơi vào viễn cảnh không thuận lợi khác nhau, ví dụ như khi nguyên liệu khan hiếm và thị trường thu hẹp lại.

Rõ ràng, đại dịch Corona đang tạo ra một tác động kép: nó không chỉ thu hẹp đầu vào mà cả đầu ra, khi mọi người hạn chế chi tiêu nhằm dành tiền ứng phó nhỡ khi tình trạng dịch bệnh trở nên xấu hơn. Nhu cầu trong nước ở nhiều mặt hàng đang sụt giảm. Thế nên, đây là thời gian quan trọng với nhiều doanh nghiệp, khi họ bị đẩy tới chân tường và phải làm gì đó để bật ra, tiếp tục sống.

Chúng ta cần phải can thiệp vào mô hình kinh doanh, bộ máy vận hành, siết chặt thu chi, chuyển dòng sản phẩm…của mình như thế nào? Ngoài ra, không ít doanh nghiệp đã ngồi lại để cùng nhau vẽ ra những kịch bản ứng phó khác nhau, nếu diễn biến của đại dịch theo chiều hướng lạc quan/bình thường/bi quan thì sẽ như thế nào", bà Vũ Kim Hạnh nhận định.

Với bà Vũ Kim Hạnh, thì gốm sứ Minh Long đang là một trong những doanh nghiệp ứng phó khá tốt với đại dịch Corona.

Ứng phó Covid-19, gốm Minh Long tập trung làm sản phẩm tốt cho sức khỏe, may Thái Bình tìm nhà cung cấp từ thị trường khác ngoài Trung Quốc - Ảnh 2.

Những ly sứ giữ nhiệt dưỡng sinh này của Minh Long đang bán rất đắt hàng.

Bà kể: Hiện tại, Minh Long vẫn đang hoạt động khá bình thường, khi bà hỏi công nhân của Minh Long, thì người công nhân đó bảo không sao, họ chẳng bị ảnh hưởng gì nhiều; nhưng khi đối thoại với Lý Huy Sáng – Phó Tổng Giám đốc Minh Long, thì khác. Dù không thuộc ngành du lịch, may mặc, điện tử, giày da hay nội thất, song Minh Long vẫn bị ‘ảnh hưởng nghiêm trọng’.

"Hiện tại, với Minh Long mọi chuyện vẫn ổn. Nhưng tương lai chưa biết. Minh Long vừa tham dự triển lãm chính trong ngành gốm sứ thế giới tại thành phố Frankfurt – Đức. Trước đây, nhiều đơn hàng quyết định của Minh Long đến từ triển lãm này. Thông qua những đối tác mà Minh Long kết nối được ở hội chợ này, dòng gốm sứ Horeca dành cho nhà hàng – khách sạn của Minh Long đã được phân phối khắp thế giới.

Năm nay, 700 doanh nghiệp trong ngành gốm sứ của Trung Quốc đã không đến, lượng khách đến triển lãm giảm khoảng 60% so với năm trước. Năm nay, Minh Long có tới 2 gian hàng ở triển lãm, nhưng mọi chuyện diễn ra tại hội chợ Frankfurt lại không như kỳ vọng của chúng tôi. Chỉ có một điều lạ: nhóm khách hàng đến từ nước Nga vô cùng sốt sắng trong việc mua hàng, khiến những người bán hàng như chúng tôi vẫn chưa hiểu đang có điều gì xảy ra.

Cũng như thế, lượng khách đến showroom của Minh Long cũng giảm tới 30%. Do ngành nhà hàng – khách sạn đang gặp nhiều khó khăn, chẳng ai đi mua sắm trang thiết bị mới, nên tình trạng kinh doanh của Minh Long cũng chịu tác động xấu theo", anh Lý Huy Sáng kể với BSA.

Để ứng phó với thực trạng đáng buồn này, Minh Long đang có ý định chuyển hướng sản xuất, tập trung vào những sản phẩm đổi mới sáng tạo và tốt cho sức khỏe – như dòng ‘sứ dưỡng sinh’.

