Uber, WeWork và sự giả dối, cướp giật của các startup chia sẻ: Cậy tiền của nhà đầu tư giết chết cạnh tranh, mầm mống cực kỳ nguy hiểm cho nền kinh tế?
Trong giới tài chính hiện nay đang nổi nên xu hướng rót tiền cho những công ty thua lỗ. Tác giả Matt Stoller gọi là xu hướng này là "Chủ nghĩa tư bản hàng giả". Ví dụ hài hước nhất chính là WeWork.
WeWork tự mô tả mình là đơn vị cung cấp "không gian văn phòng", tạo ra văn hóa hợp tác, linh hoạt mở rộng không gian làm việc khi cần và huy động sức mạnh của cộng đồng trên toàn thế giới với chi phí rẻ. Tóm lại, đây là một công ty cho thuê không gian văn phòng.
Nói thằng ra thì mô hình kinh doanh của WeWork không hoàn toàn là một thứ rác rưởi. Các không gian văn phòng cho thuê của họ khá đẹp, cơ hội thị trường rộng mở để phục vụ những doanh nghiệp nhỏ cần không gian văn phòng với giá cả hợp lý. Nhưng, chẳng có lời biện minh nào có lý cho sự tồn tại bây giờ của WeWork. Giá trị công ty này đã bị thổi phồng lên mức 47 tỷ USD dù tiêu tốn hàng tấn tiền mà chẳng có con đường nào rõ ràng đến mốc có lãi.
Chưa kể đến nhà sáng lập kiêm cựu CEO "tệ hại" của họ Adam Neumann. Ngoài việc để vợ cùng họ hàng vào làm việc trong công ty, Adam còn khiến văn hóa làm việc ở WeWork như địa ngục. Tiệc tùng, chất kích thích bất kể ngày đêm.
"Định giá ăn cướp"
Những kẻ bất tài như Neumann giờ không hiếm trong xã hội. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Neumann vẫn trở nên quyền lực như vậy mặc cho thực tế là anh ta không phù hợp với vị trí người quản lý hàng tỷ USD tiền vốn và hàng nghìn nhân viên? Câu trả lời chính những nhà đầu tư giàu có rót cho WeWork cả đống tiền trong đó có 2 cái tên đáng kể đến là Jamie Dimon của JP Morgan và Masayoshi Son của Softbank.
CEO Jamie Dimon của JP Morgan thì không đáng nói. Ông này đã bị "mê muội" bởi những lời nói đầy hứa hẹn của Neumann. Son thú vị hơn nhiều. Ông là nhà đầu tư mạo hiểm, người đứng đầu của một quỹ đầu tư đã huy động được cả trăm tỷ USD với mục tiêu tái cấu trúc các ngành công nghiệp toàn cầu. Son đã tạo dựng được danh tiếng trong cuộc bùng nổ bong bóng dot com lần đầu tiên với những khoản đầu tư may mắn vào Yahoo! Và Alibaba. Kể từ đó, ông đã tham gia vào cả mảng gọi xe với khoản đầu tư lớn vào Uber và những đơn vị cạnh tranh với công ty này.
Cựu CEO WeWork Adam Neumann.
Nhìn chung, mô hình của Softbank là tận dụng thị trường vốn tư nhân như một cách để giết chết cạnh tranh bằng núi tiền mặt. Ví dụ, sẽ có nhiều vòng đầu tư vào WeWork và sau mỗi vòng Softbank sẽ mua nhiều cổ phiếu công ty này hơn, ở mức giá trị cao hơn. Cứ như vậy WeWork sẽ được định giá cao hơn, đến một mức không tưởng 47 tỷ USD bởi Son nói rằng công ty này giá trị hơn chứ không dựa trên một cơ sở thực tế nào cả. Thế rồi cho đến trước khi IPO, giá cổ phiếu công ty hoàn toàn bị tùy tiện định giá. Sau đó, WeWork sẽ sử dụng lượng tiền mặt có được từ Softbank đế giảm giá dịch vụ kịch sàn so với đối thủ cạnh tranh, hy vọng sẽ có lãi khi có vị thế mạnh trên thị trường.
Mục tiêu của Son cũng như những nhà đầu tư kiểu này là tìm ra những thị trường lớn, khả thi sau đó rót vốn vào 1 công ty để giúp họ trở nên mạnh nhất. Theo cách đó, cạnh tranh sẽ bị "giết chết".
Chiến lược như trên được gọi là "định giá ăn cướp" và nó là bất hợp pháp. Theo đó, nó khiến cạnh tranh phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiếp cận vốn. Một vài người như Neumann và mô hình của Son với Vision Fund sẽ kết hợp lại với nhau, tạo ra những sản phẩm có giá rẻ hơn cả chi phí, chấp nhận lỗ với mục đích chiếm lĩnh thị trường và cuối cùng buộc những đối thủ khác phải bỏ cuộc.
Định luật Gresham nói rằng: "Tiền xấu đuổi tiền tốt". Nếu bạn có thể làm giả một thứ gì đó rồi bán với giá rẻ thì dĩ nhiên sản phẩm giả đó sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và giết chết hàng thật. Đó chính xác là những gì đang diễn ra trong nền kinh tế của chúng ta thời điểm hiện tại. Những người như Neumann được coi là "chùm xỏ" trong xu hướng này.
Điều đáng buồn là mô hình này đang ngày càng phổ biến. Bird, một công ty xe scooter không kiếm được nổi một đồng tiền nào nhưng đã huy động được tới 718 triệu USD. Uber và Lyft cũng tương tự, họ chưa bao giờ có lãi.
Mối nguy hiểm cho nền kinh tế
Mô hình này thật sự là một thảm hoạ, nó gây ra sự nguy hiểm cho nền kinh tế. Khi thị trường vốn quá sôi động, chiến lược "định giá ăn cướp" sẽ gây lãng phí nguồn vốn khi đổ vào cho các doanh nghiệp thua lỗ.
Tuy nhiên có một thông tin đáng mừng là Neumann đã phải từ chức. Tại sao vậy? Điều đó xảy ra khi công ty này nộp hồ sơ IPO trên sàn giao dịch chứng khoán, khi họ muốn huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư truyền thống. Điều đó có nghĩa là cuộc chơi tự định giá của Softbank và WeWork gặp rắc rối khi bị phía Uỷ ban chứng khoán yêu cầu tiết lộ các thông tin đầu tư cơ bản.
Hoá ra, chức năng của Uỷ ban chứng khoán gồm ngăn chặn độc quyền và chống gian lận rõ ràng làm việc có hiệu quả. Riêng việc bắt công khai thông tin về tình hình kinh doanh của công ty với thị trường có thể ngăn chặn được những người như Neumann hay Softbank.
Chuyên gia Stoller bình luận rằng: "Chính sách công chuẩn mực có thể ngăn chặn chủ nghĩa tư bản hàng giả". Dẫu vậy, chính phủ Mỹ vẫn cần phải đưa ra nhiều điều luật thắt chặt hơn để ngăn chặn hành vi “định giá ăn cướp” và quản lý thị trường tài chính một cách hiệu quả.