Thế hệ nông dân thu tiền tỷ từ TikTok, YouTube: Làm nông lấm lem bùn đất còn hơn danh hão "dân văn phòng" vật vờ như "ma" nơi công sở!

02/02/2022 15:10 PM | Kinh doanh

Nếu ai nói với tôi rằng: "Làm nông dân vất vả lắm. Kiếm tiền từ YouTube,… đâu có dễ!" thì... không sai! Nhưng có nghề nào chân chính, kiếm được nhiều tiền mà không vất vả, lao lực? Chẳng vất vả chân tay thì cũng mệt nhoài trí óc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Bắc Bộ, trong một gia đình thuần nông. Mặc dù đều là nông dân cả, quay năm chỉ biết cấy lúa, trồng cây ăn trái, nhưng ngay từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ đã cực kỳ nghiêm khắc và coi trọng việc học của các con.

Khá chắc rằng không phải riêng mình tôi, mà nhiều anh chị em cùng lứa với tôi cũng từng được bố mẹ, người thân dặn dò: "Phải học hành chăm chỉ, để còn thoát khỏi cái luỹ tre làng này. Chứ làm nông dân thì khổ lắm con ơi!".

Ngày bé tôi không suy nghĩ nhiều, nhưng nhìn bố mẹ vất vả, tôi nghĩ làm nông dân khổ thật. Vì thế mà tôi cũng cố gắng học giỏi, thi vào trường tốt, để rồi, đúng như ước nguyện của bố mẹ, tôi có một công việc văn phòng, cả ngày ngồi trong phòng điều hoà, không phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Nhưng công việc ngày nào cũng lặp lại giống nhau, lương lại không như kỳ vọng. Trong khi đó, bố mẹ tôi rất hài lòng. Mỗi lần tôi may mắn được đi công tác ở đâu đó thì mẹ lại tỏ ra lo lắng: "Sao công việc vất vả thế? Cứ đi thế này rồi sau này sao chăm sóc được gia đình, chồng con".

Sau mấy chục năm phơi sương, phơi nắng, có lẽ sự vất vả của nghề nông đã trở thành nỗi ám ảnh với bố mẹ. Nhưng 1-2 năm trở lại đây, dường như thời thế đã thay đổi. Những thứ mà báo chí nói rằng "chuyển đổi số" hay "nền kinh tế số" nghe tưởng mơ hồ nhưng lại đang len lỏi rất sâu vào đời sống của nông thôn.

[Bài tết mùng 2] Thế hệ nông dân thu tiền tỷ từ TikTok, YouTube: Làm nông lấm lem bùn đất còn hơn danh hão dân văn phòng vật vờ như ma nơi công sở! - Ảnh 1.

Xem TikTok và YouTube, tôi nghĩ đã đến lúc cần có cái nhìn khác về nghề nông, những người nông dân hoặc người làm công việc lao động chân tay.

Tôi nhớ đến LocFuho – streamer gây "bão" trên YouTube, Facebook một thời gian dài. Chàng trai sinh năm 1994, làm công việc phụ hồ, ngoại hình chẳng sáng sủa như những ngôi sao giải trí, quần áo lấm lem, lại chỉ livestream "dạy" cách trộn vữa, phụ hồ nhưng khiến hơn 257.000 người phải vào xem cùng lúc. Đến nay, Loc Fuho có hơn 1,55 triệu fan đăng ký, mỗi video đăng tải đều có vài trăm nghìn đến cả triệu lượt xem.

[Bài tết mùng 2] Thế hệ nông dân thu tiền tỷ từ TikTok, YouTube: Làm nông lấm lem bùn đất còn hơn danh hão dân văn phòng vật vờ như ma nơi công sở! - Ảnh 2.

LocFuho

Hay Sang Vlog cũng là một chàng trai trẻ (SN 1995) xuất thân từ vùng quê nghèo Đồng Nai, tập tành làm YouTube trong khi vẫn duy trì công việc chính là phụ hồ. Sang nổi tiếng với biệt danh "YouTuber nghèo nhất Việt Nam". Trước đây, Sang từng làm công nhân ở thành phố nhưng vì cảm thấy môi trường không phù hợp và muốn dành thời gian chăm sóc bố mẹ nên quyết định về quê, làm phụ hồ.

Sang thường quay video cuộc sống thường ngày trong căn nhà đơn sơ, cũ kỹ, nội dung chủ yếu nói về ẩm thực, mò cua, bắt cá, đời sống ở nông thôn,… Chính sự giản dị và chân phương ấy đã giúp Sang Vlog thu về hơn 3,5 triệu lượt đăng ký và tổng cộng hơn 774 triệu lượt xem. Sau 2 năm miệt mài làm YouTube, Sang Vlog đã kiếm được 2,5 tỷ đồng, thu nhập trung bình 60 triệu đồng/tháng. Tuy kiếm được nhiều tiền hơn nhưng chàng trai vẫn gắn bó với những nội dung gắn liền với làng quê nơi mình sinh sống, vẫn giữ nét mộc mạc nơi làng quê.

[Bài tết mùng 2] Thế hệ nông dân thu tiền tỷ từ TikTok, YouTube: Làm nông lấm lem bùn đất còn hơn danh hão dân văn phòng vật vờ như ma nơi công sở! - Ảnh 3.

Sang Vlog

Những trường hợp như Sang Vlog, LocFuho ngày nay không hề ít. Chỉ đếm "sương sương" đã có khá khá cái tên tương tự như chủ kênh Ẩm thực mẹ làm, Tam Mao TV,….

"Hai chàng trai dân tộc Mường, sống ở Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội, Cách Hồ Hoàn Kiếm 60km có tên là Mao đệ và Mao đại ca là minh chứng sống động về kinh tế số: cuối năm 2020, cả Mao đệ và Mao đại ca, mỗi người khánh thành một căn nhà 2 tầng khang trang trên mảnh đất rộng 800m2 to nhất làng từ tiền thu nhập làm 2 kênh YouTube về ẩm thực (nhiều người còn gọi là biệt phủ).

Mao đệ sinh năm 2000, có chiều cao chỉ như chiều cao em bé học sinh cấp 1, mới tốt nghiệp trung học phổ thông, còn Mao đại ca sinh năm 1991, tốt nghiệp Đại học Xây dựng, thất nghiệp về quê. Thời kinh tế số, 2 anh em rủ nhau làm YouTube về 2 kênh ẩm thực, với cảnh nông thôn và sinh hoạt thôn quê, với tính cách hồn nhiên và hài hước, 2 kênh ẩm thực YouTube đã đạt hơn 1 triệu Sub.

Hai chàng trai thôn quê, một chàng trai chiều cao khiêm tốn chỉ tốt nghiệp phổ thông, một chàng trai tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp nhờ làm youtube về ẩm thực thôn quê mà có thu nhập hơn 2,5 tỷ đồng một năm, xây nhà to đẹp nhất làng và sắm được cả ô tô riêng là minh chứng thuyết phục về vai trò của kinh tế số", ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cũng từng nhận định.

[Bài tết mùng 2] Thế hệ nông dân thu tiền tỷ từ TikTok, YouTube: Làm nông lấm lem bùn đất còn hơn danh hão dân văn phòng vật vờ như ma nơi công sở! - Ảnh 4.

Nghề nông hay những công việc chân tay ở nông thôn giờ đây không chỉ gắn với con trâu, cái cày,… mà còn gắn với những chiếc điện thoại, máy quay phim. Thu nhập của những anh nông dân, phụ hồ không chỉ đến từ 200.000 đồng/ngày công hay bán nông sản, mà còn từ YouTube, Facebook,… Thu nhập vài tỷ đồng/năm, nhiều dân văn phòng có lẽ cũng phải ghen tỵ!

Nếu ai nói với tôi rằng: "Làm nông dân vất vả lắm. Kiếm tiền từ YouTube,… đâu có dễ!" thì... không sai! Nhưng có nghề nào chân chính, kiếm được nhiều tiền mà không vất vả, lao lực? Chẳng vất vả chân tay thì cũng mệt nhoài trí óc. Không phải tự nhiên mà nhiều thanh niên muốn bỏ phố về quê, trở về với luỹ tre làng mà ngày xưa họ chỉ muốn rời bỏ. Về quê làm nông dân, kiếm được tiền bằng công việc chân chính, sống tử tế, bạn chẳng có gì phải xấu hổ.

Năm 2022 rồi, thời đại công nghệ 4.0 rồi, không phải cứ mặc áo sơ mi trắng, ngồi văn phòng điều hoà mát lạnh mới là "sang", mới là kiếm được tiền. Chưa kể, những kẻ mặc áo "cổ cồn trắng" nhưng giống như "con ma" nơi công sở, đi làm chỉ mong giờ về, mắc kẹt trong cái danh hão mang tên "dân văn phòng". Tôi nghĩ, như thế còn khổ hơn việc lấm lem bùn đất!

Làm công việc gì cũng được, nông dân, công nhân hay nhân viên công sở đều đáng quý, miễn là cố gắng hết mình! Năm mới đến rồi, hãy cùng tìm kiếm công việc thực sự ý nghĩa với bản thân, và sống hết mình với nó.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
XEM