Tỷ phú tuổi Dần Gautam Adani: Từ thanh niên bỏ học đến ông vua ngành than đá, kiếm hàng trăm triệu USD mỗi ngày

06/02/2022 08:45 AM | Kinh doanh

Bất chấp đại dịch, khối tài sản của tỷ phú Gautam Adani đã tăng gấp 4 lần trong năm qua.

tỷ phú Gautam Adani
tỷ phú Gautam Adani

Theo báo cáo đầu năm 2022 mới đây của Oxfam Davos, những người giàu nhất Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi tài sản bất chấp khủng hoảng đói nghèo hậu COVID-19, trong đó có  Gautam Adani - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Adani Group - tập đoàn khai thác cảng, sản xuất than nhiệt điện và kinh doanh than lớn nhất Ấn Độ. Ông là tỷ phú có mức tăng tài sản nhiều nhất sau 1 năm, từ 1.402 tỷ rupee (gần 19 tỷ USD) lên 5.059 tỷ rupee (68 tỷ USD).

Với khối tài sản trên, Adani trở thành gia tộc giàu thứ hai Ấn Độ và Gautam Adani, 59 tuổi, vượt qua nhà sản xuất nước đóng chai Chung Thiểm Thiểm của Trung Quốc để vươn lên vị trí người giàu thứ hai châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên Gautam Adani lọt top 10 người giàu nhất Ấn Độ trong năm 2021.

Đam mê kinh doanh từ nhỏ

Ông Gautam Adani sinh ngày 24/6/1962 trong một gia đình bình thường có 7 người con. Cha làm nghề buôn vải và là lao động chính trong nhà nên ông có một tuổi thơ không mấy đủ đầy.

Đam mê kinh doanh ngay từ nhỏ, nên tới năm 2 đại học, Gautam chấp nhận bỏ dở để theo đuổi nghiệp buôn bán. Khi đó, trong tay ông chỉ có vỏn vẹn 100 rupee. Sau vài năm làm nhân viên phân loại kim cương, ông thành lập công ty môi giới kim cương của riêng mình mang tên Zaveri Bazzar tại ngay trung tâm trang sức sầm uất nhất Mumbai.

Tỷ phú tuổi Dần Gautam Adani: Từ thanh niên bỏ học đến ông vua ngành than đá, kiếm hàng trăm triệu USD mỗi ngày - Ảnh 1.

Gautam chấp nhận bỏ dở việc học để theo đuổi đam mê kinh doanh

Năm 1985, ông về quản lý nhà máy cho anh trai ở Ahmedabad và bắt đầu nhập khẩu nhựa PVC cung cấp cho các ngành công nghiệp quy mô nhỏ. Đến năm 1988, vị doanh nhân này thành lập Adani Exports Limited, công ty mẹ của Tập đoàn Adani, chuyên kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng.

Nhanh chóng phất lên như diều gặp gió, Adani Group trở thành đế chế hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ năng lượng, khai thác than, phân phối dầu khí đến cảng biển. Năm 1995, Gautam Adani đàm phán thành công và giành quyền xây dựng cảng biển Mundra tại Gujarat, đưa cảng này trở thành cảng biển tư nhân lớn nhất Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự giàu có cũng khiến Adani không ít lần bị giới tội phạm để ý. Theo hồ sơ cảnh sát, Adani và vợ từng bị bắt cóc tống tiền. Hai người sau đó được thả sau khi chấp nhận thanh toán khoản tiền chuộc thân lên tới 1,5 triệu USD. "Có một vài vụ tai nạn không may xảy ra trong đời tôi. Vụ bắt cóc này là một trong số đó", tỷ phú Adani cho biết.

Khối tài sản tăng gấp 4 lần bất chấp đại dịch 

Theo IIFL Wealth-Hurun India, trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉ phú Gautam Adani cùng gia đình vẫn kiếm được 10 tỷ rupee (134 triệu USD)/ngày. Điều này giúp khối tài sản của vị tỷ phú tăng gấp 4 lần, từ 1.402 tỷ rupee (gần 19 tỷ USD) lên 5.059 tỷ rupee (68 tỉ USD).

Tỷ phú tuổi Dần Gautam Adani: Từ thanh niên bỏ học đến ông vua ngành than đá, kiếm hàng trăm triệu USD mỗi ngày - Ảnh 2.

Cổ phiếu 6 công ty niêm yết của ông cũng bật tăng từ 73% đến 630% trong năm 2021. Điều này khiến Gautam Adani trở thành tỷ phú giàu thứ 2 tại châu Á.

Đầu năm 2021, Adani Group nắm trong tay quyền kiểm soát sân bay Mumbai, sân bay lớn thứ hai Ấn Độ, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 74%. Tập đoàn hiện cũng đang tìm cách phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng đối với Adani Wilmar – công ty liên doanh với Wilmar International của một tỷ phú người Singapore.

Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD trong 10 năm tới vào ngành công nghiệp năng lượng xanh cũng đang được ông Adani ấp ủ. Ông tin rằng triển vọng của tập đoàn sẽ rất sáng sủa trong bối cảnh chính phủ chủ trương đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch để cắt giảm lượng khí thải nhà kính.

Theo: Bloomberg, Tổng hợp

Huệ Anh

Cùng chuyên mục
XEM