Trước đây, họ đã có bộ sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh, hiện họ có thêm ly sứ giữ nhiệt dưỡng sinh, sắp tới sẽ phát triển hộp giữ nhiệt dưỡng sinh… Hiện tại, ly sứ giữ nhiệt dưỡng sinh có nắp nhựa đang bán rất chạy. Ngoài ra, Minh Long còn muốn làm ra những nồi sứ to phục vụ cho bếp ăn tập thể như căn tin hoặc nhà hàng, thường mọi người đang dùng nồi kim loại – nó thường bị cong ở phần đít cũng như lâu ngày kim loại rò rỉ sẽ không tốt cho thực phẩm khi nấu nướng.

Ứng phó Covid-19, gốm Minh Long tập trung làm sản phẩm tốt cho sức khỏe, may Thái Bình tìm nhà cung cấp từ thị trường khác ngoài Trung Quốc - Ảnh 3.

Đại diện của nhựa Duy Tân.

Đồng cảnh ngộ là nhựa Duy Tân. Đại diện của doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam cho biết, họ cũng đang gánh chịu những khó khăn cơ bản. Đầu tiên, họ không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc mà từ Hàn Quốc, nên sau khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch thứ hai lớn nhất nhì thế giới, chuỗi cung ứng của họ cũng bị đứt gãy.

Thứ hai, với phong trào ‘giảm thải dùng đồ dùng nhựa’ diễn ra trong vài năm gần đây, nhu cầu về độ nhựa trong nội địa đã giảm đáng kể, nay với ảnh hưởng của đại dịch Corona, nhu cầu đó càng giảm hơn. Đồ dùng nhựa có lẽ là mảng chi tiêu đầu tiên mà người Việt Nam để mắt đến khi muốn cắt giảm chi tiêu.

Cũng như nhựa Duy Tân, do đặc thù ngành nghề, Công ty Thương mại và Đầu tư Thái Bình cũng bị ảnh hưởng và đang cố xoay xở để không bị 'chết chìm' một vài mảng kinh doanh nào đó.

Thái Bình là doanh nghiệp chuyên buôn bán và đầu tư trong nhiều ngành, họ hoạt động đặc biệt nổi bật ở khu vực châu Mỹ. Hiện họ có khoảng 200 đối tác trong nước và nước ngoài, nhưng lại không có Trung Quốc, nên không bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ là, họ có một nhà máy sản xuất tã lót cho em bé tại Cuba và 50% nguyên liệu vải sợi của họ phải nhập từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng của đại dịch Corona, nên hiện tại họ không thể giao hàng đúng hẹn cũng như đang chật vật tìm nhà cung cấp mới.

"2 triển lãm và hội chợ trong ngành may mặc tại Trung Quốc và Thụy Sỹ, theo kế hoạch hàng năm, đáng lẽ diễn ra ở tháng 3 này và tháng 4 tới, nhưng đã bị hoãn bởi các đối tác đến từ Trung Quốc không thể tham gia. Trong ngành may mặc, để không bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc là rất khó.

Do điều kiện ngoại cảnh, nên chúng tôi không bị các nhà phân phối phạt khi không giao hàng đúng hẹn hay giãn thời gian giao hàng. Hiện tại, chúng tôi cũng đang cố tìm các nguồn cung cấp nguyên liệu khác từ Brazil, Nhật Bản, Đài Loan… Tất nhiên, với những nguồn nguyên liệu mới này, chúng tôi phải chấp nhận giá sản xuất sẽ cao hơn trước đây, nhưng vẫn phải giữ mức giá ban đầu đã ký", bà Trần Thị Giang Thùy – Phó Chủ tịch Thái Bình chia sẻ với chúng tôi.

Để đảm bảo nguồn hàng cũng như nguồn nguyên liệu sản xuất tại Cuba, Thái Bình đang cố ‘đào sâu’ những thị trường lân cận Cuba là Brazil và Mexico, nhưng pháp luật Việt Nam hiện không hỗ trợ họ trong vấn đề thanh toán khi thực hiện động thái này. Thái Bình đang chuẩn bị hồ sơ ra Hà Nội để gặp Ngân hàng nhà nước và các bên liên quan, nhằm tháo gỡ vấn đề. Còn có thành công hay không thì chưa biết!


Ứng phó Covid-19, gốm Minh Long tập trung làm sản phẩm tốt cho sức khỏe, may Thái Bình tìm nhà cung cấp từ thị trường khác ngoài Trung Quốc - Ảnh 4.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM